Khi ho nhiều người thường nghĩ ngay đến việc dùng si rô. Dầu cá tốt cho tim mạch? Mới đây các chuyên gia y tế đã tiết lộ những phương pháp chữa bệnh tưởng chừng như phổ biến nói trên thực tế lại chẳng có tác dụng gì.

Có rất nhiều cách điều trị không có hoặc có rất ít tác động hỗ trợ, đôi khi các bác sĩ kê toa chỉ bởi vì "biết đâu có một chút thay đổi".
Dưới đây là một số những lầm tưởng về cách sử dụng thuốc khi bị bệnh của nhiều người trên thế giới, theo nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia y tế Anh:

Si rô ho
Hàng năm, người Anh sử dụng khoảng 400 triệu bảng (khoảng 652 triệu USD) vào những loại thuốc thông thường như thuốc ho.
Nhưng theo nghiên cứu của tổ chức Cochrane (Hiệp Hội phi lợi nhuận quốc tế về y khoa), không có một bằng chứng nào cho thấy thuốc ho, đặc biệt là si rô có thể rút ngắn quá trình ho hay giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.


Si rô không có tác dụng giảm ho như nhiều người tưởng.

Nghiên cứu của Cochrane là kết quả của 29 cuộc thử nghiệm liên quan đến gần 5.000 bệnh nhân với triệu chứng ho cấp tính, được định nghĩa là ho kéo dài ít hơn 8 tuần và thường do virus gây ra.
Giáo sư Alyn Morice, chuyên gia về dược phẩm hô hấp ĐH Hull, giải thích: "Mặc dù bệnh nhân thường chi khá nhiều tiền cho các liều thuốc trị ho nhưng các bằng chứng về tác dụng của chúng lại rất ít".
"Không có một loại thuốc trị ho mới nào được chứng minh tính hiệu quả trong vòng 30 năm trở lại đây
".
Ông cho biết có bằng chứng cho rằng các thuốc chứa thành phần dextromethorphan có thể chặn các cơn ho nhưng "liều lượng 60 mg mà các nhà sản xuất đưa ra có thể là quá nhẹ" để chữa khỏi bệnh.
Và ông cũng cảnh báo rằng không nên tăng liều nếu thấy bệnh không thuyên giảm.

Các thuốc chứa antihistamine diphenhydramine có thể giảm ho do kích ứng, tuy nhiên loại ho này thực tế không cần thiết phải đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Giáo sư Morice cho rằng việc mua các loại thuốc để chữa ho không phải do dị ứng là một việc làm lãng phí tiền bạc.

Tiểu phẫu khớp
Rất nhiều người Anh mắc chứng đau khớp và tiến hành phẫu thuật bằng cách đưa một chiếc camera siêu nhỏ vào đầu gối và loại bỏ những phần sụn bị tổn thương với mục đích giảm đau cho bệnh nhân.


Đau khớp không liên quan gì đến các sụn bị tổn thương.

"Tuy nhiên, về căn bản phương pháp này không có hiệu quả", Philip Conaghan, giáo sư về thuốc cơ xương tại ĐH Leeds, khẳng định.
Ông cho rằng những cơn đau khớp là đến từ các phần xương nằm sâu bên trong và các mô nối chứ không chỉ là do sụn, trong khi đó sử dụng biện pháp phẫu thuật Arthroscopy thì lại không tác động tới bất cứ bộ phận nào nói trên.

Thuốc giảm đau, chống suy nhược
Các đơn thuốc chống suy nhược ngày càng gia tăng thời gian gần đây, gần như là gấp đôi trong hơn một thập kỷ qua ở Anh.
Tuy nhiên thực tế các loại thuốc này lại không có một tác động đáng kể nào đối với chứng suy nhược, theo tiến sĩ tâm lý Joanna Moncrieff, giảng viên cao cấp ĐH London.


Thuốc chống suy nhược không có hiệu quả như mong đợi.

"Tôi không cho rằng các loại thuốc chống suy nhược có hiệu quả đối với các loại suy nhược từ thể nhẹ cho đến trung bình, sự khác biệt giữa thuốc giảm đau và an thần là rất nhỏ".
"Có thể các loại thuốc này cũng có tác động đến cảm xúc của người dùng nhưng tôi không chắc nó có hiệu quả với việc chữa suy nhược. Vấn đề cốt lõi ở đây là chúng ta coi suy nhược là một loại bệnh khi đó đôi khi chỉ là một phản ứng cảm xúc đối với các sự kiện trong cuộc sống", bà nói.

Oliver James, chuyên gia tâm lý, nhận định, các loại thuốc giảm đau, an thần không giải quyết được cốt lõi của vấn đề.
Ông cho rằng chính phủ nên tập trung vào các phương pháp trị liệu tinh thần để giúp con người giải quyết được nguồn cơn các vấn đề liên quan đến nhận thức của họ.

