kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Thú đọc báo Xuân

  1. #1
    Thành Viên Chính Thức
    Tham gia ngày
    Oct 10th 2013
    Bài gởi
    1,480
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    235

    Default Thú đọc báo Xuân

    .

    Thú đọc báo Xuân
    Từ Kế Tường


    Không biết từ bao giờ làng báo có truyền thống phát hành thêm tờ báo Xuân vào dịp Tết Nguyên đán, gọi là Giai phẩm Xuân.

    Tờ báo đặc biệt này tăng trang, dày gấp đôi gấp ba báo thường, bìa in ốp sét 4 màu, ruột cũng in màu và vì báo Xuân nên bài vở chọn lọc, đề tài mùa xuân “vui nhà vui cửa”, tránh chuyện đấu đá, chém giết, tai nạn... Hầu hết là bài văn nghệ, còn thời sự chỉ vài trang mang tính tổng kết, nhìn lại giống như thêm gia vị ngày xuân.


    Hidden Content

    Báo Ngày Nay số Tết Canh Thìn ( 1940 )

    Báo Xuân trước năm 1975 thường phát hành cận tết, trong khoảng từ 20 - 26 tháng chạp, không như báo Xuân bây giờ in ấn, phát hành rất sớm, trước tết một tháng. Thậm chí, có tờ báo Xuân phát hành sáng 28 tháng chạp, còn thơm mùi giấy mực trong khi đây đó đã rộn rã hoa trái, bánh mứt lẫn tiếng trống múa lân, tiếng pháo mừng xuân. Báo Xuân là một mặt hàng ưa thích của mọi nhà, ít nhất mỗi nhà cũng mua một tờ mà mình ưa chuộng để nam phụ lão ấu trong gia đình cùng đọc lai rai trong ba ngày tết, hay khách đến chơi nhà, chúc tết gia chủ trong lúc hàn huyên bên chung rượu chén trà, thỉnh thoảng liếc qua vài trang. Đó là một thứ văn hóa đọc vào ngày Xuân đã được duy trì từ rất lâu của người Sài Gòn lịch lãm.


    Hidden Content

    Báo Tự Do số Xuân Canh Tý

    Trước năm 1975 ở Sài Gòn có khoảng 30 tờ báo, hầu hết đều là nhật báo khổ lớn, kế đến là tuần báo, bán nguyệt san, tạp chí... chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều là báo văn nghệ. Tại sao báo Xuân hồi ấy không in ấn, phát hành sớm trước tết cả tháng như bây giờ? Rất đơn giản, vì nó không mang tính cạnh tranh khốc liệt, và độc giả nếu mua đọc báo ngày thường xuyên tất nhiên sẽ ưu tiên mua báo Xuân của tờ đó. Còn nếu mua thêm tờ báo Xuân thứ hai thì sẽ chọn tờ cốt để “hài lòng bà xã”, nghiêng về đề tài phụ nữ, ví dụ Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai...


    Hidden Content

    Sạp báo Xuân trước năm 1975

    Báo Xuân trước năm 1975 hầu như không đặt nặng vấn đề quảng cáo, nội dung bài vở cũng rất phong phú, nhiều chuyện đông tây kim cổ. Người đọc sẽ không bỏ qua các bài tư liệu, ghi chép xoay quanh chuyện con giáp của năm đó, ví như “Năm Ngọ nói về con ngựa” và ôi thôi, có đủ chuyện về con ngựa, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng như “Xuất thân của con ngựa trường đua Phú Thọ” đến chuyện “Con ngựa bà”. Phụ nữ vốn mê tín, thiên về tâm linh, thích bói toán, tử vi ngày xuân nên sẽ có những chuyên gia cỡ Huỳnh Liên, Khánh Sơn “bốc quẻ” bàn về những người tuổi Ngọ, sau đó là tình, tiền, tài, lộc, một thứ “tử vi đẩu số” cho mọi người.




