Bệnh Phong Thấp
Cho dù bất kỳ ở thời gian nào, từ nhiều ngàn năm nay bệnh Phong Thấp cũng đều được coi là "căn bệnh của thế kỷ". Cho đến hôm nay là những thập niên đầu của thế kỷ thứ 21, cho dù thế giới Y khoa có nhiều những đột biến vĩ đại trong "công nghệ" bảo vệ sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ cho con người, nhưng bệnh Phong Thấp vẫn được dự đoán là căn bệnh gây nhiều phiền hà nhất cho đời sống của cư dân trên trái đất. Và người ta đã tiên liệu cho đến cuối thế kỷ này, căn bệnh này vẫn chưa có được những đột phá khả quan trong việc chống lại nó. Ngược lại người ta còn dự đoán bệnh Phong Thấp còn trở nên tồi tệ hơn vào những thập niên giữa thế kỷ.
Theo dự kiến của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh, số người mắc bệnh phong thấp tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên tới gần 67 triệu người trước năm 2030, trong số này 25 triệu người sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do tình trạng bệnh gây ra. Tổn phí hàng năm của bệnh phong thấp lên tới 128 tỉ đôla. . Nước Đức thì dự đoán có khoảng 55 triệu người Đức bị bệnh này trước năm 2020. Một phúc trình khác nói rằng cứ 100 người thì lại có ít nhất một người bị bệnh phong thấp, với tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Tuy chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học tin rằng nó có liên quan tới hệ miễn dịch, và do đó đang nghiên cứu hệ thống này để tìm một phương pháp điều trị tốt hơn.Triệu chứng thường gặp nhất ở người bị phong thấp là đau nhức các khớp từ mắt cá chân đến đầu gối, cột sống, lưng, cổ, gáy, đến những khớp ngón chân, ngón tay, có thể viêm, sưng, nóng đỏ đau hoặc không, có thể khu trú ở khớp xương hoặc lan toả tới da thịt, gân cơ, trong ống xương, tuỷ xương, khắp cơ thể.
Những triệu chứng đầu tiên của bệnh Phong Thấp Ðau Khớp hoặc viêm khớp là cảm thấy cứng ở các đầu khớp xương. Khi bệnh tiến triển thêm nữa, chúng ta sẽ cảm thấy đau ở các khớp xương khi phải xử dụng vận động các khớp xương này; nắn chung quanh các khớp xương sẽ thấy đau, có khi bị sưng, cử động các khớp xương bị hạn chế, nhiều khi phát ra tiếng kêu răng rắc trong khớp xương. Thường thì khớp xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng phần lớn bệnh Phong Thấp Ðau Khớp ảnh hưởng tới các khớp xương tay, vai, đầu gối, xương chậu và đặt biệt nhất là trên xương sống. Chụp quang tuyến (X-Ray) sẽ tìm ra khớp xương bị nhỏ hẹp lại, sụn ở khớp xương bị ăn mòn (cartilage erosion) hoặc xương bị mọc nhánh (bone spurs).
Nguyên nhân chính đưa đến bệnh Phong Thấp Ðau Khớp là lớp sụn ở khớp xương bị thoái hóa và ăn mòn, thiếu chất nhờn ở các khớp xương, điều này tạo nên đau nhức khi cử động hoặc vận động. Tình trạng này là do lớn tuổi các tế bào bị suy thoái, ảnh hưởng nhất là các tế bào ở đầu khớp xương để tạo chất sụn và chất nhờn ở đầu khớp xương (sụn ở khớp xương được cấu tạo như một lớp đệm giữa hai đầu khớp xương để tránh va chạm khi cử động, còn chất nhờn ở trong khớp xương giúp cho trơn trượt dễ dàng khi chúng ta cử động). Lao động nặng về thể chất lúc còn trẻ, bị tai nạn như đụng xe, ngã té, bong gân hoặc thiếu dinh dưỡng cũng dễ đưa tới tình trạng Phong Thấp Ðau Khớp.
Có tới hơn 100 loại sưng khớp xương gây ra đau nhức và tàn tật cho hằng trăm triệu người.