Chỉ nha khoa làm sạch răng
Một nghiên cứu mới cho thấy sử dụng các loại chỉ nha khoa "floss" không giúp cho tình trạng răng miệng của chúng ta thay đổi.
Giáo sư Damien Walmsley, cố vấn khoa học của Hiệp hội Nha khoa Vương quốc Anh, cho biết hầu hết các nghiên cứu đều không chứng minh được tính hiệu quả của chỉ nha khoa, tuy nhiên ông cũng thừa nhận mình vẫn dùng chỉ nha khoa vì nó khiến ông cảm thấy "dễ chịu hơn" và giúp loại bỏ được thức ăn bám dính.


Chỉ nha khoa không thực sự cần thiết.

"Nếu như bạn không dùng chỉ nha khoa thì cũng đừng lo lắng vì điều đó cũng không thực sự cần thiết. Chúng tôi vẫn gợi ý bệnh nhân dùng chỉ nha khoa bởi nếu dùng đúng thì nó chẳng có hại gì".
"Điều mọi người cần phải nhớ chỉ là đánh răng ngày 2 lần bởi nó đã được chứng minh sẽ giúp đẩy lùi vi khuẩn và phòng tránh sâu răng triệt để
", giáo sư cho biết.

Thuốc canxi (calcium) cho xương chắc khỏe
Rất nhiều người ngày nay sử dụng các loại thuốc bổ sung canxi để giúp xương thêm chắc khỏe và ngăn chặn các bệnh về thoái khóa sau này.
Tuy nhiên, theo hai nghiên cứu mới ở Anh, kết luận được đưa ra là không có bằng chứng cho thấy cách này có hiệu quả.


Không cần thiết phải sử dụng viên bổ sung canxi.

"Nếu bạn có một chế độ ăn hợp lý bao gồm sữa chua, sữa và pho mát thì bạn không cần phải bổ sung thêm canxi. Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng viên uống canxi là vô dụng. Tuy nhiên, một số người vẫn cần phải bổ sung thêm vitamin D, giúp hấp thu canxi tốt hơn, và thường có trong các viên uống canxi.
Nhưng điều đó không có nghĩa là thuốc canxi có tác dụng, thực tế nếu dùng quá liều lại có thể dẫn đến việc đọng chất trong động mạch, gây nguy cơ cao bị tim và đột quỵ
", Klaus Witte, chuyên gia tim Bệnh viện ĐH Leeds phân tích.
David Reid, cố vấn y khoa của Hiệp hội Xương quốc gia Anh, cho biết trung bình một ngày một người cần khoảng 700 mg canxi.

Dầu cá tốt cho tim mạch
Omacor là loại dầu cá omega 3 thường được các bác sĩ ở Anh kê cho bệnh nhân bị bệnh tim, viêm họng hay người từng bị đau tim.
Sundip Patel, chuyên gia tim của bệnh viện London Bridge, cho biết: "Nhiều người cho rằng dầu cá có lợi cho tim mạch nhưng không có nhiều bằng chứng khẳng định điều đó. Tuy nhiên, như một thói quen, nhiều bệnh nhân vẫn yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc cho họ".


Dầu cá không hẳn tốt cho tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí của Hiệp hội y khoa Mỹ đã điều tra đối với 68.000 trường hợp sử dụng dầu cá (1,5 g một ngày) hoặc một viên an thần trong hai năm liên tiếp.
Kết quả là các loại thuốc này không giúp làm giảm tỷ lệ đau tim so với những người không dùng thuốc.

Paracetamol cho đau lưng hay viêm khớp
Hàng triệu người vẫn sử dụng paracetamol hàng ngày để làm giảm các cơn đau nhưng đối với một số trường hợp, hành động này chỉ phí thời gian.
Năm ngoái, 13 thử nghiệm y học được tiến hành cho thấy việc sử dụng paracetamol cho chứng đau lưng, đau khớp, đặc biệt là ở khớp gối và hông, hiệu quả rất ít ỏi, gần như không đáng kể.
Thay vào đó, các chuyên gia lại cảnh báo, sử dụng thuốc giảm đau này có thể gây ra các vấn đề về gan.


Paracetamol không giúp giảm đau lưng hay đau khớp.

Một nghiên cứu mới nhất trên tạp chí The Lancet số tháng 3, cho thấy paracetamol không có vai trò gì trong việc điều trị các chứng đau hỗn hợp của viêm xương khớp.

Thuốc hạ mỡ máu nhóm statin cho người già
Statin là một trong những loại thuốc được dùng phổ biến ở Anh khi hàng triệu người sử dụng để làm giảm mức độ cholesterol "xấu" hay toàn phần.
Cũng có bằng chứng cho thấy statin có thể giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, đặc biệt là ở những người từng bị trước đó, tuy nhiên, các loại thuốc này lại không có nhiều tác dụng đối với những người lớn tuổi, cụ thể là những người từ 80 tuổi trở lên.
Thuốc hạ mỡ máu này còn có thể dẫn đến tác dụng phụ là chứng đau cơ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Daily Mail - tờ báo hàng ngày của Vương Quốc Anh, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1896.
Đây hiện là tờ báo bán chạy thứ hai tại Vương Quốc Anh sau The Sun. Daily Mail cũng là báo hàng ngày đầu tiên của Anh nhắm vào thị trường những người thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân.

theo Infonet