    Khi lên trung học, tôi đã có cái thú “đọc cọp” báo Xuân ở vài sạp báo quen đầu phố. Lúc đó tôi đã tập tành làm thơ, viết truyện gửi đăng báo Xuân, nên đọc để dò xem báo họ có đăng bài mình không. Nếu có thì móc hầu bao mua tờ báo Xuân có đăng bài để “tự sướng”, sướng lắm, sướng một cách khó tả khi lật trang báo Xuân có đăng bài thơ, đoản văn hay cái truyện ngắn của mình.

    Không có sự sung sướng nào bằng khi mua tờ báo Xuân (không cần báo biếu, nhuận bút) có đăng bài mình. Không chỉ mua một tờ, mà có nhiều tiền sẽ mua năm bảy tờ về khoe, tặng bạn bè.

    Từ Kế Tường
    -https://sites.google.com/site/vuonxuanatmui/vxam-45
    thay đổi nội dung bởi: nkk72, 01-06-2018 lúc 21:42 Lý do: fix thiếu chữ x

  2. Thanks tu kien, Hoàng Na, nguacon, AnBinh, N/A, nkk72 thanked for this post
  3. #2
    Thành Viên Chính Thức nguacon's Avatar
    Tham gia ngày
    May 19th 2012
    Nơi Cư Ngụ
    Trái Đất Nầy - This Planet Earth
    Bài gởi
    15,281
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    430

    Default

    Từ Kế Tường Hidden Content Hidden Content
    Thấy không lạ lắm mà không quen ...

  4. Thanks N/A thanked for this post
  5. #3
    Thành Viên Chính Thức
    Tham gia ngày
    Oct 10th 2013
    Bài gởi
    1,480
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    235

    Default

    Hidden Content Nguyên văn bởi nguacon Hidden Content
    Từ Kế Tường Hidden Content Hidden Content
    Thấy không lạ lắm mà không quen ...

    ..."... Nhà văn Từ Kế Tường tên thật là Võ Tấn Tước. Ông sinh năm 1946 (Bình Đại, Bến Tre). Từ năm 1969 ông đã bắt đầu sự nghiệp làm báo và viết văn. Cho đến thởi điểm năm 1975, Từ Kế Tường đã xuất bản rất nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu mến. Lý giải về việc bắt tay viết văn từ rất sớm, Từ Kế Tường cho rằng tuổi trẻ thời chiến tranh của ông mang trong mình quá nhiều ưu tư về đời sống, thế sự. Nhu cầu viết, bộc lộ tâm tư tình cảm của bản thân do đó đến một cách rất tự nhiên...."...

    Trích -http://khaiphong.net

  6. Thanks gacon2004, nguacon, N/A, tcdinh thanked for this post
  7. #4
    Thành Viên Chính Thức nguacon's Avatar
    Tham gia ngày
    May 19th 2012
    Nơi Cư Ngụ
    Trái Đất Nầy - This Planet Earth
    Bài gởi
    15,281
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    430

    Default

    Thú đọc báo xuân của người Sài Gòn xưa

    Người Sài Gòn thích báo xuân với nội dung giải trí nhẹ nhàng, mở mang kiến thức, học hỏi văn hóa bốn phương ngay từ những năm 1930 - 1940 và nói chung là những thập niên giữa thế kỷ 20 thì tại Sài Gòn đã có những tờ báo xuân rất đình đám, nổi bật in ấn công phu, lộng lẫy...


    Món ăn tinh thần không thể thiếu

    Sài Gòn xưa (TP.HCM) tuy không là trung tâm của văn hóa, văn học nước ta nhưng lại chính là nơi xuất hiện sớm nhất của báo chí Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu sau khi người Pháp xâm chiếm và đô hộ nước ta thì Sài Gòn đã trở thành nơi xuất hiện những tờ báo (mà dân Nam Bộ quen gọi là nhật trình).

    Xin kể sơ lược lại tờ báo đầu tiên là Gia Định báo ra đời từ ngày 01/04/1865 đặt dưới sự điều hành của một người Pháp tên là Ernest Potteaox rồi sau đó từ năm 1869 chuyển giao về cho ông Trương Vĩnh Ký, một học giả danh tiếng người Sài Gòn.

