Một điều đáng lo ngại nhất khi khai phá sản là có thể bị đuổi nhà dù đang làm chủ hay đang ở thuê, tuy nhiên luật khánh tận được đặt ra không có mục đích gây đau khổ cho người khai trở thành vô gia cư.
Những người trả đều tiền nhà hàng tháng và đủ sức trả tiếp thì chỉ lo mất nhà nếu vốn liếng (equity) đã tích lũy trong ngôi nhà nhiều hơn mức miễn trừ gia cư (homestead exemption) do tiểu bang ấn định sẽ được đề cập chi tiết dưới đây.
Trường hợp người trả tiền nhà tuy chậm nhưng liệu có đủ sức trả sau khi khai phá sản thì vẫn có thể hồi phục trở lại tình trạng bình thường
Sau cùng, với những ai tuy đã chậm trễ tiền nhà và không còn khả năng trả nổi nữa thì vẫn còn đường thoát để tìm một mái ấm mới. Do đó việc giữ được nhà hay không tùy thuộc vào ba yếu tố – có trả chậm hay không, cư ngụ ở tiểu bang nào, và khai theo Chương 7 (thanh toán tài sản để giải quyết nợ) hay Chương 13 (tái tổ chức tình trạng tài chánh trả nợ dần bằng lợi tức tương lai).

Nếu không chậm tiền nhà vẫn trả đúng hạn hàng tháng và muốn khai theo Chương 7 thì rủi ro mất nhà tùy thuộc số vốn liếng trong ngôi nhà và còn tùy theo mức miễn trừ gia cư (số tiền được miễn trừ khỏi bị lấy đi) theo sự ấn định khác nhau tùy từng tiểu bang.
Vốn liếng là số tiền sai biệt giữa giá trị ngôi nhà trên thị trường hiện hữu trừ đi tổng số tiền còn nợ nhà kể cả nợ vay từ nhiều nguồn khác nhau lẫn tiền thuế hay những nợ khác dã dùng nhà để thế chấp.
Nếu tổng số nợ nhiều hơn giá trị nhà thì kể như không có vốn liếng, người khai không sợ bị mất nhà, cứ xin tái xác nhận số nợ ngôi nhà đó và tiếp tục trả tiền nhà đều đặn như thường lệ trừ phi tự ý muốn tống nhà đi để dứt nợ.

Nếu trị giá ngôi nhà theo thị trường hiện tại nhiều hơn tổng số nợ tức là người khai có ít nhiều vốn liếng thì chắc chắn tín viên tòa khánh tận muốn lấy nhà đem bán đi, tiền bán trước hết thanh toán nợ nhà, sau đến khoản miễn trừ gia cư do tiểu bang đã định được trả cho đương sự rồi phần còn lại mới chia cho các chủ nợ không thế chấp theo thứ tự pháp định.
Nếu nếu phần còn lại ít quá thì tín viên chẳng bận tâm đem bán nhà làm gì và người khai vẫn được giữ lại ngôi nhà không mất, nhưng vẫn phải trả đều tiền nhà hàng tháng như thường lệ.

Như đã nói trên mức miễn trừ gia cư khác nhau tùy từng tiểu bang, riêng ở California người độc thân được miễn trừ tới $75,000; người có kết hôn được miễn $100,000; người già trên 65 tuổi hay người bị tật nguyền hoặc lợi tức thấp dưới $25,000 (độc thân) hoặc dưới $35,000 (kết hôn) được miễn $175,000.
Lấy thí dụ trường hợp ông Tư Râu khai phá sản ở California, ông có một ngôi nhà được định theo thời giá là $600,000. Ông còn nợ $465,000 tiền vay mua nhà, thêm vào đó bị sở thuế IRS buộc nợ $35,000. Như vậy vốn liếng trong ngôi nhà của ông Tư sẽ còn $100,000 tính như sau ($600,000 – $465,000 – $35,000 = $100,000). Nếu ông Tư khai độc thân thì sẽ có triển vọng mất nhà vì mức miễn trừ của California là $75,000 nên tín viên sẽ lấy nhà đem bán, trước hết thanh toán $500,000 cho nguồn tài trợ địa ốc và sở thuế kế tiếp là trả cho ông Tư $75,000 tiền miễn trừ. Với phần còn lại $25,000 tín viên tự rút lấy tiền công trước (có thể lên đến $15,000) rồi còn dư bao nhiêu mới chia cho các chủ nợ không thế chấp theo thứ tự luật định.
Ngược lại nếu ông Tư khai kết hôn và vẫn trả tiền nhà đều, mức miễn trừ cho người có gia đình ở California là $100,000 nên ông Tư sẽ không mất nhà vì tín viên dù có lấy ngôi nhà đem bán thì cũng chẳng còn đồng nào để trả cho các chủ nợ không thế chấp sau khi thanh toán tiền nợ nhà và tiền miễn trừ cho ông Tư. Cũng cần nhắc lại nhiệm vụ chính của tín viên là thâu tóm tiền để trả cho các chủ nợ không thế chấp càng nhiều càng tốt và mức miễn trừ mỗi tiểu bang đều khác nhau.
Muốn được hưởng miễn trừ gia cư chủ nhà khi khai phá sản phải cư ngụ chính thức ở ngôi nhà đó. Luật miễn trừ gia cư không áp dụng cho căn nhà thứ hai hay chủ nhà ngụ ở ngoài tiểu bang. Nếu khai theo Chương 13 và vẫn trả tiền nhà đúng hạn hàng tháng dĩ nhiên hoàn toàn giữ được nhà.