Trong những loại bệnh sưng khớp này thì bệnh phong thấp Rheumatoid Arthritis (gọi tắt là RA) là bệnh nặng nhất, gây ra đau nhức khớp xương rất nhiều và dần dần làm biến dạng các khớp xương này khiến bệnh nhân không sử dụng tay chân được đến nỗi những cử dộng thông thường nhất như mở nắp hộp hay đi đứng cũng rất khó khăn. Có tới hơn hai triệu người Mỹ đang bị phong thấp RA. 7 triệu người Tây Âu cũng có chung số phận như vậy. Bệnh này xẩy ra ở đàn bà nhiều hơn đàn ông và thường bắt đầu vào khoảng tuổi từ 20 tới 50 nhưng cũng có thể xẩy ra ở trẻ nhỏ và người lớn hơn 50.
Bệnh phong thấp RA thường xẩy ra ở nhiều khớp xương cùng lúc. Khi mới bị bệnh, các khớp xương ở cổ tay, bàn tay, bàn chân và đầu gối thường bị hơn cả. Theo với thời gian, các khớp vai, khuỷu tay, háng, cằm và cổ có thể bị ảnh hưởng. Cả hai bên cơ thể thường bị cùng lúc.
Nơi những điểm dễ va chạm nhất (pressure points) của khớp xương ở khuỷu tay, bàn tay và bàn chân hay dây gân gót chân Achille có thể nổi lên những cục u nhỏ gọi là cục phong thấp. Các cục u này cũng có thể mọc ở các khớp xương khác, ngay cả trong phổi nữa. Những cục u này có thể nhỏ bằng hạt đậu nhưng cũng có thể lớn bằng quả ổi nhỏ nhưng không gây đau đớn gì cả.
Bệnh phong thấp RA đặc biệt có thể gây viêm các tuyến nước mắt, tuyến nước bọt, màng tim và phổi, phổi và ngay cả các mạch máu. Đây là một bệnh kinh niên, có lúc thuyên giảm có lúc nặng lên. Không có cách chữa cho hết hẳn bệnh này nhưng nếu biết cách dùng thuốc và những phương tiện bảo vệ các khớp, bệnh nhân vẫn có thể sống cuộc đời hạnh phúc và lâu dài.
Nguyên nhân
Bệnh phong thấp RA gây ra do màng lót các khớp xương bị sưng lên khiến tiết ra một chất đạm làm màng này ngày càng dầy lên. Chất đạm này cũng phá hoại lớp sụn, xương, gân và dây chằng nơi khớp. Dần dần, khớp xương bị dị dạng, méo mó và có thể bị phá hủy.
Tại sao các màng lót bị sưng lên? Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiễm trùng là nguyên nhân và một số người có những gien di truyền khiến họ dễ bị nhiễm trùng.
Một số các nhà nghiên cứu khác cho rằng kích thích tố có thể đóng một vai trò trong việc gây ra bệnh phong thấp RA.
Những yếu tố khác có thể làm một người dễ mắc bệnh RA là: tuổi già, phái nữ, hút thuốc lá.
Biến chứng
Bệnh phong thấp RA gây ra cứng, đau khớp xương và mệt mỏi. Dần dần, bệnh nhân khó có thể làm những việc dù thông thường nhất như cầm cây bút, vặn nắm cửa...Bệnh nhân có thể bị trầm cảm do việc này. Bệnh nhân RA cũng dễ mắc bệnh sưng khớp và xương (osteoarthritis, một dạng bệnh phong thấp khác), và bệnh tim...
Cách chữa
Thuốc:
Làm bớt đau và ngăn sự tiến triển của bệnh. Gồm có: thuốc chống viêm NSAIDs, COX 2 inhibitors, Steroids, DMARDs, IL 1 Ra, thuốc chống miễn nhiễm, TNF blockers, thuốc chống trầm cảm...