    Tờ báo Việt Ngữ tiếp theo là Phan Yên báo do ông Diệp Văn Cương chủ biên. Tờ thứ ba là tờ Nông Cổ Mín Đàm ra đời năm 1901 do Lương Khắc Ninh chủ biên với sự cộng tác của các nhà báo của Sài Gòn thời bấy giờ là Gilpert Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sách, Nguyễn Viên Kiều, Nguyễn Đông Trụ, Lê Văn Trung, Nguyễn Thành Phương… đặc biệt là ba tờ báo chuyên đề phụ nữ đầu tiên đó là tờ Nữ Giới Chung của bà Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tờ phụ nữ Tân Văn của Nguyễn Đức Nhuận, tờ Tân Khuê Phòng của Lê Thành Tường ra đời năm 1934.


    Hidden Content
    Một sạp báo xuân tại Sài Gòn xưa.

    Đó là những tờ báo xuất hiện sớm nhất ở Sài Gòn và ngay từ thời ấy những người chủ biên đã có ý thực hiện những đặc san chuyên đề về mùa xuân, gọi là báo xuân mang đặc trưng của báo Việt Nam, khác với cách làm báo của phương Tây thời ấy.

    Bởi vậy ta có thể nói rằng làm báo xuân theo kiểu người Việt Nam thì tiêu biểu là báo xuân của người Sài Gòn. Vậy báo xuân của thời ấy (tức từ những thập niên 1930, 1940, 1950 và về sau nữa) gần như nhất quán trong đường lối, chủ trương của báo Việt ngữ tại Việt Nam và đặc biệt là Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

    Từ đó có riêng một phong cách làm báo và đọc báo của người Sài Gòn, cho nên nếu so sánh giữa báo xuân của Sài Gòn và các nơi khác ở Trung và Bắc Việt Nam thì thấy rõ nét đặc trưng của Sài Gòn không lẫn vào đâu được. Và để tìm hiểu, giới thiệu lại cái gọi là thú đọc báo xuân của người Sài Gòn xưa chúng tôi thấy rằng rất nên nhắc lại ở đây.

    Nét đặc trưng của phong cách thưởng thức báo xuân của người Sài Gòn là gì?

    Gồm những nét đặc trưng, tiêu biểu từ xa xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại: Người Sài Gòn thích báo xuân với nội dung giải trí nhẹ nhàng, mở mang kiến thức, học hỏi văn hóa bốn phương trong ngay từ những năm 1930 - 1940 và nói chung là những thập niên giữa thế kỷ 20 thì tại Sài Gòn đã có những tờ báo xuân rất đình đám, nổi bật in ấn công phu, lộng lẫy của những tờ báo tiêu biểu như Thành Chung, Tiếng Dội, Tin Điển, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, v.v… tổng cộng có lúc xuất hiện trên sạp báo khoảng hai mươi - ba mươi tờ báo xuân.

    Ngay từ thời ấy những người chưa rõ lắm về phong cách báo xuân của Sài Gòn đã thắc mắc tự hỏi tại sao người Sài Gòn thích đọc quá nhiều báo xuân như vầy chỉ trong mấy ngày tết? Lý giải về điều này thì ta chỉ cần nghe một công chức hạng trung phát biểu là đủ: Người Sài Gòn có thể được tiếng là những người thích đọc báo nhất trong cả nước. Họ đọc báo ngày (tức nhật trình) và cả các loại tạp chí, tuần báo và đọc rất nhiều nhưng vẫn không muốn bỏ sót những số báo đặc biệt gọi là báo xuân, dẫu rằng những ấn phẩm đặc biệt ấy có giá bán gấp đôi, gấp ba thậm chí gấp bảy lần giá báo thường ngày, bởi một lẽ đơn giản là người Sài Gòn tin vào các báo và xem báo chí như là món ăn tinh thần không thể thiếu.

    Một công chức hạng trung hay hạng thấp nhất có thể, lương ba cọc ba đồng không dư giả nhưng thiếu cái gì thì được mà thiếu tờ báo hàng ngày thì nhất định không. Đặc biệt là báo xuân đối với họ, bên cạnh việc ăn uống, nhậu nhẹt và giải trí vui chơi khác thì đọc báo xuân là một cái thú rất hay và được duy trì từ đời này qua đời khác của nhiều tầng lớp nhân dân.

