Tuần trước chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu về Luật Thuế với các chi tiết về các loại kiểm thuế cùng cách đối phó từng loại. Tuần này chúng tôi sẽ trình bày các diễn tiến trong một cuộc kiểm thuế, các điều nên làm và nên tránh cùng cách điều đình với thanh tra IRS.

Nếu bị kiểm thuế trước hết chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng ứng phó theo ba bước sau đây:
(1) Xem xét lại bản khai thuế sắp bị kiểm. Trong năm đó nếu ai buôn bán tư mà bị lỗ lã một số vốn có chứng minh rõ ràng thì nên nêu ra trước tiên, điều này có thể làm cho thanh tra dễ cho qua ngay vì họ chẳng muốn phí nhiều thì giờ với người bị lỗ làm gì. (2) Tìm lại tất cả các hồ sơ, giấy tờ, biên lai đã dùng để soạn bản khai năm đó, sắp xếp lại cho minh bạch.
(3) Nghiên cứu hay tham khảo luật thuế về các khoản mình không hiểu rõ xem có khai giảm hay miễn trừ được không.

Khi đối phó với IRS trong cuộc kiểm thuế chúng ta nhắm đạt cho bằng được hai mục đích:
(1) Giảm thiểu thiệt hại về tiền bạc trường hợp lỡ bị bắt đóng thêm, nếu thấy bị oan thì cố mà tìm cách chứng minh.
(2) Tìm cách ngăn không cho IRS bới thêm ra, nếu bị kiểm tại sở IRS giữ hạn chế trong các mục liệt kê trong giấy đòi trình diện thôi, ngoài ra lúc nào cũng phải đề phòng đừng để thanh tra moi móc bởi vì khi họ nắm được mục nào khác thì họ sẽ truy ra đến cùng không chịu nhả.
Khi đến trình diện chớ nên đem theo những gì không liên hệ trực tiếp đến năm bị kiểm ngoại trừ những mục đã liệt kê hay những giấy tờ dùng để chứng minh các mục khai giảm.
Riêng những giấy tờ sau đây có thể đem theo nếu dùng để giải thích thêm hay tạo lại các hồ sơ thiếu sót: các chi phiếu đã trả, các sổ sách thu chi (nếu là thương gia), các sổ hẹn hay nhật ký thương mại (nếu khai chi phí du hành vì công vụ)…
Điều cần để ý nếu có khai các chi phí nghiệp vụ hay chi phí xài trong việc kiếm lợi tức thì số khai phải sao cho hợp lý đừng quá đáng và dễ chứng minh. Cũng nên nhắc lại đừng bao giờ đưa bản chính ra, tốt hơn hết bao giờ cũng nên dùng bản sao. Nếu đánh mất những biên lai dưới $75 cho một mục thì đừng lo lắng vì luật thuế cho phép người đóng thuế có quyền khai trong giới hạn một số chi phí dưới $75 không cần biên lai ngoại trừ tiền trả khách sạn bắt buộc phải có biên nhận.

Khi đến IRS nếu không mướn người khai thuế đến đại diện thì có thể đem theo người giúp việc (người giữ hồ sơ kế toán cho cửa hàng hay công ty), hoặc người hôn phối hoặc người nhà hay bạn bè có biết đến các hoạt động thương mại của mình để giúp phiên dịch ra Anh ngữ.
Trường hợp đem người theo thì IRS sẽ bắt phải ký một mẫu xin, tuy nhiên người này không có quyền đại diện trừ phi là người khai thuế, một chuyên gia kế toán hoặc một luật sư.

Trong cẩm nang hướng dẫn IRS có nói, các thanh tra rằng buổi gặp mặt đầu tiên với người bị kiểm bao giờ cũng quan trọng vì mục đích của IRS không phải chỉ giám sát tờ khai thuế thôi mà còn giám sát luôn người đứng khai. Do đó việc ăn nói trả lời tại IRS cần phải thật thận trọng, chỉ nên trả lời thật ngắn gọn và vào thẳng vấn đề. Đừng nên nói những điều không cần thiết, cũng chớ bao giờ có những hành động để bị hiểu lầm là muốn gây cảm tình, hòng mua chuộc hay hối lộ chẳng hạn.

Dĩ nhiên cuộc kiểm thuế bao giờ cũng căng thẳng chẳng có gì hứng thú cả. Vào cuối buổi gặp mặt, hãy hỏi thẳng người thanh tra có bao nhiêu mục phải điều chỉnh rồi yêu cầu giải quyết cho xong càng sớm càng tốt, để lâu rất bất lợi vì có cơ hội bị bươi móc nhiều hơn.
Sau khi cuộc kiểm thuế kết thúc, người thanh tra sẽ gởi tới người bị kiểm một bản báo cáo cho biết rõ những mục bị điều chỉnh cùng số tiền phải đóng thêm (khoản thuế mới điều chỉnh lẫn tiền phạt cùng tiền lãi).
Cũng có đôi trường hợp người bị kiểm chứng minh được rõ ràng và có thể số thuế đã khai không thay đổi hay được trả lại, nhưng thắng được IRS rất hiếm có. Thông thường chuyện bị kiểm thuế đối với những người đã khai thuế đơn giản và cẩn thận thì chẳng có gì đáng lo ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt như bị nghi ngờ khai gian; bị kiểm thuế mà không biết (phantom audit) theo đó những người hay thay đổi địa chỉ không nhận được giấy báo bị kiểm nên IRS tưởng không trả lời cứ cho tiến hành kiểm thuế vắng mặt.
Vì vậy nếu quí vị có nhận được một phiếu đòi nợ thuế của IRS mà không biết tại sao thì hãy liên lạc ngay với ban Phục Vụ của IRS (ĐT: 1-800-829-1040) yêu cầu được tiếp xúc với nhân viên Ban Giải Quyết Vấn Đề hay PRO. Nếu liên lạc nơi đây cũng không được giải quyết thỏa đáng thì nộp đơn khiếu nại ở tòa án thuế vụ.
Ngoài ra IRS còn được ban cho một quyền tối hậu – thi hành trước, khiếu nại sau (jeopardy assessment) – nghĩa là IRS có quyền tịch biên tài sản trước rồi phân xử sau. Tuy nhiên quyền này chỉ được áp dụng đặc biệt cho trường hợp IRS tin chắc người bị tình nghi thiếu thuế có ý đồ tẩu tán tài sản hay định đào tẩu ra ngoại quốc. Trường hợp này chỉ áp dụng cho những người bị bắt quả tang với một số hiện kim lớn trong người hoặc những công ty ngoại quốc hoạt động ở Mỹ mắc nợ IRS một số tiền thuế lớn.

