Mưu sinh giữa đêm đông 0 độ C



Đêm Sa Pa, nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C. Khoảng chục chị em phụ nữ và trẻ em người Mông, người Dao bất chấp cái rét thấu xương đon đả mời chào khách du lịch mua hàng. Cơn mưa trút xuống, họ vội tụ lại sưởi ấm cho nhau trong đêm đông lạnh.




Giáp Tết, Sa Pa đón hai đợt rét đậm rét hại tăng cường, có thời điểm cả thị trấn chìm trong cơn mưa tuyết trắng xóa. Vào những ngày cuối tuần, tại khu vực quảng trường và nhà thờ đá Sa Pa nhộn nhịp khách du lịch đến vui chơi với mong muốn được tận mắt nhìn thấy mưa tuyết.


Càng về đêm, nhiệt độ càng giảm sâu dưới 0 độ C, đỉnh điểm xuống -1 độ C. Trong đêm lạnh, nhiều phụ nữ và trẻ em người dân tộc vẫn lặng lẽ mưu sinh giữa cái rét tê tái.


Đến vùng núi cao, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ theo chân mẹ lên nương, lên rẫy. Còn trong đêm đông Sa Pa, những đứa trẻ người Mông, người Dao theo chân mẹ xuống thị trấn bán hàng.


Hai má ửng hồng, đôi tay run run vì lạnh, nhưng chúng vẫn tươi cười mời chào từng đoàn khách du lịch mua móc khóa thổ cẩm, balô hay chiếc khăn ấm về làm quà.


Trong đám trẻ bán hàng tại khu vực nhà thờ, cô bé Thào Thị Linh (7 tuổi, xã Lao Chải) nom chững chạc hơn hẳn. Em mặc bộ váy áo người Mông sặc sỡ, luôn nở nụ cười rạng rỡ hễ thấy đoàn khách du lịch nào đến tham quan.


"Cô ơi, chú ơi, mua móc khóa này đi. Con tự làm đó" - Linh khéo léo mời nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội.


Thấy cô bé dễ mến, mỗi người khách chọn lấy một móc khóa với giá 15.000 đồng/chiếc, thế là Linh tíu tít gọi mẹ đến khoe vì kiếm được tiền.



Em Thào Thị Linh (bìa phải) đang run lên vì rét. Nhưng em không muốn xa mẹ, vẫn theo chân mẹ xuống thị trấn bán hàng đêm suốt 5 năm nay


Linh đon đả mời chào những vị khách trẻ tuổi ở nhà thờ đá Sa Pa

Tròn 5 năm cô bé Linh theo chân mẹ xuống thị trấn bán hàng trong đêm. Linh kể, buổi sáng em đi học, 12h trưa đi bộ cùng mẹ xuống thị trấn bán hàng đến 23h.


"Bán hàng ở đây có bạn Dí học lớp 4, bạn Sú cũng học lớp 4. Em chỉ thích ở nhà chơi thôi, nhưng mẹ đi bán nên em đi. Buồn nhất là những lúc không bán được hàng, người ta từ chối em", Linh nói khá sõi và rành rọt từng tiếng phổ thông.


Ngày trước, chị Má Thị Pằng (27 tuổi) địu bé Linh mới 2 tuổi trên lưng đi bán hàng, nay người mẹ ngồi một chỗ quan sát bước đi của con gái, thỉnh thoảng cái Linh vui như đi hội chạy nhanh về chỗ mẹ đang ngồi khoe số tiền cầm trên tay.


Cũng vì nhà khó khăn quá mà mẹ con chị phải xuống thị trấn này.


"Phải bán thôi, cỏ trên nương hết rồi, không có tiền mua cỏ cho trâu ăn. Tối nay lạnh lắm, mình mang theo bếp lửa sưởi à, bán xong thì xin đi ngủ nhờ nhà người quen. Lạnh như thế này, không có khách thì mai đi về nhà thôi", chị Pằng nói.


Cũng khoác lên mình bộ váy áo người Mông sặc sỡ, con bé Dí (10 tuổi, trú xã Tả Van) còn địu thêm em trai 2 tháng tuổi sau lưng đi bán hàng. Cơn mưa trút xuống, Dí vội vàng mở chiếc dù trên tay che chắn cho hai chị em.


"Tối nay Dí lạnh, em cũng lạnh, nhưng Dí bán được 3 móc chìa khóa, có tiền mua sữa cho em rồi" - cô chị hào hứng khoe thành tích bán hàng tối nay.



Dí (10 tuổi) cõng em trai theo mẹ xuống thị trấn bán hàng. Dí nói muốn bán được nhiều kiếm tiền mua sữa cho em.
Cuốc bộ hơn một giờ đồng hồ thì ba mẹ con chị Giàng Thị Trú mới đến được thị trấn. Chị Trú không nỡ để cái Dí với thằng bé mới sinh đi theo, nhưng ngặt nỗi ở nhà không có ai trông con, chồng suốt ngày ở trên nương nhưng làm không đủ ăn.


"Mỗi ngày bán hàng cũng kiếm được 100.000 - 200.000 đồng tiền lãi. Mệt lắm, đưa con nó theo tội nghiệp nhưng nó bảo 'cho con đi theo bán'. Rét thế này sợ lắm, nhưng không có gì ăn, đi bán thôi", chị Trú bày tỏ.


Cạnh đó là những đứa trẻ người Dao gùi trên lưng giỏ hàng nặng 20 - 30kg với đủ các mặt hàng khăn, quần áo, móc khóa. Hầu hết những món hàng đều được nhập lại từ tiểu thương ở chợ đầu mối, chỉ một số mặt hàng như móc khóa là những đứa trẻ này có thể tự tay làm lấy.