Khai phá sản theo Chương 7 mà trả tiền nhà chậm trễ sẽ bị mất nhà vì chủ nợ tài trợ địa ốc yêu cầu tòa cho bãi bỏ luật "tự động đình chỉ" (cấm các hành động đòi nợ trong thời gian tòa cứu xét) xin phép tòa cho phép xiết nhà để bán đấu giá. Nếu khai theo Chương 13 và không muốn mất nhà thì phải tiếp tục trả tiền hàng tháng như thường lệ, đồng thời xin tòa dàn xếp cho trả dần số tiền đã trễ theo lịch trình ấn định.

Không nên khai theo Chương 7 nếu đã chậm tiền nhà hàng tháng mà phải tìm đường thương lượng với chủ nợ địa ốc. Tùy theo hồ sơ tín dụng của đương sự tốt hay xấu chủ nợ có thể chấp thuận một trong nhiều cách giúp người nợ trở lại tình trạng bình thường như kéo dài hạn trả, giảm tiền trả hàng tháng…
Nếu tình trạng chậm trễ trầm trọng, hoặc tín dụng xấu mà nợ quá nhiều có vẻ không cất đầu lên được thì chủ nợ có thể quyết định xiết nhà (foreclosure), gửi thư thông báo ép trả tức khắc tổng số nợ nếu không trả thì sẽ trục xuất.
Muốn xiết nhà chủ nợ phải nộp đơn xin tòa cho phép, thủ tục có thể kéo dài từ 18 tới 36 tháng. Cho dù khai phá sản theo Chương 7 thì cũng chẳng có ích gì trong việc cản trở xiết nhà vì vụ khai sẽ kết thúc rất nhanh trong vòng vài tháng, phá sản xong rồi sau đó vẫn mất nhà, chỉ có một điều lợi duy nhất là luật "tự động đình chỉ" tạm cản các hoạt động đòi nợ nếu không bị chủ nợ phản đối xin tòa bãi bỏ quyền này.

Khi vụ xiết nhà bắt đầu tiến hành, người nợ có thể phản ứng kịp thời với những hành động có lợi hơn thí dụ như vay nợ mới để trả nợ cũ, xoay tiền trả những tháng thiếu để bình thường hóa nợ nhà hay khai phá sản theo Chương 13. Vì khai theo chương này có lợi được tòa án chấp thuận chương trình trả nợ mới hợp theo khả năng và tình trạng tài chánh hiện hữu mà không sợ bị mất nhà, cách này còn được gọi là "chữa vỡ nợ" (curing the default).
Nếu ngôi nhà bị xiết đã đem bán ngay thì người nợ được quyền mua lại (redemption right) từ người mới trúng đấu giá với giá người này vừa mua. Ngoài ra nếu vẫn bị xiết nhà thì nên khai phá sản theo Chương 7 có lợi hơn vì tín viên tòa khánh tận sẽ giám sát cuộc đấu giá và cố bán với giá cao nhất hầu trả cho các chủ nợ tối đa. Nếu chủ nhà có ít nhiều vốn liếng trong ngôi nhà đó thì hy vọng lấy lại được chút đỉnh, còn để bị chủ nợ địa ốc xiết nhà đem bán thì chỉ được bán bằng số tiền thiếu nợ nên người mất nhà sẽ bị mất hết không còn lại gì cả.

Những người đang ở thuê khi khai phá sản sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu vẫn đóng tiền nhà đều đặn vì tòa không bắt buộc phải kê tên chủ nhà như chủ nợ khác.
Dù rằng vẫn phải khai tiền đóng cọc (deposit) nếu có nhưng tiền đó được kể như miễn trừ và tín viên thường chẳng để tâm đến. Trường hợp chậm trễ tiền nhà thường thì người chủ sẽ tìm cách trục xuất, nhưng khai phá sản sẽ tạm thời ngăn được việc trục xuất nhờ luật "tự động đình chỉ", tuy nhiên phương cách này chỉ có hiệu quả hạn chế không kéo dài được vì chủ nhà sẽ xin tòa bãi bỏ quyền đình chỉ và chấp thuận cho trục xuất.

Tóm tắt lại để quyết định khai hay không hoặc nên khai theo Chương 7 hoặc Chương 13, việc giữ được nhà hay không còn tùy theo các quy luật về khai phá sản. Nếu việc giữ lại ngôi nhà là điều quan trọng thì phải hiểu rõ quan niệm vế vốn liếng trong ngôi nhà đó cùng hiểu kỹ về miễn trừ gia cư và thủ tục xiết nhà như đã đề cập ở trên. Tương tự nếu muốn khai phá sản để tránh bị trục xuất thì nên để ý tới những giới hạn của luật "tự động đình chỉ".

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ về số phận các tài sản đáng giá như xe cộ và các vật dụng quý khi khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Theo nguoi-viet.com