Qua phần trình bày trên quí vị đã thấy bị kiểm thuế sẽ rắc rối nếu mình không biết cách đối phó cho đúng. Cách tốt nhất vẫn là tham khảo với một luật sư chuyên môn để được cố vấn và thay mặt trong việc đối phó với IRS.

Chúng tôi xin kể sau đây một trường hợp có thật đã xẩy ra cho một đồng hương: Ông Kỳ là chủ nhân một tiệm ăn Việt Nam ở San Francisco trong một năm nọ bị kiểm thuế. Khi nhận được bản báo cáo (Examination Report) của thanh tra IRS sau vụ kiểm ông đã hoảng và chán đời đến độ muốn nhẩy xuống cầu Golden Gate.
Ông là nạn nhân của một dịch vụ khai thuế thiếu thành thật đã quảng cáo có nhiều kinh nghiệm soạn hồ sơ khai thuế, bảo đảm khách hàng 100% không bao giờ bị IRS kiểm. Dĩ nhiên dịch vụ này đã khai ẩu cho khách hàng miễn sao bao giờ cũng lấy về được tiền dư nhiều cho họ ăn tiền công theo số phần trăm của số tiền lấy lại đó.
Một ngày kia văn phòng đó bị nhân viên an ninh IRS đột kích tịch thâu tất cả các hồ sơ lưu trữ của khách hàng, dĩ nhiên tất cả đều bị lôi ra kiểm thuế. Thấy ngao ngán mất tin tưởng vào những lời quảng cáo khai thuế kinh nghiệm nên ông Kỳ quyết định đến IRS tự lo lấy việc kiểm thuế. Ông tin tưởng là mình đúng nên muốn tự chứng minh cho sáng tỏ vấn đề để khỏi bị phạt đóng thêm thuế.
Vị thanh tra IRS biết trước rằng ông Kỳ bị kiểm thuế vì dính dáng tới dịch vụ khai thuế bị truy kia nên đã kiểm xét hồ sơ của ông rất kỹ không bỏ xót một kẽ hở nào cả. Đương nhiên cuộc gặp gỡ của ông Kỳ với IRS rủi nhiều hơn may, đã thế tình trạng càng tệ hại hơn nữa vì ông Kỳ không mấy thạo Anh ngữ, nói tiếng được tiếng không, thêm vào đó các biên lai chứng minh mà ông đưa ra đều bằng tiếng Việt làm cho người thanh tra phẫn nộ mất cả kiên nhẫn. Người này kết thúc tờ báo cáo kiểm thuế không những từ chối tất cả khai giảm chi phí nghiệp vụ, mà còn tăng thêm vào phần lợi tức sai biệt khá lớn vì dịch vụ kia đã khai ít đi cho ông Kỳ.
Tổng cộng số tiền phải đóng thêm gồm tiền thuế sai biệt lẫn tiền phạt khai gian cùng tiền lãi thêm vào lên đến $79,500. Muốn có đủ trả cho IRS chắc chắn ông Kỳ sẽ phải bán tiệm đi kể như trắng tay mất hết tất cả những gì đã kiếm ra được từ ngày đặt chân lên đất Mỹ.
Cuối cùng ông bèn đem vấn đề đến hội ý với một luật sư thuế và được nhận định rằng không đến nỗi phải trả đến $79,500. Luật sư liền điện thoại cho giám thị của người thanh tra IRS yêu cầu cho đến gặp mặt hai tuần sau rồi tìm cho ông Kỳ một chuyên gia kế toán (CPA) người Việt giúp thiết lập lại sổ sách kế toán dựa theo các biên lai có sẵn.
Ngoài ra chuyên gia kế toán này còn giúp cho luật sư của ông Kỳ lấy những lời khai có tuyên thệ của các công nhân làm việc tại tiệm ăn để minh chứng cho ông. Các hồ sơ mới thiết lập này đều được soạn theo đúng luật định rất rõ ràng bằng Anh ngữ. Trong buổi gặp mặt thay ông Kỳ ở IRS, người luật sư đưa ra tất cả hồ sơ mới, sau một giờ điều đình IRS đồng ý cho đóng $13,000 tiền thuế khai thiếu cùng miễn không phạt tội gian lận. Tới khi ông Kỳ nhận được phiếu đòi số tiền này luật sư lại điều đình với ban Truy Thu IRS xin cho trả góp hàng tháng. Cuối cùng ông Kỳ được giải tỏa trút hết lo âu không còn tính phải nhảy xuống biển nữa! Hiện tại ông đang làm chủ hai nhà hàng ăn rất phát đạt ở San Francisco.

Tuần tới chúng tôi sẽ trình bày cách thức khiếu tố chống IRS cùng những diễn biến trong một cuộc phán quyết xử khiếu nại. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự cố vấn của một luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

Theo nguoi-viet.com