Tất cả bệnh nhân bị phong thấp cấp cần nằm nghỉ tại giường, hoặc nằm bệnh viện để được khám hàng ngày nhằm phát hiện kịp thời các triệu chứng viêm tim xảy ra trong 2 tuần đầu. Khi theo dõi, cần chú ý phát hiện diễn tiến ở khớp, tim có to thêm không, và mạch có nhanh lên không: đó là các triệu chứng bệnh nặng thêm. Tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ có chỉ định dùng thuốc như:
- Pénicilline
- Erythromycine (nếu dị ứng pénicilline)
- Aspirine
- Corticoid
...

Giải phẫu:
Lọc máu: lấy bớt những kháng thể làm viêm và đau khớp.
Giải phẫu thay khớp: khi khớp xương đã bị phá hủy quá nhiều, giải phẫu thay khớp có thể tái tạo chức năng của khớp và làm giảm đau.
Ngoài những cách chữa bệnh do bác sĩ thực hiện kể trên, bệnh nhân cũng cần biết cách tự săn sóc bệnh của mình khiến giúp cho cuộc sống bớt khó khăn cũng như ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
1. Tập thể dục thường xuyên: bệnh nhân cần hỏi bác sĩ hay nhân viên thể lý trị liệu về những thể dục nào thích hợp và cần thiết.
2. Giữ không lên cân nhiều: số cân dư sẽ làm cho các khớp xương phải chịu sức ép nhiều hơn và dễ bị phá hoại hơn.
3. Ăn uống đúng cách: ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt
4. Tắm nước nóng hay dùng bình nước nóng đặt lên các khớp để giảm đau, thư giãn các bắp thịt và tăng máu đến khớp.
5. Dùng sức lạnh khi bệnh tăng lên: lạnh làm cho giảm đau, làm tê và giảm co thắt bắp thịt. Nếu bệnh nhân đang bị tê và máu lưu thông không tốt, không nên dùng sức lạnh.
Tập những phương pháp thư giãn: thôi miên, thở sâu, thư giãn bắp thịt.
6. Uống thuốc đầy đủ theo lời dặn của bác sĩ.
7. Giữ thái độ lạc quan: cùng với bác sĩ, sắp đặt trước những gì cần làm để chống lại cơn bệnh. Việc này sẽ làm cho bạn lạc quan vì mình chủ động trong việc đối phó với căn bệnh.
8. Dùng những dụng cụ giúp mình vận động: thí dụ như những đồ ràng đầu gối, gậy chống, ràng bàn tay,v...v…Nói chuyện với bác sĩ về những dụng cụ này.
9. Không làm quá sức mình: nghỉ ngơi khi cần
Những cách chữa khác
Bệnh nhân phong thấp RA có thể muốn dùng thử những phương cách chữa trị khác như châm cứu, thuốc Bắc, thuốc dùng thêm như glucosamine, chondroitin sulfate..., nam châm...Tuy nhiên, nên nhớ rằng những phương pháp này không được theo dõi và kiểm chứng đầy đủ. Do đó, bệnh nhân phải cẩn thận tìm cho đúng thầy đúng thuốc, không nên dùng bừa bãi.
Một số phát hiện mới:
Một loạt các yếu tố đã được thẩm định như có nguy cơ gây bệnh phong thấp gồm có: tiếp xúc với một số hormone, vi khuẩn, thói quen hút thuốc và các yếu tố có liên quan tới chế độ ăn uống vv... nhưng cho tới nay các yếu tố này chưa được xác định một cách chắc chắn.
Trong các yếu tố môi trường đã được xem xét, bằng cớ rõ rệt nhất có lẽ là tương quan giữa hút thuốc và bệnh phong thấp, đa số các cuộc nghiên cứu về yếu tố rủi ro này đều liên kết thói quen hút thuốc với thời điểm phát bệnh.
Các kết quả nghiên cứu sơ khởi cũng phát hiện rằng nguy cơ mắc bệnh phong thấp giảm nơi những phụ nữ uống thuốc ngừa thai, nhưng nhiều cuộc nghiên cứu chi tiết hơn sẽ phải được thực hiện trước khi xác định kết quả nghiên cứu này. Ngoài ra, các phụ nữ chưa hề sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đôi chút, so với các phụ nữ có con.
