Mùa Xuân, với bất cứ một dân tộc nào, ở bất cứ đâu trên trái đất, cũng không chỉ là mùa đầu tiên trong vận hành một năm bốn mùa, với sự hồi sinh của thiên nhiên, cây cỏ, sinh vật,… Mà, mùa Xuân còn là mùa hy vọng đổi mới của mọi người – – Dù cho đó là người thành công hay thất bại; người giầu hay kẻ nghèo, trong năm cũ.

Giữa những giây phút cuối cùng của năm cũ sẽ vĩnh viễn khép lại và, một năm mới hớn hở mở ra, có một khe hở mà, chúng ta gọi là Giao Thừa. Nó như chiếc “bản lề” nối kết giữa cũ và mới. Với nhiều dân tộc, thời khắc “bản lề” này có phần lung linh, thiêng liêng không kém gì ngày đầu tiên của một năm mới.

Có dễ chính vì thế mà về phương diện ca khúc, giao thừa cũng đã để lại cho chúng ta nhiều sáng tác giá trị, dù không nhiều, nếu so sánh với những ca khúc viết về mùa Xuân.

Ðiển hình cho cảm thức giao thừa lung linh trong tân nhạc Việt, nhiều người tới giờ vẫn còn nghe âm vang trong ký ức một thời, ca khúc “Phiên Gác Ðêm Xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ðông. Một ca khúc đẹp, trong sự nghiệp âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này.

Rõ hơn, đó là ca khúc phản ảnh tâm trạng của người lính gác giặc, đồn trú nơi biên ải. Mặc dù người lính trong ca khúc là nhân vật không được nêu đích danh – một thứ chủ từ ẩn, nhưng không một ai, khi nghe ca khúc này, mà, không cảm nhận được sự hiện diện cùng tâm tình của người lính đó:

“Ðón Giao Thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi”
(Nguồn Wikipedia-Mở)

Ảo tưởng hay ảo giác giữa tiếng súng và tiếng pháo cho thấy người lính gác giặc của “Phiên Gác Ðêm Xuân,” dù đang trong nhiệm vụ gác giặc, nhưng cũng chẳng vì thế mà không bị chi phối, rơi, đắm vào cái khe hở lung linh của giao thừa, giây phút bàn giao giữa cũ, mới,…

Mở đầu này, mặt nào khác, cũng cho thấy tính nhân bản, không một chút hiếu sát, thù hận của người lính miền Nam, với truyền thống đón giao thừa theo tập quán hay văn hóa Việt, đã có hằng nghìn năm trước.

Thêm một bước, vào sâu hơn tâm sự của mình, người lính gác giặc nói với người thương của mình ở hậu phương, về tình yêu của chàng, nhiều như nước sông – – Một so sánh hay liên tưởng chân thành, nên dễ dàng tạo được cảm thông, chia sẻ của người nữ cô đơn, vò võ cuối chân trời.

Từ tình yêu chân thành ấy, người lính gác giặc hy vọng hay, tin tưởng rằng chàng sẽ không “trách người đem thân giúp nước”… Vì, cách gì thì, người lính gác giặc cũng vẫn là công dân của một đất nước trong chiến tranh:

“Bấy nhiêu tình là bao nước sông
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng
Trách chi người đem thân giúp nước
Ðôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân” (Nđd)

Chuyển qua điệp khúc, là những mơ tưởng rất cụ thể, hiện thực lúc người lính gác giặc nhớ tới nơi chốn sinh ra, lớn lên, trưởng thành… Rồi giao thừa, nhang đèn, bánh chưng,… những phẩm vật được chưng nơi bàn thờ, gần như không thể thiếu trong truyền thống đón Tết của người Việt:

“Ngồi ngắm mấy nóc chòi tranh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương” (Nđd)

Nhưng thực tế lại không thể bẽ bàng hơn, khi:

“Ước mong nhiều đời không bấy nhiêu
Vì mơ ước trắng như mây chiều
Tủi duyên người năm năm tháng tháng
Mong chờ ánh xuân sang, ngờ đâu đêm cứ đi” (Nđd)

Trước thực trạng phũ phàng kia, người lính gác giặc, trong “Phiên Gác Ðêm Xuân” không thể không bày tỏ cảm nghĩ riêng của cá nhân mình. Tuy cảm thức đó, ít nhiều mang tính thất vọng, nhưng lại rất con người trong đời thường:

“Chốn biên thùy này xuân tới chi?
Tình lính chiến khác chi bao người
Nếu xuân về tang thương khắp lối
Thương này khó cho vơi, thì đừng đến xuân ơi!” (Nđd)

Tôi cho, chính tính nhân bản, mộc mạc, không ngôn ngữ bác học, không hình tượng khúc mắc, cũng không đặt những câu hỏi có tính triết lý cao siêu mà, “Phiên Gác Ðêm Xuân” của họ Nguyễn sẽ còn ở mãi trong rung động của người nghe – – dù cho, trong một chừng mực nào đấy, thì, chiến tranh, súng đạn, đã không còn trên quê hương.

……

Nếu ngữ-cảnh trong “Phiên Gác Ðêm Xuân” của Nguyễn Văn Ðông là cảm thức của người lính gác giặc nơi tiền đồn thì, ngữ-cảnh trong ca khúc “Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi” – – Thơ Nguyễn Ðình Toàn/nhạc Vũ Thành An, lại là cảm thức của đôi lứa ở thành phố – – Với những ẩn dụ mới mẻ, rất gần với phong cách diễn đạt của tây phương, như: “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em” hay “Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức / (…) Ðá buồn chết theo sau ngày vực sâu / Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau”:

“Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.

Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha, người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba rụng cùng mùa.

Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau
Ðá buồn chết theo sau ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không cuộc tình đau” (Trọn bài – Nđd)

Nếu tôi nhớ không lầm thì ca khúc này ra đời những năm đầu thập niên 1970s. Nó như một nguồn suối, hay những hòn than nóng hực niềm khao khát chân trời lãng mạn mới; đáp ứng nhu cầu kiếm tìm hình ảnh, rung động khác, bập bùng trong tâm hồn giới trẻ thành thị. Nó gửi tới người nghe một cách nói khác về tình yêu – – Trong thời khắc “bản lề” của một năm cũ/mới. Ðồng thời, nó cũng nói đến chia lìa, tựa định mệnh bất toàn, mặt bên kia đồng tiền tình yêu hai mặt (?)

Nhưng, dù ở ngữ-cảnh nào, với tâm thái nào, thì hai ca khúc kể trên, cũng vẫn là hai trong những vì sao lung linh, hiện ra nơi khe hở của cánh cửa cũ/mới. Của năm cũ sắp ra đi và, năm mới, đã một chân bước vào.

Vì chúng là những vì sao “chứng nhân” của truyền thống Giao Thừa Việt, nên, tôi tin, chúng cũng sẽ mãi là “nhân chứng” của những giao thừa kế tiếp… Như một phần “ký ức lung linh” của nền tân nhạc Việt, vậy.

Du Tử Lê (Calif. Tháng Giêng 2017)