    Hình thức của báo xuân vào những thập niên giữa thế kỷ 20 rất ấn tượng và độc đáo với những ảnh bìa thường là hình vẽ, thể hiện lại những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc chúng ta, đặc biệt tiêu biểu nhất và thường xuyên nhất là hình ảnh vua Quang Trung đại phá quân Thanh vào những ngày đầu xuân.

    Nếu có điều kiện thống kê lại thì từ 1930 cho đến 1960 ta có thể thấy rõ là hình ảnh chiến thắng của Quang Trung Nguyễn Huệ chiếm đa số trong ảnh bìa báo xuân, sau đó mới tới cảnh đẹp của đất nước. Còn ảnh bìa phụ nữ đẹp thì xuất hiện nhiều nhất vào thập niên bảy mươi, tám mươi, chín mươi trở về sau này.

    Trên các trang báo xuân không thể thiếu những giai thoại về phong tục, tập quán của nước ta, đặc biệt là giai thoại liên quan tới từng năm mà tờ báo xuân tiêu biểu cho năm ấy. Thí dụ như năm Ngọ thì dứt khoát trong nội dung báo xuân phải có những giai thoại về con ngựa và hầu như trong mười hai con giáp thì chưa có con nào mà các báo xuân của nước ta, đặc biệt là báo xuân của người Sài Gòn không đề cập đến.


    Hidden Content
    Một góc Sài Gòn xưa.

    Năm nào chuyện ấy

    Như vừa nói ở trên, nội dung báo xuân ở Sài Gòn thời xưa thường xoáy mạnh vào những chuyện giải trí, chuyện phong tục, tập quán ngày tết, và đặc biệt là những giai thoại, đôi khi cười ra nước mắt, nặng tính châm biếm sâu cay, nhằm giúp cho người đọc có chuyện để mà nghiền ngẫm trong những ngày tết bên men rượu, hương trà. Chính nét đặc trưng này cho nên đã có những giai thoại hết sức độc đáo đã xuất hiện trên các báo xuân của Sài Gòn từ xưa, mà ở đây chúng tôi xin nhắc lại hai giai thoại tiêu biểu: Chuyện thứ nhất về con dê của năm Mùi và về một câu đối tiêu biểu của ngày tết.

    Nếu là người Sài Gòn lâu đời thì ắt ai cũng biết tới một nhân vật khá tiêu biểu gọi là Tổng đốc Phương, mà cho đến trước tháng tư 1975 tên ông ta vẫn còn ngự trị trên một đại lộ thuộc loại lớn nhất ở quận 5 mà ngày nay đã được thay bằng tên nhà cách mạng Châu Văn Liêm. Trên số báo xuân của năm Mùi vào thập niên 1930, khi ấy danh tiếng của tay tổng đốc nịnh Tây Nguyễn Hữu Phương (tức tổng đốc Phương) còn rất nặng nhưng một nhà báo đã kể lại một giai thoại liên quan tới tay bồi Tây này, có liên quan tới sư phụ (tức con dê xồm) như sau:

    Mùa xuân năm ấy quan tổng đốc nhà ta vốn nịnh quan Tây cho nên mướn thợ quay một con dê xồm mập ú để làm món quà ăn giao thừa của quan và đích thân đem tận nhà dâng quan. Quan Tây nhìn thấy con vật quay vàng nghệ thơm lừng nhưng không nhận ra là con gì bèn hỏi đây là con chi? Tên tổng đốc nịnh Tây và rất là khúm núm khi đứng trước quan Tây mà vốn lão ta cũng tiếng Tây, tiến u ba xí ba tú cho nên khi quýnh lên thì không biết giới thiệu món quà là gì.

    Lúc ấy lão ta quên chữ "Bouc" hay là "Che`vre" để chỉ con dê hay con cừu nên lúng túng tả hình dáng của con vật bằng câu tiếng "Tây bồi": Lũy mêm xối xiêm, già na bắp, già na cót (câu này nếu đọc đúng tiếng Tây thì Lui Même chose chien, il y a parpe, il y a corne) có nghĩa là nó giống như con chó.