Và các cuộc nghiên cứu mới thực hiện cho rằng bệnh phong thấp ít xảy ra hơn nơi các phụ nữ cho con bú sữa mẹ, tương phản hẳn với kết luận của các cuộc nghiên cứu trước đây, nói rằng các phụ nữ cho con bú sữa mẹ có nguy cơ mắc bệnh phong thấp cao hơn.
Mới đây có dấu hiệu cho thấy một loại thuốc có triển vọng chận đứng sự tiến triển của bệnh, hoặc ngay cả đảo ngược các hệ quả của bệnh phong thấp.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng hệ miễn dịch gồm những tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm khác, dường như lại tấn công chính cơ thể của bệnh nhân.
Ông Harris Perlman là Giáo sư giảng dạy tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern của bang Illinois. Giáo sư Perlman giải thích về mối tương quan giữa hệ thống miễn nhiễm và bệnh phong thấp:
"Điều xảy ra là phản ứng của hệ thống miễn nhiễm bị rối loạn, khiến cơ thể tự tấn công chính mình." Giáo sư Perlman nói một protein trong một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt giúp tế bào tự hủy sau khi đã tấn công các mầm bệnh hay vi khuẩn. Nhưng trong trường hợp bệnh, không có protein ấy trong hệ miễn dịch. Thay vào đó, protein tồn đọng trong các khớp xương, rồi tấn công chất sụn và xương.
Cuộc nghiên cứu có sự tham gia của Giáo sư Perlman của Đại học Northwestern đã thành công trong việc khóa lại hệ miễn dịch nơi các con chuột mắc bệnh phong thấp. Nhà nghiên cứu này phát triển một phân tử mà ông gọi là "phân tử tự sát", có chức năng tương tự như protein đã khiến cho các tế bào tự hủy.
Giáo sư Perlman giải thích rằng "phân tử tự sát" có thể chận đứng và đôi khi giảm bớt chứng phong thấp trong 75% số chuột thử nghiệm. Ông tin rằng phương pháp chữa trị dùng phân tử này có thể hữu hiệu nơi con người.
Các cách chữa trị bệnh phong thấp đang được dùng hiện nay có thể giảm bớt mức độ đau nhức, nhưng không hữu hiệu nơi tất cả các bệnh nhân. Bệnh nhân phải uống thuốc liên tục, trong khi thuốc có những hậu chứng đi kèm như tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Giáo sư Harris Perlman nói khía cạnh tốt nhất của phương pháp chữa trị mới là nó không đi kèm với hậu chứng nào đáng kể.
Theo Đông y, phong thấp hay tý chứng là do cơ thể yếu đuối bị "Phong", "Hàn", "Thấp", "Nhiệt" thừa cơ xâm nhập kinh lộ, cơ nhục, khớp xương, làm tổn thương huyết mạch và tâm, đưa đến sưng đỏ, đau nhức, nặng nề, tê bại trong cơ thể, các khớp xương, chân tay vv... bệnh nhân cảm thấy hàn nhiệt, biểu chứng.
Trong cơ thể kinh lạc đưa khí huyết đi khắp nơi, khi bị ngoại tà xâm nhập là bế tắc kinh lạc sẽ gây đau mỏi các khớp, trời lạnh, mưa ẩm thấp, đau tăng hoặc tái phát. Cho nên tất cả các bệnh đau thần kinh xương khớp đều có thể qui vể Tý chứng. Đông y gọi là chứng Tý, tý là bế tắc không thông, dân gian thường gọi là bệnh phong thấp. Đông y qua nhiều đời phân ra rất nhiều loại như Hành tý, Thống tý, trước tý, Nhiệt tý, Huyết tý, v..v..
