Chuyến tàu tốc hành chậm chạp lăn bánh rời khỏi sân ga Đà Nẵng. Từ lúc bước chân lên toa xe cho đến khi tàu chạy, Tường vẫn lay hoay chen lấn chưa tìm được chỗ ngồi. Xem lại số ghế ghi trên chiếc vé, anh thấy trùng hợp với số ghế mà một thiếu phụ trẻ trên tay ôm đứa bé gái độ năm tuổi đang ngồi. Đứng bên cạnh Tường là một ông già trạc sáu mươi cũng đang cầm trên tay tấm vé tàu có ghi số ghế giống y như số ghế của anh.
Thấy chuyện lạ, Tường tò mò hỏi thiếu phụ,
- Nhờ chị xem lại trên tấm vé ghi số ghế của chị có đúng chỗ này hay không.
Thiếu phụ nói giọng Quảng móc chiếc vé tàu từ trong túi xách tay trao cho Tường,
- Người ta chỉ chỗ tôi ngồi ở đây. Anh coi lại giùm.
Quả nhiên, chị ta đang ngồi đúng số vé. Tất cả các ghế ngồi đều đầy khách. Số hành khách không có chỗ ngồi chen chân đứng trên hành lang dọc giữa toa tàu đầy nghẹt đến độ rất khó để xê dịch, và người ta đang bàn tán, hậm hực nguyền rủa bọn con buôn vé tàu đã quá mức gian tham bán ra đến 3 vé trên cùng một số ghế để làm tiền, bất chấp cảnh cơ cực khốn đốn của người dân vì nhu cầu đi lại đã phải mua vé với giá chợ đen cắt cổ.

Tường hiểu ra sự việc, đành gắng chịu. Ông già sáu mươi than thở,
-Tôi sống gần hết cả đời người, qua bao nhiêu chế độ, chưa từng thấy cái cảnh này.
Một lúc lâu, ông già có lẽ quá mỏi mệt không còn đứng được đành ngồi bệt xuống sàn toa tàu. Tất cả hành khách ngồi quay mặt đối diện nhau trên hai chiếc băng ghế đã phải cùng rút chân lui về phía sau để tránh khỏi đạp vào người ông già. Được thế thuận lợi, ông già nằm dài xuống giữa hai hàng chân người khít khao trên sàn tàu. Chiếc tàu tốc hành đều đặn hú còi chạy băng trong đêm tối.
Hành khách vẫn đông nghẹt chật cứng như nêm, đang lắc lư theo nhịp bánh xe trong các thế ngủ đứng, ngủ ngồi. Lợi dụng lúc ông già đổi thế nằm co rút đôi chân,
Tường cũng ngồi bệt xuống sàn ngay dưới chân người thiếu phụ bế đứa con.

Nhìn qua khung cửa, ngoài trời tối đen. Bên trong toa tàu chỉ có vài ba bóng đèn nhỏ trên mui hắt xuống ánh sáng yếu ớt vừa đủ để thấy đám đông đầu người lố nhố, lắc lư cựa quậy.

