Tại Hoa Kỳ luật bồi thường thiệt hại cá nhân do bất cẩn của người khác (tort law) gọi tắt là Luật Bất Cẩn – ngoài những hành động sai trái cố ý làm phương hại đến người khác có chủ đích và tội cẩu thả gây thiệt hại do sơ suất như đã trình bày trong các tuần trước – còn loại thứ ba là liên đới nghiêm ngặt (strict liability). Theo điều luật này nếu làm người khác bị thương tích đương nhiên phải hoàn toàn chịu trách nhiệm dù rằng không cố ý và có thận trọng.

Một trong lãnh vực liên can đến luật này nhiều nhất là liên đới về sản phẩm bán trên thị trường theo đó người bị thương vì sử dụng một món hàng có thể kiện đòi bồi thường mà không cần chứng minh là nhà sản xuất hay người bán vô tình hay cố ý chế tạo hay bán sản phẩm thiếu an toàn. Luật này dựa trên lý luận người sản xuất phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vì làm hay bán ra một sản phẩm "có điều kiện gây nguy hiểm một cách không hữu lý". Thí dụ như công ty Ford mấy năm trước bán ra xe thể thao Explorer dùng loại vỏ Firestone có khuyết điểm hay bị nổ bất tử gây tai nạn thương vong nên đã bị mấy vụ kiện lớn và phải thay vỏ khác cho tất cả số xe đã bán.

Có ba lý do để tòa chú tâm đến luật liên đới nghiêm ngặt.
- Thứ nhất phần đông khuyết điểm của sản phẩm là do cẩu thả của nhà sản xuất nhưng rất khó tìm ra bằng chứng. Những chứng cớ cụ thể phần nhiều bị hủy hoại hay không xác định được ngay khi xảy ra tai nạn, hoặc những dữ kiện cần thiết về phương thức sản xuất để chứng minh lỗi chế tạo cẩu thả đều nằm trong tay họ.
- Thứ hai, việc sợ trách nhiệm do cẩu thả không đủ làm các công ty e ngại để thúc đẩy họ làm hoặc bán sản phẩm an toàn hơn. Khi cân nhắc phí khoản cần thiết để chế tạo một sản phẩm hảo hạng hơn thì công ty sản xuất cũng phải tính đến sở phí pháp lý liên hệ sau khi tung ra thị trường và cộng thêm vào dự chi sản xuất. Do đó áp đặt luật liên đới nghiêm ngặt đã làm cho các công ty sản xuất phải e dè và thúc đẩy họ tiến xa thêm trong việc chế tạo sản phẩm đủ an toàn cho người xừ dụng hay tiêu thụ.
- Thứ ba, cho dù công ty có hành động cẩn thận một cách hợp lý đến mấy chăng nữa thì nạn nhân cũng đã bị thương tích khi dùng sản phẩm. Chi phí bồi thường cho nạn nhân không phải do tiền túi của công ty sản xuất mà đổ đều lên đầu tất cả người tiêu thụ. Giá thành của món hàng sẽ tăng lên chút đỉnh coi như mỗi người tiêu thụ phải mua thêm bảo hiểm cho trường hợp không may bị nguy hại lúc sử dụng. Hình thức bồi thường liên đới nghiêm ngặt thực ra không do tiền túi của cá nhân mà là tiền đóng góp chung của toàn thể mọi người tiêu thụ món hàng đó.

Tuy nhiên luật liên đới nghiêm ngặt áp dụng khác biệt trong trường hợp sản phẩm bị khuyết điểm khi chế tác lẫn trường hợp hãng sản xuất không thông báo cho khách hàng biết trước những rủi ro có thể xẩy ra khi sử dụng.
Một sản phẩm có khuyết điểm khi chế tạo là không sản xuất theo đúng mẫu đã quy định, ngược lại một món hàng có kiểu mẫu khiếm khuyết khi sản xuất khuyết điểm đã nằm trong sản phẩm rồi. Tòa xử công ty phải hoàn toàn chịu liên đới về cả hai khuyết điểm đó nếu sử dụng sẽ bị nguy hiểm hơn thường lệ.
Mặt khác dù một sản phẩm không có khuyết điểm khi chế tác hay sản xuất nhưng công ty sản xuất cũng bị trách nhiệm hoàn toàn nếu không báo cho khách tiêu thụ biết trước những nguy hiểm có thể xẩy ra khi sử dụng sản phẩm ấy.
Sau cùng là loại hàng có tác dụng nguy hiểm tuy không phải do sản phẩm khiếm khuyết hay tuy có thông báo trước các nguy hại nếu sử dụng, thí dụ như thuốc lá mà ai cũng biết là nguy hiểm nếu hút có thể bị ung thư hay lao phổi. Trường hợp này những người tiêu thụ đều rõ cái hại của thuốc lá nhưng họ vẫn chấp nhận. Ngược lại những người không hút thuốc nhưng bị bệnh do khói thuốc người chung quanh hút gây ra nên đã có nhiều vụ kiện mà các hãng sản xuất thuốc lá bị phạt tơi bời và phải tốn bạc tỷ để dàn xếp cho êm.

Vậy tòa xử cho nguyên đơn được bồi thường ra sao?
Dĩ nhiên Luật Bất Cẩn không chữa được những thiệt hại mà nạn nhân đã bị, thí dụ như đau đớn tật nguyền với thương tích vì tai nạn đem đến. Thay vào đó tòa chỉ có thể xử cho bồi thường bằng tiền đền bù thiệt hại do bị cáo gây ra để cho nạn nhân có phương tiện chạy chữa giúp hoàn lại tình trạng nguyên thủy trước khi xẩy ra tai nạn.
Nguyên tắc đền bồi cũng dễ hiểu, tòa xử cho lấy tiền đền những hậu quả kinh tế lẫn không kinh tế của thương tích. Số tiền đền được quy định bằng mức thiệt hại mà bị cáo đã gây ra và phải chịu trách nhiệm theo công bằng xã hội.
Thí dụ như trường hợp bất hạnh của bà Trịnh một buổi sáng nọ toan lên xe buýt thành phố ở một trạm tại Los Angeles để đi làm. Lúc vừa bước lên xe bà bị cánh cửa đóng lại thình lình kẹp mất tay phải và cả chân trái. Chiếc xe lăn bánh chạy bà bị kéo lê một quãng rồi bị hất xuống lề đường. Kết quả bà bị trầy trụa mặt mũi, trật tay phải và gẫy chân trái nên được đưa vào nhà thương cấp cứu. Qua vài lần giải phẫu chân bà khập khiễng vì gân co rút làm chân ngắn không đi lại được bình thường mỗi khi cử động hay trái nắng trở trời hay bị đau nhức. Thương tật này không cách nào chữa được cho như cũ, bà Trịnh phải gánh chịu suốt đời. Ngoài thương tích bà Trịnh còn bị rất nhiều thiệt hại khác.
Cho tới ngày tòa xử, bà nợ bệnh viện, bác sĩ $10,330 cùng $2,275 tiền thuốc thang và chi phí y khoa khác. Bà mất $7,273 tiền lương vì không đi làm được trong thời gian chữa chạy. Ngoài ra bác sĩ ước lượng cần phải có $25,800 để tiếp tục điều trị. Vì bị tật nguyền bà không được làm công việc cũ mà phải nhận một việc thích hợp hơn nhưng lương trả kém đi $20,000 cho tới ngày về hưu. Dĩ nhiên tòa xử hãng xe Los Angeles Transit Lines phải bồi thường cho bà Trịnh $134,000 không những chỉ vì những chi phí trên mà còn phải bù thêm cho những đau đớn cùng khủng hoảng tâm lý mà bà phải gánh chịu suốt đời. Số tiền đền này được gọi là bồi thường thiệt hại đau khổ (damages for pain and suffering).

Như vậy thiệt hại đau khổ vì thương tích do kẻ khác gây ra bao giờ cũng được bồi thường bằng tiền bạc, vì thế có thể là gánh nặng cho bị can đôi khi đưa đến phá sản, nhưng mức độ bồi thường không căn cứ vào tình trạng tài chánh của bị can mà căn cứ vào mức độ thiệt hại của nguyên đơn.
Tuy nhiên trong vài vụ án đặc biệt tòa xử phạt với mục đích trừng phạt bị cáo gọi là phạt vạ (punitive damage). Loại trừng phạt này ít khi thấy xử tại tòa ngoại trừ những vụ bất cẩn khác thường hay do cố ý và chỉ thấy trong những vụ kiện thương mại có số tiền đền lớn như vụ bà cụ Liebeck kiện McDonald đã kể trong những tuần trước.
Phạt vạ có hai mục đích, thứ nhất để trừng phạt bị can đã hành động sai trái quá đáng hay có cố ý. Phạt vạ hành chánh (administrative penalties) có tác dụng trừng phạt làm gương, thí dụ như bị một bị can lái xe gây tai nạn bị thâu bằng lái, hay một cửa hàng bán đồ gây nguy hiểm cho người sử dụng bị thâu môn bài. Tuy nhiên trong lãnh vực dân luật nguyên đơn đòi trừng phạt bị can không giống như trừng phạt theo hình luật, mà chỉ có tính cách phạt nặng bằng tiền để làm gương cho mọi người giữ gìn hành động cẩn trọng hơn tránh gieo họa cho người vô can.
Mục đích thứ hai của phạt vạ là làm gương cho nhụt chí những kẻ có tật cẩu thả quá quắt đừng vi phạm, nếu phạt nhẹ chẳng làm ai sợ vì không phải bất cứ nạn nhân nào bị thương tích cũng đem ra tòa kiện cả. Với mục đích trên, phạt vạ có tác dụng như một cái roi để dọa những kẻ có thói cẩu thả thí dụ như lái xe quá tốc độ phải suy nghĩ lại một lần nữa trước khi có hành vi liều lĩnh.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu dân luật với luật thương mại. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

Theo nguoi-viet.com