    Nó có râu, nó có sừng. Dẫu là một câu tiếng bồi để giới thiệu về con dê mà ông ta nói nó giống như chó, có râu, có sừng vậy mà lão quan Tây vẫn hiểu cho nên sau đó bắt tay lão ta rồi khen lấy khen để. Và nhờ vậy lão tổng đốc bợ Tây đã được điểm về món quà cái con giống con chó ấy! Giai thoại này người viết đưa lên báo có ý mượn con vật cầm tinh của năm Mùi ấy để làm quà cho tổng đốc Phương tặng quan Tây mà ví nó như con chó, chẳng khác nào chửi tên quan Tây và cả tên Việt gian ấy nữa đều là chó. Một cách chửi thật cay độc mà chỉ có dân nhà báo mới biết chửi kiểu ấy!

    Còn giai thoại thứ hai hình như xuất hiện trên tờ báo Thành Chung mà khi ấy ngoài những tay ký giả tên tuổi lừng danh của đất Sài Gòn như Diệp Văn Kỳ thì còn có sự cộng tác của nhà thơ đất Bắc Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu nữa. Bởi vậy trong đó mới có một giai thoại thật cay độc chửi thẳng vào tay thủ tướng đương thời của Sài Gòn lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Tâm. Nguyễn Văn Tâm là một đốc phủ sứ được Pháp dựng lên làm thủ tướng bù nhìn, lão ta vừa dốt vừa hống hách, lại dữ dằn, gian ác có tiếng nhưng cũng rất khoái được nịnh.

    Bởi vậy mới có chuyện vào ngày tết hắn ta đã bị một nhà nho yêu nước gửi tặng cho một khung liễn thật đẹp bằng thư pháp chỉ với hai chữ nổi bật trên nền giấy hồng đơn: Đại Điểm! Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm nhận được món quà văn chương ấy thì khoái lắm, bởi nghĩ rằng nhà nho mà tặng cho chữ nhân dịp xuân về là quý hơn bất cứ món quà nào, cho nên lão ta sai gia nhân treo một nơi trịnh trọng nhất tại phòng khách để tết đó có khách quý tới giới thiệu để nở mày nở mặt.

    Nhưng hắn không ngờ trong số khách tới chúc tế có người đọc được và đỏ mặt giùm cho lão ta, bởi hai chữ Đại Điểm nếu dịch nghĩa ra tiếng Việt thì là chấm to mà chấm to nếu nói láy lại thì nó thành Chó Tâm! Còn có cách chửi nào độc địa và thâm thúy hơn cách chửi bằng câu liễn đó hay không! Bởi vậy chưa kịp hết tết thì tay thủ tướng bù nhìn đã phải cho giai nhân gỡ tấm liễn ấy xuống rồi đem vứt đi và chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt chớ còn làm gì được nhà nho tốt bụng kia!

    Phong cách đọc báo xuân của người Sài Gòn không thay đổi

    Báo chí Sài Gòn ngày xưa làm báo xuân như thế, cho nên được độc giả càng ngày càng thích thú. Có lẽ do cái truyền thống ấy, tức nội dung báo xuân lúc nào cũng có bài đề cao phong tục, tập quán của dân ta, những truyện vui, truyện giải trí khắp năm châu bốn biển nhất thiết không thể thiếu những giai thoại ngày tết kiểu như hai giai thoại vừa kể trên. Ngày nay nhìn những tờ báo xuân lộng lẫy với phương tiện in ấn tân kỳ, cùng những bài vở càng ngày càng đặc sắc và người đọc bây giờ có khác hơn ngày xưa nhưng tôi nghĩ rằng độc giả của ngày xưa chắt lọc hơn, tinh tế hơn và mãi mãi phong cách đọc báo xuân của người Sài Gòn vẫn không thay đổi…

    Người Khăn Trắng

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 01-23-2016, 10:07
  2. Lươn giúp bổ thận, hồi xuân.
    By PN99 in forum Nữ Công Gia Chánh
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 02-10-2012, 16:54
  3. Xuân Thanh Bình Xuân Chinh Chiến Xuân Tha Hương
    By buonlaubidat in forum Nhạc Sống - Live Music
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 01-22-2012, 11:41

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •