Cái bánh chuối hấp



Sau buổi cơm trưa cuối tuần, tôi có thói quen đi nhàn tảng trong vườn, xách nước tưới rau cải, nhổ cọng cỏ dại, cắt vài tàu lá cau kiểng, thăm buồng chuối xiêm, chờ bắp chuối trộn gà.

Thỉnh thoảng nắm được đuôi con kỳ nhông thả nó lên cây. Để đánh bạt mùi nước mắm và mỡ dầu trong miệng, tôi thuận tay hút vài điếu thuốc lá. Số điếu thuốc tăng tùy theo thời gian quanh quẩn trong vườn.

Khi tôi thở hơi thuốc trắng đục trong không khí an nhàn, thì cùng thời gian đó, buổi trưa, (giờ chổ tôi ở trước giờ VN 3 tiếng), chợ quê tôi bắt đầu vang tiếng rao bánh chuối hấp. Người bán bánh chuối là bạn học cùng lớp Tư, lâu lắm rồi. Sao tôi bất chợt nhớ ra. Tôi không nhớ tên, biết nó là em thằng No, con bác Hai Chơi.

Gần đây, hỏi bà già , tôi mới biết tên là “ Bé Lớn", để phân biệt với nguời em là Bé Nhỏ. Lớp Năm, năm 1950, bên dãy bàn con gái có tên Bé Lớn. Sau năm lớp Tư , Bé Lớn thôi học, ở nhà giúp cha mẹ, và từ đó, chợ quê tôi bắt đầu có tiếng rao bánh chuối hấp của Bé Lớn.

Tiếng rao thật dài gần xế trưa, như nhắc người ăn thêm cho vui miệng sau buổi cơm trưa chừng vài giờ. Tiếng rao hạ thấp dần và ngắn lại khi ghé ngang nhà mua bánh . Tôi ít về quê, chưa ăn bánh Bé Lớn làm bao giờ.

Xế trưa đó, khoảng năm 1972, đang ngồi trong nhà thì Bé Lớn bưng bánh đi ngang nhà vừa rao bánh , vừa đưa mắt mời. Bé Lớn đứng trước nhà rổ bánh nặng trên hông, áo bà ba đen vải thô, đầu quấn khăn rằn đỏ. Người tôi đang căng phồng cao ngạo , cấp bằng, giai cấp, sĩ quan .., lại sô’ng nhiều năm ở thành thị, quen với các cô thiếu nữ cao sang, điểm trang sắc xão , trắng da nhờ bởi phấn dồi, (em đen vì bởi em ngồi chợ trưa) ..

Tôi nhìn gương mặt đen sạm của Bé Lớn mà nổi lên thứ cảm giác nhờm tởm, tưởng tượng cái bánh chuối nhẽo nhẹt, nhơm nhớp gạo rẻ tiền,cảm giác ghê tởm nổi lên thành cái bĩu môi khinh miệt. Bé Lớn nhìn tôi nhẫn nhục, cuối đầu quay đi, tiếp tục rao, "rao bánh chuối đây".

Tiếng rao bánh chuối buổi xế trưa trong xóm, ngoài chợ quê Xà Tón là âm thanh của nhạc giun dế đứt đoạn , tiếng gà mẹ bươi rác kiếm ăn gọi con túc túc. Hình ảnh đứa bé gái rồi thiếu nữ da rám nắng, rồi thiếu phụ có tuổi ốm o héo hắt, luôn luôn mặc áo quần đen bạc màu tạo thành bức tranh trắng đen buồn nãn, bối cảnh chợ quê nghèo.

Sau nầy, thấm thía bầm dập tuổi tri thiên mạng, tôi có chút thời giờ nghe bà già tôi kể chuyện. Bé Lớn nghỉ học từ nhỏ, không lấy chồng, ở vậy nuôi cha mẹ già tới ngày khuất núi. Hình ảnh nguời con gái nghèo, không nhan sắc, thiếu học, bưng rổ bánh chuối hấp đi ngang nhà tôi đẹp hơn hình ảnh thầy Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Tiếng rao bánh chuối bây giờ tôi mới cảm nỗi, nghe não lòng.

Đó là bài hát chan hoà lòng hiếu thảo. Bản nhạc thiếu tiết tấu, từ ngữ tầm thường, không thơm chuối ba hương, không mềm xôi nếp một, không ngọt đường mía lau, không bao la như biển Thái Bình. Bản nhạc Bé Lớn chỉ có ba notes, cùng cường độ và trường độ. Bánh chuối đây.

Tiếng rao bánh ngày xưa nằm sâu trong tâm khảm, chợt dội về. Mỗi cái bánh 500 đồng VN, lấy máy bấm máy tính, trời ơi, mỗi lần tôi rít lên một điếu thuốc, là tôi đốt ba cái bánh chuối của Bé Lớn. Ngày ngày tôi đốt 60 cái bánh chuối của người bạn nghèo hiếu hạnh, nghèo hơn tôi mà hiếu thảo hơn tôi.

