Đã đành khi gặp cơn túng bấn nợ nần réo gọi tứ phía thì giải pháp khai phá sản ("Bankruptcy"hay khánh tận) hiển nhiên là cứu tinh. Tuy nhiên theo luật khánh tận Hoa Kỳ không phải ai cũng có thể khai phá sản bất cứ lúc nào hay ở bất cứ tình trạng nào vì phải hội đủ một số điều kiện căn bản.
Thí dụ những ai đã từng được xóa nợ theo Chương 7 trong vòng sáu năm thì sẽ không được khai nữa hoặc không được khai theo Chương 13 nếu số nợ vượt quá một mức nào đó. Do đó trước khi tính đến chuyện khai phá sản điều đầu tiên luật sư phải giúp thân chủ xác định xem có hội đủ điều kiện hay không.
Sau đây là những điều kiện căn bản để khai theo Chương 7 và Chương 13.

- Để được khai theo Chương 7, điều kiện đầu tiên người khai phải là một cá nhân hay là một cặp vợ chồng khai chung hoặc là tiểu thương (small business). Nếu là tiểu thương gia thì người ấy có quyền khai tất cả các món nợ riêng lẫn nợ dính dấp đến nghiệp vụ. Thí dụ một người chủ một cửa tiệm (hoặc hai vợ chồng cùng đứng làm chủ) khi cùng khai phá sản thì đều liên đới với nhau, ngược lại nếu chỉ có người chồng đứng khai cá nhân thì chỉ có ảnh hưởng đến những khoản nợ riêng của chồng mà thôi.
Một thí dụ khác, hai người đứng ra hùn hạp với nhau nếu chỉ có một người khai tất cả các món nợ riêng cùng nợ buôn bán thì người kia vẫn bị liên đới cho dù người kia được xóa những món nợ chung. Như vậy nếu ai có hùn làm ăn khi muốn khai phá sản trước hết phải thương lượng với người kia để chính thức chấm dứt phần hùn. Nếu không theo quy luật đó thì hậu quả sẽ rắc rối vì bị người hùn thưa kiện xin tòa bãi bỏ vô hiệu hóa vụ khai phá sản.
Ngoài ra một cá nhân không được nhân danh công ty để khai theo Chương 7.

- Điều kiện thứ hai trong vòng sáu năm không từng khai phá sản (kể từ ngày nộp đơn khai lần trước chứ không kể từ ngày có án tòa cho xóa nợ). Thí dụ một người nộp đơn khai theo Chương 7 vào ngày 15 Tháng Sáu, 2009 và được án tòa cho xóa nợ vào ngày 4 Tháng Mười Một, 2009 thì không được khai lần nữa trước ngày 15 Tháng Sáu, 2017, tuy nhiên người này vẫn có quyền khai theo Chương 13 bất cứ lúc nào.

- Điều kiện thứ ba trong vòng 180 ngày không có vụ khai nào bị bãi bỏ vì vi phạm luật khánh tận hay bị tòa kết án lạm dụng hệ thống luật pháp hoặc tự xin hủy bỏ. Thí dụ ông Sáu nộp đơn khai theo Chương 7 vào ngày 12 Tháng Hai, 2016, lúc chủ nhà khởi sự trục xuất không cho thuê nữa. Một tuần lễ sau khi ông Sáu khai khánh tận, chủ nhà xin tòa đình chỉ để tiếp tục đuổi nhà. Thấy vậy ông Sáu bèn dọn đi chỗ khác rồi rút lại đơn xin. Ít lâu sau dù đã kiếm được chỗ ở khác nhưng nợ nần nhiều quá chịu không nổi nên ông lại xin tái cứu xét. Trong trường hợp này ông Sáu phải đợi ít nhất 180 ngày sau lần khai trước tức là sau ngày 12 Tháng Tám, 2016, mới được phép nộp đơn lại.

- Điều kiện thứ tư theo Chương 7 người khai phải chứng minh là không có lợi tức đều đặn hoặc không có khả năng trả hết nợ trong vòng từ ba tới năm năm theo Chương 13 cho dù có thay đổi hẳn nếp sống cho cần kiệm đạm bạc để lấy tiền trả nợ.
Mục đích chính của luật khánh tận là giúp đỡ cho những người nợ đoan chính có cơ hội thoát khỏi cảnh nợ ngập đầu để làm lại cuộc đời chứ không khuyến khích hành động quịt nợ hay lạm dụng pháp lý,
- do đó điều kiện chót để khai theo Chương 7 là không vi phạm:
- (1) lỗi chuyển tài sản cho bạn bè hay thân nhân rồi sau đó khai phá sản để quịt nợ
- (2) lỗi đã biết mình nợ ngập đầu không đủ khả năng trả nổi hay không muốn trả nợ nhưng vẫn tìm cách vay
- (3) lỗi dấu giếm tài sản khi ly dị
- (4) lỗi khai man lợi tức khi làm đơn vay tiền thí dụ như khai lương là $48,000 trong khi thực sự chỉ kiếm được $28,000, những trường hợp này đều bị quy tội lừa đảo (fraud).

