Phan Khôi (1887-1959)


Tiểu Sử

Phan Khôi hiệu là Chương Dân sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 (20 tháng 8 năm Đinh Hợi) tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Ông là con cụ Phó bảng Phan Trần (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ.

Phan Khôi là một học giả tên tuổi, một nhà thơ, nhà văn và là một trong những người khởi xướng phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 1905 khi ở tuổi 18 nhưng lại mở đầu và cổ súy cho phong trào Thơ Mới.

Ông là một nhà báo tài năng, một người tích cực áp dụng tư tưởng duy lý phương Tây, phê phán một cách hài hước thói hư tật xấu của quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Ông sớm được tiếp cận với hai cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Những tư tưởng của hai cụ đã ảnh hưởng lớn đến bước đường đời của ông. Ông cũng là một trong số ít nhà báo tiếp thu nhiều tư tưởng mới, đa văn hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản, và Pháp.

Ở tuổi 20, ông ra Hà Nội tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và làm việc cho tạp chí Đăng Cổ Tùng Báo . Khi tờ tạp chí này bị cấm ông xuống Nam Định rồi sang Hải Phòng ẩn náu. Ít lâu sau ông trở về Quảng Nam hoạt động trong Phong trào Văn Thân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Trong một cuộc biểu tình đòi giảm thuế ông bị bắt và giam tại nhà tù Quảng Nam, đến năm 1914 được trả tự do.

Rời nhà tù ông bôn ba khắp Bắc – Trung – Nam với cái nghiệp nhà báo. Ông viết cho tờ Nam Phong tạp chí, báo Lục Tỉnh Tân Văn. báo Thực nghiệp dân báo và báo Hữu Thanh. báo Thần Chung và Phụ Nữ Tân Văn, tờ Phụ nữ thời đàm, báo Tràng An.

Tại Huế ông ra một tờ báo riêng mang tên Sông Hương. Năm 1939 báo Sông Hương bị đóng cửa, Phan Khôi trở về Sài Gòn dạy chữ Nho và viết tiểu thuyết. Ông còn nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước 1945 được mang danh là Ngự Sử Văn Đàn. Ông phê phán chính sách cai trị của người Pháp một cách thẳng thắn, đối thoại, tranh luận với các học giả từ Bắc đến Nam không e dè kiêng nể.

Năm 1945 sự kiện Việt Minh cướp chính quyền ở Quảng Nam và trong cả nước là bất ngờ đối với Phan Khôi, ông ngạc nhiên khi biết ngay trong gia đình có người của Việt Minh (em trai ông là Phan Bôi, con trai ông là Phan Thao).

Được mời tham dự cuộc mít tinh mừng ngày thành lập nước ở tỉnh Quảng Nam, ông lên diễn đàn tỏ ý tán thành độc lập dân tộc nhưng không đồng tình đi theo con đường cộng sản vì theo ông nó sẽ khiến kinh tế lạc hậu, dân trí thấp kém.

Trong các năm 1956 – 1958, khi phong trào Trăm Hoa Đua Nở – Trăm Nhà Đua Tiếng mới hé mở Phan Khôi là một trong những người sáng lập báo Nhân Văn, Giai phẩm. Trên điễn đàn này nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh.

Ông đã có loạt bài viết phê phán giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ đối với nền văn học nghệ thuật và giới văn nghệ sĩ Việt Nam trong tự do sáng tác. Phan Khôi có một số bài viết đăng trên các tập Giai phẩm của nhà xuất bản Minh Đức (nhất là bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ).

Khi tờ Nhân văn bị đóng cửa, ông có một số bài đăng tuần báo Văn (của Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-58). Vì cung cách nói thẳng Phan Khôi đã chịu tai họa cùng với một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo, nhà nghiên cứu trong nhóm Nhân văn – Giai phẩm bởi sự đàn áp thẳng tay của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội. Nhà cầm quyền cộng sản đương thời cho rằng Phan Khôi có những biểu hiện tư tưởng tiêu cực và có tính phá hoại. Phan Khôi bị cấm sáng tác cho đến khi qua đời.

Phan Khôi mất ngày 16 thang 1 năm 1959. (mùng Tám tháng Chạp năm Kỷ Hợi) hưởng thọ 72 tuổi. Ông ra đi trong thầm lặng và cô đơn không bạn bè thân thuộc bên cạnh bởi lẽ ông còn đang mang nặng trên người bản án Nhân văn – Giai Phẩm chống Đảng. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang Hợp Thiện. (Hà Nội).Trong những năm 70 của thế kỷ trước nghĩa trang này biến thành khu công nghiệp, nhiều ngôi mộ đươc chuyển đi trong đó có các ngôi mộ 7 nghệ sĩ trong đoàn nghệ thuật Trung Quốc bị tai nạn lật thuyền ở Hồ Tây thì được cải táng đưa về Trung Quốc, trong khi phần mộ của Phan Khôi là một trong những ngôi mộ bị coi là vô thừa nhận và nhà cầm quyền đã dùng xe ủi san bằng…

Khoảng thời gian hoạt động rực rỡ nhất trong đời Phan Khôi, “làm cho Phan Khôi trở thành Phan Khôi”, kéo dài từ năm 1928 đến năm 1939. Trong khoảng thời gian này, toàn bộ các bài viết của ông đều được đăng trên báo chí với các đề tài rất đa dạng: cổ học Trung Quốc và Việt Nam; văn hóa, văn học và chính trị Trung Quốc đương đại; khảo cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và văn học Việt Nam, phê phán chính sự đương thời…


Đặc biệt Phan Khôi là người khởi xướng hoặc tham gia hàng loạt các cuộc tranh luận trên báo chí về khá nhiều vấn đề học thuật có tính cơ bản và lâu dài, gắn với sự tiến triển của tư tưởng, văn học và xã hội Việt Nam thế kỷ XX. Ông là người mở đầu cho phong trào Thơ mới với bài Tình già (1932) và như nhà văn Vũ Ngọc Phan khẳng định “Về thơ mới chính Phan Khôi là người khởi xướng trước nhất”. Còn Hoài Thanh – Hoài Chân trong cuốn Thi nhân Việt Nam đưa ra nhận xét “Hồi bấy giờ Phụ nữ tân văn đương thời cực thịnh. Những lời nói của ông Phan được truyền bá khắp nơi. Cái bài thơ mới “Tình già” ông dẫn ra làm thí dụ, không rõ có được ai thích không, nhưng một số đông thanh niên trong nước bỗng thấy mở ra một góc trời vì cái táo bạo dấu diếm của mình đã được một bực đàn anh trong văn giới công nhiên thừa nhận”. Và khẳng định: “Ông Phan Khôi, người đã khởi xướng ra thơ mới”

Năm 2007, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Phan Khôi (06/10/1887). Một buổi tọa đàm về ông đã được tạp chí Xưa và Nay, Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Loạt sách Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo, do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, cũng được xuất bản những tập đầu

Tác Phẩm


Bàn về tế giao (1918)
Tình già (thơ mới - 1932)
Chương Dân thi thoại (1936)
Trở vỏ lửa ra (1939)
Tìm tòi trong tiếng Việt (1950)
Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ (dịch của Stalin, 1951)
Việt ngữ nghiên cứu (1955)
Dịch Lỗ Tấn (từ 1955 đến 1957)
Ngẫu cảm (thơ chữ Hán)
Viếng mộ ông Lê Chất (thơ chữ Hán)
Ông Năm chuột (truyện ngắn)

Ông cũng là một trong những người dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.


(avtravel.org)