Bà già tôi kể, Bé Lớn chưa bao giờ vay mượn giựt dọc ai đồng xu nào. Tôi ký cóp nhờ bà già tôi mang về 70 dollars cho Bé Lớn, để chuộc lại cái bĩu môi khinh miệt ngày nào. Bé Lớn sinh làm con nhà nghèo từ nhỏ, bán buôn phải chìu khách, lúc bưng rổ bánh quay đi chắc chỉ thất vọng phần nào, dám đâu phiền trách ai.

Bé Lớn quen nhẫn nhục, phận cỏ nội hoa hèn, đâu có để tâm bị tổn thương vì cái bĩu môi khinh miệt của người bạn học cũ. Bé Lớn đã quên cái bĩu môi nhẫn tâm kia rồi, nhưng tôi còn nhớ, còn mang và còn bị thương nặng để trả cái nghiệp cao mạng chồng chất. Ngày nay, ỷ có chút tiền, định dùng tiền chuộc lại thái độ khinh bạc kia. Cái bĩu môi đã trở thành ác nghiệp, trả bằng 70 dollars thì quá rẻ, mà Bé Lớn đâu có thèm đòi.

Câu chuyện chỉ có vậy , nhưng bà con tôi xầm xì , bà con ruột thịt mà thờ ơ , lại để ý người ngoài , một thiếu phụ nghèo hèn, người dưng nước lả . Bé Lớn ngạc nhiên, không nhớ tôi là ai, bà già tôi không biết sao giải thích. Dư luận lan tới thân nhân ở quốc ngoai, "chắc hồi đó nó thương mầy", ừ thì thương, có sao đâu .

Chưa kịp viết xong bài nầy , người anh bà con qua du lịch, cho biết Bé Lớn bị cataracts , mờ mắt , không thấy đường. Từ đây, chợ quê tôi sẽ vắng tiếng rao bánh chuối .

Thầy Tử Lộ một thời đội gạo nuôI mẹ, có tài trí nên được làm quan, có xe song mã, có vàng đầy kho, Bé Lớn dốt nát, suốt đời gói bánh chuối bán nuôi cha mẹ.. Khi mẹ cha khuất núi ,còn đôi mắt thấy đường tiếp tục sinh sống đời lương thiện, trời lại che mắt, trời có mắt không ?

Anh em tôi nghe, nhắn về biểu Bé Lớn cứ đi mỗ mắt, chúng tôi lo liệu. Người anh bà con nhà giàu giựt mình xúc động bất ngờ, lên tiếng, “ Tụi mầy khỏi lo, tao dư sức lo “.

Tôi vô tình đánh động tâm từ của anh chàng giàu mà hà tiện nầy. Nhưng Bé Lớn không dám nhờ chúng tôi , Bé Lớn bị cườm nước, chịu mù lòa suốt đời .

Ngày về quê, anh em tôi đi len lỏi qua xóm nghèo tìm nhà Bé Lớn. Bé Lớn cuốn mình nằm trơ trọi trên giường tre, ngậm ngùi, an phận. Bé Lớn tiếc không nhớ mặt tôi.

Tôi bẻ miếng chocolate và lấy hột macademia ép Bé Lớn ăn, em tôi để tiền vô tay Bé Lớn, chúng tôi cố gắng làm Bé Lớn vui vui, nhắc chuyện thời đi học, “chị không nhớ tôi sao?, tôi là Nghỉ Khùng đây, về đây, tôi ghé nhà thăm chị, nhà giàu mời tôi chưa chắc ghé“. Em tôi khuyên Bé Lớn niệm Quan Thế Âm cho qua kiếp nhọc nhằn. Bé Lớn mím môi buồn bã, tuyệt vọng, im lìm.

Lúc trở về, thấy rỏ hoàn cảnh người bạn nghèo, tôi ghi vào sổ cung cấp cho Bé Lớn định kỳ. Bé Lớn cho tôi cơ hội mở rộng lòng chia xớt. Nhưng khi gởi về cho Bé Lớn ăn Tết, Bé Lớn không ở lại cho tôi chuộc cái bĩu môi ác nghiệp ngày nào. Bé Lớn đã đi.

Người bạn thân đọc bài nầy nhờ tôi chuyển US$100 xin đóng góp mổ mắt, tôi gởi trả lại, coi như Bé Lớn đã nhận lòng từ tâm của người bạn rồi.

Dân gốc gác xứ tôi không ai ác đức quá đáng, cần cù ,chân chất, chưa thấy ai giàu ba họ, người khó ba bốn đời đếm không hết. Nghiệp gì dữ vậy? ..

Viết tới đây, tôi phải đóng cửa lại, không muốn ai thấy tôi khóc một mình cho nghiệp căn Bé Lớn.



Lưu Nhơn Nghĩa
thatsonchaudoc