Ví dụ:
1. Hành tý (còn gọi là Phong tý, Phong)
Triệu chứng: Đau di chuyển các khớp, đau nhiều khớp, sợ gió, rêu lưỡi trắng, mạch phù,
Liệu pháp: khu phong là chính, tán hàn trừ thấp là phụ ,hoạt huyết,hành khí
Toa:Phòng phong 12g, Khương hoạt 12g, Tần giao 8g, Quế chi 8g, Bạch linh 8g, Bạch thược 12g, Đương qui 12g, Cam thảo 6g, Ma hoàng 8g, Thổ phục linh 16g, Thương nhĩ tử 16g, Hi thiêm 16g, Uy linh tiên 12g, Ý dĩ 12g, Bạch chỉ 8g, Tỳ giải 12g
Châm cứu: thiên ứng, lân cận, hợp cốc, phong môn, phong trì, huyết hải, túc tam lí, cách du
2. Hàn tý hay thống tý
Triệu chứng: Đau dữ dội ở một khớp, trời lạnh đau tăng, chườm nóng thì đỡ, tay chân lạnh sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mạch huyền khẩn, hoặc nhu hoãn
Liệu pháp: Tán hàn là chính, khu phong, trừ thấp là phụ, hành khí hoạt huyếtToa: Quế chi 8g, Can khương 8g, Thiên niên kiện 8g, Uy linh tiên 8g, Ý dĩ 12g, Xương truật 8g, Xuyên khung 8g, Ngưu tất 8g,Thương nhĩ tử 12g, Ma hoàng 8g, Bạch thược 8g, Hoàng kì 8g, Bạch linh 8g
Châm cứu: Thiên ứng, Lân cận, Hợp cốc, Phong môn, Phong trì, Huyết hải, Túc tam lí, Cách du
3. Thấp tý hay trước tý
Triệu chứng: Các khớp nhức mỏi, đau một chỗ, tê bì, đau các cơ, vận động khó, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoãn
Liệu pháp: Trừ thấp là chính, tán hàn khu phong là phụ, hành khí, hoạt huyết
Toa: Ý dĩ 16g, Xương truật 12g, Ma hoàng 8g, Quế chi 8g, Khương hoạt 8g, Độc hoạt 8g, Phòng phong 8g , Ô dược 8g, Hoàng kỳ 12g, Cam thảo 6g, Đẳng sâm 12g, Xuyên khung 8g, Ngưu tất 8g, Bạch chỉ 12g, Đan sâm 12g, Ngũ gia bì 12g

...
Vài ví dụ khác:
- Mỗi khi thời tiết thay đổi, các khớp đau nhức âm ỉ, người bệnh ít ngủ, trằn trọc, đi lại khó khăn, dùng một trong các bài thuốc sau:
-Bài 1: xương bồ 12g, thổ phục linh 16g, nam tục đoạn 20g, tang chi 12g, rễ cỏ xước 12g, rễ bưởi bung 16g, quế 10g, cam thảo 12g. Đổ 1.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.
-Bài 2: ngải diệp 16g, kinh giới 16g, ngũ gia bì 12g, cẩu tích 12g, trinh nữ 16g, thổ phục linh 20g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, nước 1.000ml, sắc lọc bỏ bã lấy 350ml, chia 2 lần uống trong ngày.

*Khớp gối đau mỏi, chân tay lạnh, có biểu hiện cứng khớp, cơ thể suy nhược, đi đứng chậm chạp (thể hàn thấp), dùng một trong các bài thuốc sau:
-Bài 1: phòng phong 10g, kinh giới 16g, tế tân 12g, xuyên khung 12g, huyết đằng 16g, nam tục đoạn 16g, cà gai leo 12g, bưởi bung 16g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, cẩu tích 12g, chích thảo 12g. Đổ 1.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

-Bài 2: hà thủ ô (chế) 12g, rễ cúc tần 12g, tục đoạn 12g, thổ phục linh 16g, xấu hổ 20g, cỏ xước 20g, độc hoạt 16g, quế chi 10g,
thiên niên kiện 10g, đơn hoa 16g. Đổ 1.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.