Cần nhắc lại Chương 13 không bán tài sản để thanh toán nợ như Chương 7 mà cho trả nợ bằng lợi tức kiếm được trong tương lai.
- Theo Chương 13 điều kiện trước hết chỉ cho cá nhân hay vợ chồng đứng chung để khai nhưng không phải là thương nghiệp vì các công ty muốn tái tổ chức không áp dụng Chương 13 mà phải khai theo Chương 11.
Người khai liệt kê nợ riêng lẫn nợ buôn bán và dĩ nhiên không được khai dưới danh nghĩa công ty. Có một ngoại lệ những ai hành nghề trung gian mua bán cổ phiếu (stockbrober) hay trung gian mua bán hàng hóa (commodity broker) không được khai phá sản theo Chương 13 cho dù chỉ có nợ riêng không hề dính líu đến nghiệp vụ.

- Điều kiện thứ hai theo Chương 13 người khai phải có lợi tức thường xuyên có nghĩa là không bắt buộc phải có cùng một số tiền nhất định hàng tháng nhưng phải đều đặn để có khả năng trả đúng kỳ hạn ấn định dù là hàng tuần, hàng tháng hay bất cứ hạn định nào khác. Nguồn lợi tức không hẳn chỉ kể lương bổng mà có thể gồm nhiều nguồn tài chánh khác ngoài lương bổng như tiền thưởng, tiền hưu trí, tiền thất nghiệp, tiền trợ cấp xã hội, tiền trợ cấp nuôi trẻ hay tất cả các khoản tiền nào khác có thể nhận được miễn là đủ để trả từng kỳ đều đặn không gián đoạn. Lợi tức sau khi thanh toán tiền nhà, tiền thực phẩm các mục thiết yếu khác là số tiền còn lại dùng để trả nợ tối đa. Tổng số tiền trả nợ ít nhất phải bằng số tiền các chủ nợ nhận được nếu chia theo Chương 7 có nghĩa là bằng số tiền bán các tài sản không miễn trừ (tài sản miễn trừ là tài sản người nợ được phép giữ lại, tài sản không miễn trừ là tài sản bắt buộc phải bán đi để trả nợ).
Luật Khánh Tận ấn định rằng lợi tức dùng để trả nợ theo Chương 13 phải tương đương ít nhất 36 tháng trừ phi người nợ trả dứt được sớm hơn. Ngược lại nếu trả hết 36 tháng mà không bằng mức tối thiểu do tòa ấn định thì người nợ hoặc xin tòa cho kéo dài hạn định trả nợ tăng lên đến 60 tháng hoặc phải thắt lưng buộc bụng để trả thêm mỗi kỳ nhiều hơn.
Để được chấp thuận theo Chương 13 người nợ phải đề nghị một bảng chiết tính tiền trả thiết thực để tòa và các chủ nợ cứu xét. Nếu thấy bản chiết tính có nhiều mục không cần thiết tòa sẽ bắt cắt giảm kinh tế nhiều hơn để tăng tiền trả lên còn nếu chiết tính quá ít không đủ trả nợ dĩ nhiên các chủ nợ sẽ chống đối với lý do không xác thực.

Theo Chương 13 có một điều kiện quan trọng khác là tổng số nợ không nhiều quá mức với nợ có thế chấp không quá $1,184,200 hoặc nợ không thế chấp không quá $394,725. Với nợ có thế chấp tài sản sẽ bị lấy đi nếu không trả thí dụ như tiền vay mua nhà cửa, xe cộ hay các món đồ ký có thế chấp lúc mua, tiền thế chấp khi vay ngân hàng, tiền bị buộc pháp lý (judicial and statutory liens) là tiền bắt buộc phải trả theo luật định do kết quả một vụ xử, sau chót là tiền nợ thuế. Nợ không thế chấp là nợ khi vay chủ nợ không bắt buộc phải cầm thế gì cho nên khi không trả được thì chủ nợ cũng không xiết được bất cứ tài sản nào. Những món nợ không thế chấp thông dụng nhất là tiền nợ các thẻ tín dụng như VISA, MasterCard, American Express, Discovery Card hay các loại thẻ tín dụng của các cửa hàng lớn, hãng xăng, tiền nợ y tế của bệnh viện hay các bác sĩ hoặc nhiều món nợ linh tinh khác.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ với phân loại các món nợ tòa cho xóa được hay vẫn phải tiếp tục trả. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

Theo nguoi-viet.com