Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
Theo blog Nguyễn Văn Tuấn


Hôm nay, đọc lại hồi ký của cụ Nguyễn Hiến Lê thấy cụ viết nhiều điều vẫn còn tính thời sự. Xin trích vài đoạn bị cắt khỏi bản in ở VN nhưng in đầy đủ bản trên mạng và xuất bản bên Mỹ. Ông viết về tình trạng y tế, tư pháp, xã hội, kỳ thị vùng miền, và đạo đức xuống cấp sau 1975. Một số sự thật này chắc còn xa lạ với các bạn trẻ, nhưng đọc để "ôn cố tri tân" thì cũng có ích.

===

Y tế

Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ (nhân viên y tế nông thôn) trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận. Chính sách đó rất hợp lý và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tiến bộ.

Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình đa số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột… chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam… Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.

Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen.

Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gửi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khoẻ của dân sa sút không biết tới đâu.

Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh… từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy… Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ, và từ trên lầu thượng họ trút nươc dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu… người ta phóng uế đầy đường.

Tư pháp

Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô… Đó là chuyện 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ không làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị… Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó… Khi phường có toà án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để toà xử. Một “ông toà” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử - Thực vậy sao? - Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?

Thất bại trong hoà bình

Thất bại lớn nhất, theo tôi là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hoà bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối năm 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc…

Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “nguỵ” hết, truỵ lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến là dân Sài Gòn hư hỏng quá rồi. Họ chỉ nhìn bề ngoài… Bọn thanh niên hư hỏng ở Sài Gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn.

Người Bắc coi người Nam là nguỵ, đối xử người Nam như những thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là nguỵ thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”. Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ Chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kĩ thuật - điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là nguỵ nữa, vì nguỵ có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…”

Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết…Chính vì thiếu đoàn kết nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và miền Bắc có câu này: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

Xã hội sa đoạ

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng, cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng… Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bên vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đoạ thêm chứ để chúng mau sụp đổ…”

Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi… Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa…

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó…

Mình theo cả những lầm lẫn của người

So sánh những nhận xét của tôi ở trên với những điều tôi đã được đọc trong mươi cuốn về đời sống ở Nga Sô, Trung cộng, tôi thấy chính sách của mình y hệt như chính sách của hai nước đàn anh đó, những lầm lẫn của mình chính là những lầm lẫn của họ.

Năm 1947, sau 30 năm cách mạng dân Nga cũng bị nhồi sọ như dân mình, xã hội cũng có những sự bất công… cũng có nạn bè phái như mình; cũng có lệ mhốn thưởng một cán bộ thì cho thêm một số tiền bỏ vào bao thư riêng; các ông lớn của họ cũng cách biệt quần chúng như ở nước mình;những kẻ gian trá cũng có thể lén lút làm mọi cái xấu xa, miễn là đừng chống chính quyền; người Nga nào cũng có hai mặt, ra ngoài thì khác như mình.

Họ cũng trọng hồng hơn chuyên, cũng thay đổi chủ trương, chương trình liền liền, thợ họ cũng không đủ ăn, công việc gì cũng không chạy; cán bộ của họ cũng sợ trách nhiệm như cán bộ mình; chính sách cải tạo còn tàn nhẫn hơn chính sách của mình; sự tổ chức bầu cử y như mình, v.v…

Trung Hoa cũng có thời “trăm hoa đua nở” rồi mấy tháng sau hoa lại bị cấm nở; trăm hoa của mình cũng đua nở sau Trung Hoa ít tháng, và cũng bị cấm nở sau họ ít tháng. Năm 1966 mình khôn hơn Trung Hoa là không làm cách mạng văn hoá, nhưng năm 1978 mình cũng đã chuẩn bị kĩ để phát động một cuộc cách mạng văn hoá như họ, tính đốt hết các sách báo ở miền Nam… cách thức phụ cấp cho sinh viên, đối đãi với trí thức, chính sách học tập chính trị, hội họp ở phường, ấp, dăng, dán biểu ngữ ở khắp nơi, phát thanh bằng loa oang oang mà không ai buồn nghe…; cả lối giáo dục trẻ em, bổ túc văn hoá, công trình khai quật cồ tích chung quanh đền Hùng… mình đều theo sát gót Mao Trạch Đông.

Tôi có cảm tưởng rằng mình chép đúng đường lối của hai nước đàn anh, không xét hoàn cảnh, dân tình, phong tục của mình có khác họ hay không. Tôi chưa thấy mình có một sáng kiến gì cả, ngay cả những danh từ như biên chế, phụ đạo, tham quan, tranh thủ… mình cũng chép nguyên của Trung Hoa."

Nguồn Dân Luận -- Theo blog Nguyễn Văn Tuấn