*Đau khớp nhưng lại chạy từ khớp này đến khớp kia, có thể có sốt, đau tức ngực, khó thở, toàn thân mệt mỏi (thể phong thấp). Dùng một trong các bài thuốc sau:
-Bài 1: xuyên khung 12g, đan sâm 12g, phòng phong 12g, kinh giới 16g, ngải diệp 16g, ngưu tất 12g, thục địa 10g, bạch thược 12g, đương quy 12g, thổ phục linh 16g, độc hoạt 16g, huyết đằng 16g. Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
-Bài 2: hoài sơn 16g, liên nhục 12g, cẩu tích 12g, hà thủ ô (chế) 12g, ngũ gia bì 16g, nam tục đoạn 16g, đơn hoa 12g, độc hoạt 16g, hy thiêm 12g, phòng phong 10g, kinh giới 16g. Uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

* Đau vai cổ, đau lan xuống một bên cánh tay. Đầu khó cử động, có cảm giác tê bì. Dùng một trong các bài thuốc sau:
-Bài 1: ngưu tất 16g, thiên niên kiện 12g, quế chi 10g, trần bì 10g, cố chỉ 10g, ngải diệp 16g, tế tân 10g, kinh giới 16g, đương quy 12g, xương bồ 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng.
-Bài 2: thổ phục linh 20g, ngải diệp 16g, hà thủ ô (chế) 12g, tục đoạn 12g, lá lốt 12g, rễ cỏ xước 16g, rễ bưởi bung 16g, rễ cúc tần 12g, cà gai leo 12g, quế chi 10g, thiên niên kiện 10g, chích thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống nóng.
Một đặc điểm tích cực của các loại thuốc hóa dược của Tây y là có thể có tác dụng chung cho nhiều người, khi có cùng một triệu chứng bệnh, cho dù thuốc hóa dược chữa trị phong thấp có phản ứng phụ nguy hiểm, nhưng tính phổ cập cao, và dễ sử dụng. Còn thuốc thảo dược và các phương pháp khác của Đông y tuy rằng có tính khả thi đào thải được mầm bệnh, nhưng lại khó sử dụng, thế yếu của Đông y là hiệu quả của phương toa hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người Lương Y.
Vì cơ sở chẩn trị của Đông y, chỉ dựa vào Vọng-Văn-Vấn-Thiết, cho nên việc chẩn trị đúng bệnh lý thuộc loại nào, là hàn, nhiệt hay, phong thấp...là Thống tý hay Hành Tý, là Trước tý hay Nhiệt tý...để dụng toa thích hợp đều dựa vào kinh nghiệm, tài năng, và lương tâm của người Thầy thuốc.
Mặt khác, các loại thảo dược tự nhiên không phải đối với tất cả bệnh nhân có cùng một triệu chứng đều có tác dụng, mà còn tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân có hợp thuốc hay không.
Chính những yếu tố đó mà liệu pháp của Đông y tuy có khả quan với bệnh Phong thấp, nhưng tính phổ cập không cao, khó ứng dụng đại trà.
Việc tìm ra một phương toa, một liệu pháp có tác dụng tốt, an toàn, lại có tính chất dùng chung cho nhiều người cùng một triệu chứng phong thấp là một vấn đề rất khó. Đó là mơ ước của hầu như tất cả các Lương y có lương tâm nghề nghiệp.
Trong quá trình hành nghề, và sử dụng máy đo sinh khí Prognos, tôi phát hiện ra một biểu đồ rất đáng phải kinh ngạc. Đó là tất cả các bệnh nhân bị bệnh phong thấp, bệnh nhân ung thư đã qua hóa, xạ trị, bệnh nhân mắc chứng suy giảm miễn dịch đều có một biểu đồ sinh khí rất giống nhau. Biểu đồ này có chỉ số sinh khí ở các kinh Âm đều dưới mức bình thường. Chỉ số này còn có nghĩa là các Tạng Âm đều bị suy hư. Mà chủ yếu là Tỳ, Tâm, Phế, Tiểu trường và Thận. Ngược lại các Phủ Dương thì lại có chỉ số sinh khí trên mức bình thường, cũng có nghĩa là khí huyết bị bị bế tắc, mà chủ yếu là các Phủ Vị, Bàng Quang và Can.
Do thấy các biểu đồ sinh khí của tất cả những người bị bệnh Phong thấp đều có kết cấu hình dạng vận động giống nhau, đặc biệt là chỉ số sinh khí trong các Tạng Âm cực thấp. Tôi nảy sinh ra ý tưởng, có phải nguyên nhân sâu xa để đưa đến bệnh phong thấp là do các tạng Âm bị suy hư hay không. Hay là ngược lại, bị nhiễm bệnh phong thấp thì hậu quả sẽ đưa đến các Tạng Âm bị suy hư khí huyết.
Để lý giải cho câu hỏi này, tôi liền thử nghiệm điều trị qua sự kiểm tra của máy Prognos. Liệu pháp là không cần biết bệnh nhân do Phong thấp thuộc thể gì, cứ có tạng Âm nào bị suy hư, thì tôi bồi bổ khí huyết cho tạng đó, để có được chỉ số sinh khí trong khung bình thường.
Khi điều trị bằng tất cả các phương pháp có thể, để đưa chỉ số sinh khí của Tạng Âm bị suy lên mức bình thường. Thì cơn đau nhức Phong thấp của bệnh nhân biến mất ngay. Nói tóm lại, tôi không cần biết bệnh nhân bị phong thấp thể gì, cứ đưa được tất cả chỉ số sinh khí trong các Tạng Âm bị suy hư lên mức bình thường là bệnh nhân hết bệnh.
Kết quả này cho tôi một ý tưởng. Bệnh phong thấp có liên quan đến nguyên nhân khí huyết bị hư trong các tạng Âm (Tim, Gan, Tỳ, Phế Thận). Việc khí huyết ở các Phủ Dương bị bế tắc cũng sẽ biến mất khi, các Tạng Âm được phục hồi sinh khí. Vì vậy đây có thể là một "Mẫu số chung" cho liệu pháp phổ cập chống lại đau nhức phong thấp.
Nhưng việc cùng một lúc phục hồi sinh khí cho tạng Âm, không phải là dễ. Châm cứu cũng không làm được chuyện này, vì sau khi châm xong, đo sinh khí ngay thì đạt yêu cầu, nhưng sang ngày khác thì chỉ số lại tụt về như cũ.
Nghiên cứu các toa thuốc Bổ Âm cổ truyền để ứng dụng, thì tác dụng rất chậm và khó được như ý muốn.
Một duyên tình cờ khác, khi đo sinh khí cho tất người bệnh, dù là đang mắc bệnh hiểm nghèo, hiện đang kiên trì luyện môn khí công Thái Âm Công (Một pho khí công gia truyền của dòng họ Chu ở Đài Loan). Thì tôi thấy biểu đồ sinh khí của họ có chỉ số rất lý tưởng ở các tạng Âm. Phát hiện này bắt buộc tôi phải nghĩ đến có sự hoạt khí rất mạnh ở tạng Âm, trong những người trì luyện Thái Âm Công.
Từ suy nghĩ này, tôi cho bệnh nhân bị bệnh phong thấp, luyện tập Thái Âm Công, song song với việc dùng thuốc bổ Âm. Những người theo phương toa này, có đột biến rất khả quan, bệnh phong thấp hoàn toàn biến mất trong một thời gian ngắn như mơ ước.
Khổ nỗi, Thái Âm Công, rất khó luyện tập, và không phải ai cũng căn cơ và điều kiện luyện tập. Vì vậy tôi chọn trong hàng chục pho khí công mà mình biết, có cách thâu liễm hô hấp, và phương pháp chuyển động thân thể gần giống với Thái Âm Công, đem ra cho bệnh nhân ứng dụng. Kết quả cũng thật bất ngờ, bệnh nhân luyện tập bộ Thiên Lý Tiêu Dao và bộ Ngũ Hành Mê Tông Bộ đều đạt được kết quả chân khí trong tạng Âm gần giống với người luyện tập Thái Âm Công.
