Luôn có các kiểu chế độ ăn và chữa bệnh "không được kiểm chứng" liên quan đến thực phẩm. Nhưng chế độ "Eat Clean" thì khác, vì nó phát triển như một thử thách đối với cách ăn uống, và sự phổ biến của nó khoảng 5 năm trở lại đây đã tạo nên trường phái ấn tượng hơn bất cứ trường phái dinh dưỡng nào khác.

Rất khó có thể tránh được trào lưu "ăn sạch" - chế độ "Eat Clean"

Mùa Xuân năm 2014, Jordan Younger thấy tóc mình bắt đầu rụng nhiều. "Không hay rồi!", cô ấy nghĩ. Vào lúc đó, Jordan, 23 tuổi, tin rằng mình đang ăn theo chế độ lành mạnh nhất. Cô ăn thuần chay, không gluten, không đường, không dầu, không ngũ cốc, không hạt đậu, chủ yếu là thực vật ở dạng thô. Với nick "The Blonde Vegan", Jordan là một blogger về sức khỏe ở New York, là một trong hàng ngàn người trên Instagram (với tài khoản có hơn 70.000 người theo dõi) luôn có hashtag #eatclean ("ăn sạch", hay "ăn lành mạnh"). Dù không có bằng cấp gì về dinh dưỡng, nhưng Jordan đã bán được hơn 40.000 bản chương trình "thanh lọc" 5 ngày của mình, với giá 25 đôla/ bản. Đó là một công thức cho chế độ Eat Clean với hầu hết là thực vật thô, chủ yếu là nước ép rau củ.

Nhưng chế độ "ăn sạch" mà Jordan đang bán lại khiến chính chủ nhân của nó phát ốm. Chẳng hề khỏe mạnh như mong muốn, cô còn bị mắc chứng "rối loạn ăn uống" nghiêm trọng, gọi là "orthorexia", một chứng ám ảnh với việc chỉ ăn những thực phẩm thuần khiết và hoàn hảo.
Chế độ ăn của Jordan khiến cô bị mất kỳ nguyệt san và làn da của cô ngả màu… cam do ăn quá nhiều khoai lang và cà-rốt. Cuối cùng, cô phải nhờ đến bác sĩ tâm lý, và bắt đầu mở rộng phạm vi thực phẩm của mình, bắt đầu bằng món cá. Cô nhận ra rằng vấn đề không phải là do cô ăn chay, mà do chế độ ăn quá cứng nhắc và hạn chế mà cô áp đặt cho mình.


Vấn đề nằm ở chế độ Eat Clean quá cứng nhắc, chỉ chăm chăm chuẩn bị đồ ăn mỗi ngày!

Khi Jordan dần bình phục, cô gặp một vấn đề mới. "Mọi người sẽ nghĩ thế nào?", cô tự vấn bản thân. "Nếu họ biết rằng mình đang ăn cá?". Cô quyết định nói thật hết trong một bài đăng trên blog với tựa đề "Tại sao tôi dần chuyển đổi từ chế độ ăn thuần chay". Chỉ trong vài giờ, Jordan nhận được rất nhiều tin nhắn giận dữ từ những người ăn thuần chay, đòi cô trả lại tiền họ đã mua bản chương trình "thanh lọc" và những chiếc áo phông mà cô bán.

Jordan mất rất nhiều người theo dõi, "từng hàng ngàn người một", và mỗi ngày đều nhận rất nhiều tin nhắn đe dọa. Một số người kết tội cô là "một cục mỡ béo ị", không đủ tự chủ để ăn thực sự "sạch".

Sự thực là dù bạn chưa từng thử "ăn sạch", thì cũng rất khó tránh được trào lưu này, vì nó đang thay đổi cả nguồn cung thực phẩm cho tất cả chúng ta.

Ở Anh, người ta mua quả bơ nhiều hơn là mua cam. Susi Richards, giám đốc phát triển sản phẩm của chuỗi siêu thị Sainsbury’s ở Anh, nói rằng bà ngạc nhiên trước nhu cầu tăng vọt về các loại sản phẩm theo xu hướng "ăn sạch". Các gia đình trước đây vẫn ăn bánh khoai tây, giờ muốn thử nghiệm loại bánh làm bằng bí đỏ. Những chiếc máy xay nhỏ, được thiết kế để nhanh chóng tạo ra những cốc sinh tố và nước ép rau củ, trái cây, giờ còn phổ biến hơn cả một chiếc thìa gỗ.


Nỗi lo về độ an toàn thực phẩm khiến chế độ Eat Clean lên ngôi.

Tại sao trào lưu "ăn sạch" lại mạnh mẽ đến thế?