Đến nửa đêm, đứa bé gái trên tay thiếu phụ “làm xấu”. Chị ta lay hoay động đậy thay quần cho cháu bé đánh thức sự chú ý của mọi người chung quanh, kể cả Tường đang ngồi dưới sàn tàu kế bên đôi chân của chị. Giữa lúc chị chưa kịp bận chiếc quần mới vào cho con thì bất ngờ cháu bé lại “làm xấu” thêm một lần nữa. Lần này “chất xấu” của bé đã văng tung tóe lên cả chiếc áo đang mặc trên người của Tường, làm cho anh cũng phải vội vàng cởi thay chiếc áo lành lặn tươm tất duy nhất bằng một chiếc áo tù cải tạo cũ, vá víu khiến mọi người xoay hướng chăm chú về phía anh. Chị ta cuống cuồng xin lỗi Tường rối rít. Chiều hôm sau, chuyến tàu tốc hành ngừng lại ở ga Nha Trang. Lợi dụng thời gian tàu dừng khá lâu tại trạm chính để đổ khách xuống, người thiếu phụ bế con nhỏ gợi chuyện thăm hỏi hoàn cảnh và nơi đến của Tường. Sau khi biết được Tường là người tù mới ra khỏi trại cải tạo, chị ta vẻ mặt buồn rầu nói, - - Chồng tôi cũng đi tù cải tạo.
- Anh ấy về chưa ?
- Tôi không biết anh đang ở đâu và cũng không biết có được thả về hay chưa.
Ngưng một giây, chị ta chỉ vào đứa bé gái nói,
- Con của anh ấy đây nè.
Tường chăm chú nghe câu trả lời có vẻ bất bình thường của chị, nhìn sang cháu bé Tường nói,- - Chắc vậy là anh chưa được về. Tại sao chị nói là không biết anh đã được về hay chưa ?
- Chuyện vợ chồng của tôi đau đớn lắm, anh ơi !
Rơm rớm hai hàng nước mắt chị kể.
*
* *
Chị tên Luyến. Chồng chị là anh Đắc, đại đội trưởng địa phương quân thuộc tiểu khu Quảng Nam. Đắc là con trai lớn trong một gia đình có ba người. Một bà mẹ đơn chiếc và hai người con trai. Thi hành Luật Tổng Động Viên 1968, do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ban hành sau trận tổng tấn công của quân Cộng sản trên toàn cõi Miền Nam vào Tết Mậu Thân, người con trai lớn nhất trong gia đình đến đúng hạn tuổi đi quân dịch buộc phải gia nhập quân đội bảo vệ miền Nam Việt Nam, chống lại cuộc chiến tranh do đảng Cộng sản miền Bắc Việt Nam phát động đang tiến vào giai đoạn quyết liệt. Người con trai thứ hai được miễn đi lính quân dịch để ở nhà phụng dưỡng mẹ già đơn chiếc.
Đắc nhập ngũ theo học Trường Sĩ quan Bộ Binh Thủ Đức, ra trường mang cấp bậc chuẩn úy năm 1969. Được bổ nhiệm về quê nhà nắm giữ nhiệm vụ trung đội phó địa phương quân tại Quảng Nam.
Hai năm sau trung đội của anh được giao nhiệm vụ ra trấn giữ quần đảo Hoàng Sa trực thuộc vùng lãnh hải của tiểu khu Quảng Nam. Anh Đắc mang cấp thiếu úy trung đội trưởng. Và đã được thăng cấp trung úy vào năm 1973 sau khi Hiệp Định Paris, chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam, được ký kết.
Đầu năm 1974, trung đội địa phương quân trấn đóng trên quần đảo Hoàng Sa dưới sự chỉ huy của trung úy Đắc đã đánh trả mãnh liệt cuộc xâm lăng của quân đội Trung Hoa Cộng Sản tràn lên chiếm đảo cho đến viên đạn cuối cùng.
Toàn bộ quân sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên đảo đã bị quân giặc bắt làm tù binh mang về Tàu.
Một tháng sau, trung úy Đắc và binh lính thuộc cấp đã được trao trả về lại cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Mặc dầu bị quân Tàu Cộng đánh bại và bị bắt làm tù binh, nhưng anh và đơn vị thuộc quyền vẫn được tuyên dương công trạng vì tinh thần chiến đấu dũng cảm chống giặc ngoại xâm. Được vinh thăng cấp bậc đại úy, anh Đắc trở về phục vụ tại Bộ Chỉ Huy tiểu khu Quảng Nam.
Anh lập gia đình với chị Luyến vào cuối năm 1974. Sống với nhau vỏn vẹn có hơn bốn tháng.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, cùng với hàng trăm ngàn sĩ quan và công chức của miền Nam Việt Nam, anh Đắc đã bị tập trung vào trại tù khổ sai của Cộng sản được gọi là Trại Cải tạo. Anh Đắc vào tù Cộng sản.

Tấn bi kịch của gia đình chị Luyến bùng phát giữa lúc chị đang mang thai đứa con đầu lòng được ba tháng, đang sống chung cùng một nhà với mẹ chồng và người em trai, đúng vào thời điểm người cha ruột của anh Đắc theo chân đoàn quân Cộng sản từ miền Bắc trở về tìm kiếm vợ và hai đứa con trai mà ông ta đã bỏ lại quê nhà từ năm 1954 để đi tập kết ra Bắc theo mệnh lệnh của ông Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản.

Sự trở về của ông Bảy Đông, tên của người cha chồng chị Luyến, mới đầu là cuộc hạnh ngộ trùng phùng lớn lao tưởng như ngập tràn niềm vui và hạnh phúc của một mái gia đình đã thiếu vắng bóng dáng người cha trong suốt hai mươi mốt năm phân ly.
Niềm vui chưa trọn vẹn. Hạnh phúc chưa kịp đến. Chỉ không đầy một tuần lễ, sóng gió đùng đùng nổi lên khi ông Bảy Đông biết rõ lai lịch người con trai lớn, anh Đắc, đã từng phục vụ tới cấp bậc đại úy tác chiến trong hàng ngũ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh ta vừa mới bị đạo quân Cộng sản cùng phe miền Bắc với ông Bảy Đông bắt giam như một kẻ chiến bại.

Hiển nhiên tên “đại úy Ngụy” phải là kẻ thù của ông và Đảng Cộng sản. Ông Bảy Đông cương quyết từ bỏ đứa con này. Và tất nhiên, ông cũng không thừa nhận cái bào thai đang nằm trong bụng người con dâu, chị Luyến, là máu mủ của một “gia đình cách mạng”.
Chị Luyến đau buồn khóc hết nước mắt. Mẹ và người em trai anh Đắc đã phải nhiều ngày hết mực phân trần can gián ông Bảy Đông nên cảm thông cho hoàn cảnh đáng thương của chị Luyến. Dẫu sao chị cũng đã quỳ lạy ông bà tổ tiên xin vào làm dâu gia đình này, nếu không nhìn nhận máu mủ của đứa cháu nội đang nằm trong bụng chị, thì làm sao chị còn có thể sống được cho tới ngày sinh nở. Chị Luyến sẽ biết nương tựa vào ai nếu phải bị đuổi ra khỏi nhà chồng. Làng xóm sẽ chê cười lối xử sự hẹp hòi khắc khe trong gia đình của một “ông cách mạng” mới đi tập kết trở về.
Qua vài ngày, thấy ông chồng lặng thinh không còn lớn tiếng quát tháo ầm ĩ, bà vợ tỏ bày tình thương chăm sóc vỗ về an ủi đứa con dâu.
Sóng gió tạm lắng dịu khi ông Bảy Đông ăn mặc áo quần chỉnh tề, từ giã vợ con ra đi trở lại đơn vị, hứa sẽ về thăm nhà vào tháng sau.

