Món cá nhung nhúc trong miệng phát 'sởn gai ốc' ở Nhật



Những con cá nhỏ, còn sống được thả vào chiếc bát, đập thêm một quả trứng sống, nuốt chửng để cảm nhận con cá 'nhảy múa' trong dạ dày.




Nền ẩm thực Nhật Bản không chỉ mang nét văn hóa cầu kỳ, tinh tế trong khâu chế biến, cách ăn mà còn nổi danh bởi nhiều món ăn khiến khách du lịch không khỏi rùng mình. Nếu như Việt Nam có món đuông dừa rùng rợn thì ở Nhật cũng có món Shirouo no odorigui tương tự và đáng sợ không kém.

Những chú cá nhỏ, mình dài, còn tươi sống được thả vào chiếc bát nhỏ, đập thêm một quả trứng sống. Chúng sẽ liên tục quẫy đạp nhung nhúc khi được rưới một ít giấm trước khi ăn. Ngoài lý do để món ăn thêm đậm đà, người ta cho rằng việc rót giấm trực tiếp lên mình cá khiến chúng bị xót, quẫy "điên cuồng" hơn, khiến cho món ăn thêm thú vị, kích thích.


Người ăn sẽ đánh đều hỗn hợp trứng, cá và giấm lên, sau đó bỏ những con cá sống nguyên đó vào miệng thưởng thức. Đây thực sự là món ăn không dành cho những người yếu tim khi phải nhai hoặc nuốt những con cá trong suốt "nhảy múa" trong miệng. Ở phiên bản "đáng sợ" nhất thì những con cá màu nâu sậm, giống như con giun hoặc rươi, để thử thách lòng can đảm của người ăn. Còn ở phiên bản "dễ thở" hơn, cá màu có màu trong suốt, khiến thực khách vơi bớt sự sợ hãi.


Khi ăn, thực khách có thể nhai hoặc nuốt chửng. Nhai là cách ăn toàn, đảm bảo con cá chết trước khi đi vào bên trong cơ thể. Còn nuốt khi chúng còn sống có thể cảm nhận rõ nét sự chuyển động của con cá trong dạ dày, hay ngó ngoáy trong miệng. Đó là nét độc đáo riêng của shirouo, và được dùng chung với rượu sake.


Món ăn này xuất phát từ cách hơn hơn 300 năm. Vào thời Edo, lũ lụt phá huỷ nặng nề khu vực Fukuoka. Những địa chủ đã phải thuê nông dân từ các làng lân cận đến vệ sinh sau thiên tai. Sau khi xong việc, họ được thưởng bằng các thùng rượu sake. Trong khi uống, thiếu mồi nhậu, những người này đã ăn trực tiếp cá nhỏ dưới suối. Bất ngờ vì mùi vị độc đáo, người ta cho ra đời món Shirouo no odorigui.


Trong tiếng Nhật, Shirouo no odorigui có nghĩa là “nhảy múa”. Ở mỗi vùng khác nhau của Nhật, người ta lại sử dụng các loại cá khác nhau, ở Iwakuni (tỉnh Yamaguchi), dùng cá trắng nhỏ, còn ở Fukuoka dùng cá bống đá...





Hà Nguyên (ngoisao)