Chúng ta đang sống trong một môi trường mà thực phẩm bình thường - lẽ ra nên là một thứ bền vững và đáng tin cậy - lại có vẻ rất độc hại. Cà phê bạn uống cũng chưa chắc là cà phê thật. Và thịt thì có thể đầy kháng sinh. Thế là chế độ Eat Clean được ưa chuộng!

Ăn sạch - theo cách gọi nào - là ước mơ về sự thuần khiết trong một thế giới quá nhiều độc hại.

Đó không chỉ là thức ăn nhanh, nước ngọt có ga, đồ ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo… mà còn là những chất có hại trong thức ăn, kéo theo hậu quả là nhiều bệnh tật, từ nhẹ đến nặng. Ngay cả cách ăn uống theo kiểu "thích gì ăn nấy" cũng khiến người ta nhìn thấy rằng thức ăn đang làm gì với cơ thể mình: bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch, chưa kể đến rất nhiều vấn đề khác do ảnh hưởng của chế độ ăn uống, từ bệnh Alzheimer tới bệnh gout.


"Ăn sạch" có phải là một chế độ ăn toàn rau?

Nỗi lo lắng của chúng ta về chế độ ăn còn do ấn tượng rằng những lời khuyên về dinh dưỡng của nhiều "chuyên gia" là không đáng tin cậy. Ban đầu họ bảo ăn bánh mì với trứng vào buổi sáng, rồi sau đó họ lại bảo không được ăn bánh mì, vậy tiếp theo sẽ là gì đây?

Giữa những lo lắng và lúng túng này, thì có những cuốn sách chỉ dẩn "ăn sạch" với những hứa hẹn với bạn đơn giản hơn nhiều: "Ăn theo cách này và bạn sẽ lại khỏe mạnh, tươi mới". Và thực tế là cũng có nhiều tác giả của những cuốn sách nấu ăn đó từng bị hội chứng này hay căn bệnh kia, và sức khỏe đã cải thiện đáng kể sau khi họ thay đổi chế độ ăn uống!

Thế là, việc nấu nướng "vì sức khỏe" trở nên thu hút độc giả hơn bao giờ hết. Trong năm 2016, đả có 18/20 cuốn sách ẩm thực bán chạy nhất trên Amazon UK là sách "tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh". Mặc dù, nếu bạn chịu khó xem nhiều cuốn sách, thì sẽ thấy chúng có những công thức nấu ăn tương tự như nhau: rau cải xoăn sấy khô, bánh burger với củ cải đỏ, thanh năng lượng làm từ hạnh nhân và quả chà là…

Tất nhiên, bạn không thể tạo một hệ thống niềm tin mới chỉ với câu "Tôi xuất bản một cuốn sách nấu ăn chay rất ngon". Mà bạn cần điều gì đó mạnh hơn. "Xay cái hoa lơ này thành những mảnh nhỏ và bạn sẽ tạo ra loại "gạo" đặc biệt". "Tuyệt đối không ăn đường và làn da bạn sẽ lấp lánh",v..v.. Độc giả sẽ dễ đặt lòng tin vào những "bậc thầy" hứa hẹn rằng mình sẽ trở nên khỏe mạnh và xinh đẹp như thế.


Đôi khi những "bậc thầy tiên phong ăn sạch" cũng không lý giải chính xác cho sự lựa chọn của họ!

Trên thực tế, những tác giả tiên phong của xu hướng "ăn sạch" (hay còn gọi "chế độ Eat Clean") cũng không chắc chắn về những gì mình làm. Madeleine Shaw, tác giả của những cuốn sách "ăn sạch" rất nổi tiếng như "Get the Glow" và "Ready Steady Glow", đã viết: "Tôi thường tự tạo ngạc nhiên cho mình bằng cách tìm ra những thứ mới mẻ để gọt xoắn ốc" khi giới thiệu về món salad "mì khoai lang". Pizza làm bằng hoa lơ, theo cô, là "phát minh tuyệt vời nhất".

Nhưng trong một công thức làm bánh sôcôla "không gluten", Shaw dùng đến 200g đường dừa - một nguyên liệu thay thế đắt hơn rất nhiều so với đường trắng, nhưng được cơ thể tiêu hóa cũng gần y như thế. Shaw cũng viết rằng nên tránh hoàn toàn mọi loại bánh mì và mì pasta, vì chúng "đầy hóa chất, chất bảo quản và lúa mì biến đổi gene". Sách của Shaw không hề phân biệt giữa một ổ bánh mì tẩy trắng bán ngoài tiệm và một ổ bánh mì nguyên cám làm ở nhà.