Chưa đầy một tháng, ông Bảy Đông quay về. Lần này ông về tới nhà vào buổi trưa cùng với hai người lính trên một chiếc xe quân sự mười bánh dùng để chở bộ đội, đậu chờ ngoài đường cái. Đến khoảng xế chiều, chiếc xe quân sự lăn bánh chở theo tất cả gia sản từ tủ thờ đến giường chiếu, bàn ghế, vật dụng cùng toàn thể bốn người trong gia đình ông Bảy Đông, rời bỏ căn nhà tranh trong vùng quê đang ở, để di chuyển đến một chỗ ở mới cách xa khoảng năm mươi cây số, nằm dưới chân đèo Hải Vân, trong vùng đơn vị của ông trấn đóng.
Kể từ ngày đó, mặc dù vô cùng nhớ thương và lo lắng cho số phận của anh Đắc, không ai trong số ba người thân của anh nơi căn nhà cũ có một cơ may, dù nhỏ nhất, để tìm được tin tức về anh.

Câu chuyện chưa kết thúc.
Thời gian và cuộc sống mới tất bật đã làm mọi người phần nào nguôi ngoai về sự vắng mặt của anh Đắc và cũng quen dần với sự hiện diện của ông Bảy Đông trong đời sống hàng ngày.
Đến ngày chị Luyến chuyển bụng sắp sanh, ông cha chồng “cách mạng” đem ô tô con về chở chị vào Nhà Hộ Sản. Chị sanh được đứa con gái đầu lòng mẹ tròn con vuông.
Giữa lúc bà mẹ chồng và người con trai thứ hai vào thăm mừng cháu bé mới sanh thì ông Bảy Đông đến văn phòng hộ tịch trình giấy chứng sanh để xin làm khai sanh cho cháu nội, với tên người mẹ là Lê thị Luyến và tên người cha là Dương Văn Đẩu. Đó là tên người em trai của anh Dương Văn Đắc.
Không ai trong nhà để ý đến việc này mãi cho đến khi cháu gái Hoài Viên được một tuổi.
Sau lễ cúng thôi nôi, ông nội Bảy Đông công khai tuyên bố ông nhìn nhận con dâu Lê Thị Luyến là vợ của đứa con trai duy nhất tên Dương Văn Đẩu, rồi mới trao tờ giấy khai sanh của đứa cháu nội qua tay hai người “cha và mẹ” của cháu mà ông vừa chính thức công bố nhìn nhận. Cả hai người chị dâu và em chồng, chị Luyến và em Đẩu, đều ngỡ ngàng, bối rối, ngượng ngùng.
Trước ánh mắt đanh thép của “ông cách mạng” vừa là cha ruột vừa là cha chồng, không ai dám hé môi lấy nửa lời. “Ngoan thì sống, chống thì chết”. Câu khẩu hiệu này đã quá quen thuộc trong đời sống mới “xã-hội-chủ-nghĩa” ở Việt Nam thời ấy.

Sự buồn tủi không hề nguôi ngoai trong lòng người con dâu của ông Bảy Đông. Dù có bị ép buộc phải làm vợ của người em chồng để giữ gìn thế trong sạch chính trị cho một “gia đình cách mạng”, trong tận đáy lòng chị Luyến vẫn giữ mãi hình ảnh của anh Đắc, người chồng thương yêu, người cha đích thực của đứa con chị.
Ngày qua ngày, chị cảm thấy nhờm tởm bộ mặt độc đoán gian ác của người cha chồng “cách mạng” mà chị bị ràng buộc phải sống chung dưới một mái nhà.

Sau năm năm chịu đựng nhẫn nhục, nhờ bắt được liên lạc với gia đình cha mẹ ruột của chị đã di chuyển về sống tại vùng Dầu Giây, Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai, chị Luyến lấy cớ xin phép cha mẹ chồng về quê cũ thăm cha mẹ ruột trên huyện miền núi Quế Sơn Quảng Nam, để dứt khoát bế con trốn thoát khỏi gông cùm của “ông cách mạng” Bảy Đông. Chuyến tàu tốc hành hôm nay xuôi về Nam, mang theo hai mảnh đời rách nát khốn cùng vừa vượt thoát ra khỏi hai nhà tù kiểu mới, trong một xã hội thiên đường dành riêng cho bọn đao phủ.

Lưu Thiên Lý