Luật Di Trú Hoa Kỳ là loại luật rất phức tạp, do đó, theo yêu cầu của đa số bạn đọc cần am tường và thấu hiểu về luật này, tòa soạn nhật báo Người Việt mời Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, www.NguyenLuu.com, phụ trách mục “Tìm Hiểu Luật Di Trú,” đăng hàng tuần trên Người Việt. Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Orange County, California được luật sư Đoàn Tiểu Bang California công nhận chuyên môn về ngành Luật Di Trú Hoa Kỳ. Hiện nay California có trên 254,000 luật sư nhưng chỉ có 209 luật sư có bằng chuyên môn về Luật Di Trú. Ngoài ra, Luật Sư Darren Nguyen Ngoc Chuong từng phục vụ lâu năm tại Sở Di Trú Hoa Kỳ (INS) nên rất có kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ và thường đại diện thân chủ trước các tòa án di trú. Ông là một luật sư đầy kinh nghiệm và uy tín, chuyên trách giải quyết và phục vụ đồng hương Việt Nam về lãnh vực di trú nhiều năm tại California và khắp các tiểu bang Hoa Kỳ.

Bất cứ ai muốn xin lại thẻ xanh khác đều phải nộp một mẫu đơn gọi là mẫu I-90 cho Sở Di Trú Hoa Kỳ. Mẫu đơn I-90 là mẫu đơn dùng để xin cấp lại thẻ xanh vì mất thẻ xanh, không nhận được thẻ xanh, chỉnh lại chi tiết sai trên thẻ xanh, gia hạn thẻ xanh, v.v... Sở Di Trú có chính sách giải quyết đơn I-90 cho những đương đơn có tiền án khác với những đương đơn không có tiền án. Sau khi mẫu đơn I-90 được nộp cho Sở Di Trú, Sở Di Trú sẽ lấy dấu tay của đương đơn và tiến hành thủ tục điều tra lý lịch. Nếu sự điều tra lý lịch tiết lộ rằng đương đơn có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc đương đơn có án liên quan đến an toàn công cộng thì người Sĩ Quan Sở Di Trú phải ngưng thủ tục giải quyết lập tức và chuyển hồ sơ sang cho U.S. Immigration Customs Enforcement (tức là bộ phận lo về trục xuất) để xét hồ sơ. Hồ sơ sẽ bị hoãn lại 60 ngày và sau đó có thể được tiếp tục giải quyết.

Những tội có liên quan đến sự an toàn công cộng là: Giết người, hãm hiếp, sự lạm dụng tình dục trẻ em, buôn lậu vũ khí hoặc thiết bị phá hoại, những tội có liên quan đến nguyên liệu gây nổ, những tội hành hung và bị án tù trên một năm, những tội có liên quan đến bắt cóc đòi tiền chuộc, khiêu dâm trẻ em, lao động cưỡng bách, hoặc việc buôn lậu người.

Nếu đương đơn có án nhưng không liên quan đến sự an toàn công cộng như vừa trình bày trên thì sĩ quan Sở Di Trú sẽ yêu cầu đương đơn trình giấy tờ về án do tòa cấp. Nếu đương đơn trình giấy tờ của tòa án thì đơn I-90 phải được chấp thuận. Nhưng sau khi chấp thuận, người sĩ quan đó sẽ chuyển hồ sơ sang cho bộ phận trục xuất để kiểm tra lại nếu đương đơn có phạm phải những tiền án mà có thể bị trục xuất hay không.

Nhưng nếu đương đơn không trình giấy tờ mà Sở Di Trú đòi hỏi, Sở Di Trú vẫn không được từ chối đơn I-90 chỉ vì lý do đó. Sở Di Trú phải chấp thuận đơn I-90 và cấp thẻ xanh cho đương đơn. Nhưng vì lý do đương đơn không cung cấp giấy tờ tòa án mà Sở Di Trú đòi hỏi, hồ sơ bất buộc phải chuyển cho bộ phận trục xuất để kiểm tra lại.

Khi Sở Di Trú đòi hỏi thêm giấy tờ trong trường hợp vừa trình bày, Sở Di Trú không có quyền nói trong đơn yêu cầu thêm giấy tờ rằng đơn I-90 sẽ bị từ chối nếu đương đơn không trình giấy tờ Sở Di Trú đòi hỏi. Sở Di Trú phải nói rằng sự giải quyết đơn I-90 của đương đơn có thể bị chậm trễ nếu đương đơn không trình giấy tờ đòi hỏi.

Lý do mà Sở Di Trú không có quyền từ chối hồ sơ xin cấp thẻ xanh dù đương đơn không trình giấy tờ tòa án theo Sở Di Trú đòi hỏi, vì theo luật thường trú nhân vẫn tiếp tục là thường trú nhân đến khi nào sự thường trú bị thu hồi bởi tòa di trú. Cho nên đến khi nào sự thường trú bị chính thức thu hồi bởi tòa di trú, thường trú nhân có quyền đòi hỏi Sở Di Trú phải cấp bằng chứng để chứng minh sự thường trú của họ.

Cho dù đương đơn đang ở trong tình trạng hầu tòa trục xuất nhưng tòa di trú chưa xử xong vụ trục xuất đó, đương đơn vẫn có thể làm mẫu đơn I-90 để yêu cầu Sở Di Trú cấp thẻ xanh để chứng minh sự thường trú của đương đơn.

Trong trường hợp thường trú nhân đã bị tòa di trú ra lệnh trục xuất nhưng Sở Di Trú không thể trục xuất đương đơn trong vòng 90 ngày vì quốc gia mà đương đơn phải vị trả về không nhận hoặc vì lý do nào đó Sở Di Trú không thể trục xuất đương sự ra khỏi Hoa Kỳ, theo Luật Di Trú thì Sở Di Trú phải thả đương sự ra theo order of supervision (tạm dịch là lệnh giám sát). Đương sự được thả lỏng ra nhưng phải trình diện mỗi 3 tháng, mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm. Vì những người thường trú nhân trong tình trạng vừa nêu trên đã có án lệnh trục xuất và sự thường trú của họ đã bị chính thức thu hồi, những người đó không còn là thường trú nhân nữa và không thể làm mẫu đơn I-90 để được cấp lại giấy tờ. Nhưng đương sự có quyền xin giấy phép đi làm theo điều luật 241(a)(7). Nếu quí vị nào trong trường hợp này và Sở Di Trú không chịu cấp giấy đi làm, quí vị nên nhờ một người luật sư di trú giúp quí vị xin giấy phép đi làm.

Bản tin chiếu khán

Theo sự yêu cầu của quí bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho tháng 3 năm 2016.

Ưu tiên 1 - priority date là ngày 8 tháng 8 năm 2008, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 2A - priority date là ngày 22 tháng 9 năm 2014, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 2B - priority date là ngày 22 tháng 5 năm 2009, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.

Ưu tiên 3 - priority date là ngày 15 tháng 10 năm 2004, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.

Ưu tiên 4 - priority date là ngày 1 tháng 7 năm 2003, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.

Quí vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hàng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, llp tại: http://www.nguyenluu.com/vn/vnbullet...nthannhan.html