Amelia Freer, trong cuốn "Eat. Nourish. Glow", thừa nhận rằng "chúng ta không thể chứng minh rằng các sản phẩm sữa là nguyên nhân" của các loại bệnh, từ ruột kích thích đến đau khớp, nhưng rồi lại kết luận rằng dù sao việc cắt giảm các sản phẩm sữa "chắc chắn là xứng đáng", cho… yên tâm.

Chuyên gia dinh dưỡng Renee McGregor cho biết trong 18 tháng vừa qua, "mọi bệnh nhân bị rối loạn ăn uống đến phòng khám của tôi đều đang theo hoặc muốn theo một xu hướng 'ăn sạch' nào đó". Nhưng thường thì bà thấy rất khó để thuyết phục bệnh nhân rằng việc giới hạn thức ăn của mình, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều hơn là "ăn không giới hạn" - tức là ăn đa dạng và cân bằng, mà không phải quá sợ hãi về việc thỉnh thoảng ăn cây kem hay thanh sôcôla.


Sinh tố dường như còn được yêu thích nhiều hơn những món kem tuyệt ngon từ trước tới nay.

Vậy rốt cuộc nên "ăn sạch" như thế nào cho đúng?

Tất nhiên, không phải ai theo một xu hướng "ăn sạch" cũng sẽ bị rối loạn ăn uống. Nhưng cái suy nghĩ rằng thức ăn bình thường là không lành mạnh giờ đã khiến cho người ta tin rằng, một chế độ ăn tốt thì phải dựa trên những thứ mang tính "tuyệt đối".

Edward L. Yuen, trong cuốn sách "Beating Orthorexia", viết rằng lời khuyên cũ "tất cả mọi thứ ở mức vừa phải" đã không còn đúng nữa, bởi bây giờ, "ăn ở mức vừa phải" vẫn có thể khiến chúng ta phát bệnh, khi mà mỗi viên kẹo trong siêu thị to gấp 3 lần trước kia. Cho nên, điều quan trọng không phải là chạy đi tìm một chế độ ăn hoàn hảo, mà là thay đổi khái niệm của chúng ta về việc "ăn bình thường".

Theo những chuyên gia dinh dưỡng có bằng cấp thực sự, thì thực tế, những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn cũng có thể có ích lợi to lớn. Nếu bạn nghĩ bạn không thể khỏe mạnh trừ phi chỉ gồm ăn toàn rau, hoặc phải có tiền mua tảo xoắn, thì có lẽ bạn đã không biết một thực tế đã được khoa học chứng minh nhiều lần, là bạn chỉ cần tăng mức ăn rau củ quả từ 0 phần lên 2 phần mỗi ngày đã là có ích lắm rồi.


Sự thay đổi cần thiết không phải là trong những món ăn, mà là trong khái niệm về "ăn bình thường" của tất cả chúng ta.

Nói cho cùng, có lẽ chế độ Eat Clean chỉ là một loạt những tuyên bố về thức ăn, theo kiểu "tất cả hoặc không có gì cả", mà ít nhất, nó đã khiến chúng ta nhận ra rằng hầu hết mọi người đang loay hoay… chẳng với cái gì cả. Chúng ta chỉ xây dựng những khái niệm sai, rồi vội vàng tìm một cách thái quá nào đó để sửa sai mà thôi.

Cho nên, bạn không cần quá tốn tiền mua những tảo xoắn và bột mạ lúa mì. Ăn đa dạng, ăn nhiều rau củ quả, về căn bản, đã là kiểu ăn uống hợp lý từ xưa rồi. Tức là, sự thay đổi cần thiết không phải là trong những món ăn, mà là trong khái niệm về "ăn bình thường" của tất cả chúng ta kìa.

Thay lời kết

Không có thực đơn hay phương pháp ăn uống nào được thiết lập chung cho tất cả mọi người, vì mổi người chúng ta đều khác biệt. Nhưng với Eat Clean - xu hướng dinh dưỡng lành mạnh đang được đón nhận rộng rãi khắp thế giới, bạn sẽ làm được điều đó. Chỉ cần hiểu rõ bản chất của phương thức này, bất cứ ai cũng có thể tự xây dựng cho mình một chế độ ăn phù hợp và khoa học nhất.

Dòng bài Ngôi Nhà Eat Clean được lập ra với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích, thú vị và truyền cảm hứng cho phụ nữ - chủ nhân của gian bếp gia đình nói riêng và tất cả mọi người nói chung thấy giá trị tuyệt vời mà việc ăn uống lành mạnh mang lại, giúp bạn tận hưởng một cuộc sống ý nghĩa và viên mãn hơn.

Theo kenh14.vn