Lò Tả Mẩy (14 tuổi, ở xã Trung Chải) đưa em trai 11 tuổi xuống thị trấn bán hàng. Hai chị em cùng nhiều phụ nữ ở bản đi bộ quãng đường hơn 15km mới đến được khu vực nhà thờ.


Mẩy nhìn những đứa trẻ người Mông nhỏ xíu rồi lắc đầu: "Người Dao tụi em không cho trẻ em đi theo đâu, nhỏ nhất cũng phải học lớp 6, lớp 7 mới được đi bán. Em bán đây được hai năm rồi, kiếm tiền giúp bố mẹ thôi, đêm nhiều nhất cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng".







Trước đây Mẩy cũng theo chân mẹ xuống thị trấn nhưng nay mẹ già yếu rồi, Mẩy nói mẹ ở nhà, còn em nhận nhiệm vụ kèm cặp đứa em trai học cách bán hàng.


Những đứa trẻ bán hàng trong đêm như Mẩy đều học tranh thủ, nghĩa là chỉ có một buổi sáng học trên lớp, buổi chiều thì về nhà giúp bố mẹ làm nương, làm rẫy, và tối đến thì có mặt ở nhà thờ này.


"Sáng sớm đi học thì em tranh thủ đi sớm, đến lớp sớm học thuộc lòng trước giờ cô giáo truy bài" - cô bé 14 tuổi nhanh nhảu chia sẻ cách học bài cho các em.


Từ ngày lấy chồng ở xã Thanh Kim, cách thị trấn khoảng 25km, gia đình chị Lò Lở Mẩy (23 tuổi) vô cùng khó khăn. Vợ chồng chị làm quần quật cả ngày trên nương, trên rẫy cũng không đủ nuôi sống gia đình và bố mẹ già.


Khoảng 5 - 6 năm trước, chị quyết định xuống thị trấn mưu sinh trong đêm.


Chị Lở Mẩy trùm một chiếc chăn, rồi trùm thêm túi ni-lông lên người cho đỡ buốt tay chân.


"Cực nhất là bán hàng mùa này, rét run bần bật. Nhưng rét thế nào cũng bán, cố chịu thôi", chị Mẩy vừa nói vừa chỉ tay về mấy căn nhà hoang đối diện với phía nhà thờ.


Chị em phụ nữ, trẻ em bán hàng đêm ở thị trấn đều mượn tạm những căn nhà bỏ hoang này để qua đêm trong mấy ngày cuối tuần. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn không có tiền thuê chỗ nghỉ trọ, họ đành trú nhờ qua đêm, lấy tấm bạt thay chiếu, túi nilông thay chăn chống chọi với cái rét miền sơn cước xuống dưới 0 độ C.


Trong những căn nhà bỏ hoang ở thị trấn Sa Pa, vài ba nhóm phụ nữ tụ lại với nhau đốt bếp lửa sưởi ấm, xua tan cái rét mướt cuối đông.


Họ đến từ nhiều xã khác nhau nhưng trong đêm lạnh không phân biệt dân tộc, tuổi tác, họ kể cho nhau nghe về câu chuyện mưu sinh trong đêm đông lạnh lẽo. Đôi vai họ khẽ run vì cái lạnh tê buốt hay vì xót xa cho những bé gái mới lớn mà chịu nhiều tủi cực.





Bên bếp lửa còn đương cháy, Lò San M. (23 tuổi, ở xã Trung Chải) nhớ rõ 17 tuổi chị bị lừa bán sang Trung Quốc, đến 6 năm sau mới xin bố chồng cho về lại quê nhà.


"Mình thương thì người ta đưa mình đi chơi, ai ngờ… 17 tuổi bị lừa bán, mình muốn về nhà nhưng không trốn được đành ở lại làm con gái nhà họ. Rồi họ bán mình cho một người đàn ông Trung Quốc, mình lấy ông ta làm chồng.


Mình sinh tận 3 đứa con nhưng họ không cho đưa về Việt Nam. Ngày về nước, mình xin bố chồng cho mang theo đứa con thứ ba mới tròn ba tháng tuổi, con nó đang khát sữa mẹ mà họ không cho", nước mắt M. chảy dài vì nỗi đau đầu đời vấp phải.


Về Việt Nam, để nguôi nỗi nhớ con, M. theo chân những người phụ nữ ở Trung Chải xuống thị trấn bán hàng lưu niệm.


M. nói: "Anh trai mình chết rồi, bố mẹ cũng già yếu, chỉ còn mình có thể kiếm tiền thôi. Bán ba ngày cuối tuần, lãi mỗi đêm cũng 100.000 đồng. Thi thoảng có nhớ con muốn sang đó, nhưng bố mẹ với làng xóm ngăn lại vì xa quá, mình cũng không muốn bỏ bố mẹ để đi".


Xua đi không khí buồn bã, bà Lý Mủa Nảy (50 tuổi, ở xã Thanh Kim) - người có kinh nghiệm 10 năm bán hàng được coi là già làng, vừa thêu chiếc quần nhanh thoăn thoắt vừa khoe sản phẩm của mình.

Hidden Content

Bà nói riêng bộ quần áo trên người đang mặc cũng có giá tiền triệu vì quý lắm, thêu bộ quần áo này mất cả năm trời, nếu bán mới thì ít nhất được mấy triệu, bán cũ thì 200.000 - 300.000 đồng.



Nhiệt độ xuống thấp dưới 0 độ C, nhiều trẻ em, phụ nữ người Mông vẫn mưu sinh dưới cái rét. Họ phải đốt bếp lửa sưởi ấm để xua cái lạnh




Nội dung: HÀ THANH - NAM TRẦN
Hình ảnh: NAM TRẦN
Thiết kế: THÙY TRANG
Concept: BẢO SUZU
TTO