Có được kết quả này tôi bắt đầu, nảy ra ý tưởng nghiên cứu về vòng chân khí luân chuyễn trong những môn khí công có tác dụng Bổ Âm. Vậy là từ đó tôi đưa hết tâm huyết, hiểu biết, thời gian và kể cả tiền bạc để dâng hiến cho vòng luân chuyễn của khí huyết trong tạng Âm của cơ thể mà tôi gọi đó là "Vòng Thái Âm Chân Khí".
Phụ lục:
Nhân tiện nói về Phong Thấp, tôi xin hiến tặng bà con ai có bệnh hoặc có người nhà mắc bệnh Phong Thấp 2 phương toa dân gian mà tôi sưu tầm được. Hai phương pháp này có hiệu quả rất khả quan với bệnh đau nhức của phong thấp, cách sử dụng an toàn, dễ làm, và rẽ tiền. Cái đặc biệt là khả năng thích ứng với đại đa số bệnh nhân Phong thấp.

*Phương toa 1:
Toa Thuốc Gia Truyền Trị Bệnh Tê Bại Toàn Thân, BánThân, Đau Nhức Cột Xương Sống, Thấp Khớp, Nhức Mỏi.

1/ Trạch lan...............................4 chỉ
2/ Cam Kỷ Tử............................3 chỉ
3/ Xuyên Khung.......................2 chỉ
4/ Độc Hoạt...............................2 chỉ
5/ Hổ Cốt hay Cẩu Tích..........4 chỉ
6/ Sinh Địa ...........................4 chỉ
7/ Ngưu Tất.............................3 chỉ
8/ Nhãn Nhục.......................... 5 chỉ
9/ Quế.......................................2 chỉ
10/ Đương Quy........................3 chỉ
11/ Thục Địa........................... 2 chỉ
12/ Cam Thảo................... .....2 chỉ
13/ Đỗ Trọng......................... 4 chỉ
Ngâm với 1 lít rượu trắng 37 độ, 1 lít nước suối không có gas ( hoặc 2 lít rượu vang nếu không muốn pha rượu với nước suối), 200 gr đường phèn. Ngâm độ 2 tuần hay lâu hơn càng tốt. Khi uống nhớ quậy đều lên, uống sau bữa ăn trưa và tối, mỗi lần một liquor nhỏ (ly uống sec). Uống mấy thang cũng được, khi nào hết hẳn bệnh hãy ngưng, hay uống tiếp tục càng lâu càng tốt. Nếu không uống được rượu thì nấu 4 chén còn lại 1 chén.
Toa thuốc này rất tốt để bổ máu và lưu thông máu huyết cho người lớn tuổi, hoặc người bệnh do thiếu máu hay máu huyết ứ trệ. Đa số những người bị tê bại, nhức mỏi là do máu huyết không thông đều dùng được. Chỉ cần lưu ý:
Những người có đàm thấp nhiều ví dụ có rêu lưỡi đóng trắng dầy thì uống lâu hiệu quả hơn, cần phải uống thuốc trục đàm như Nhị Trần thang cho sạch đàm rồi uống mới có công hiệu nhanh. Toa thuốc này có vị Hổ Cốt rất khó tìm.
Toa này hiện đang được đồng bào Việt Nam ở hải ngoại tâm đắc ứng dụng, nhất là ở Mỹ, Pháp và Úc châu
*Phương toa 2:
Bó nơi đau nhức, sưng viêm bằng bắp cải.
1- Chọn một bắp cải lá to, loại bắp cải lá quăn thì tốt hơn. Một ít băng gạc, và một cái chai, hay là cây cán bột.
2- Trải lá bắp cải lên thớt hoặc lên bàn, trên tấp băng gạc
3- Lấy cái chai hoặc cây lăn bột lăn đi lăn lại chi lá bắp cải bầm dập ra
4- Rồi bó lên vùng sưng đau, ngày bó một lần, bó trước lúc đi ngủ là tốt nhất. Cũng có thể bó lưng, bó vai được, nhưng việc bó lá cần đòi hỏi tốn kém hơn.
(Không upload hình được)
Quảng Nhẫn Lê Thuận Nghĩa
Viện Nghiên Cứu Ứng Dụng Y Học Cổ Truyền Trung Hoa- CHLB Đức