kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Lê Xuyên

  1. #1
    Thành Viên Chính Thức ngoctrongda's Avatar
    Tham gia ngày
    Apr 13th 2006
    Bài gởi
    764
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    226

    Default Lê Xuyên



    Lê Xuyên (1927 - 09hPM.02.03.2004)

    Tiểu Sử

    Nhà văn Lê Xuyên tên thật là Lê Bình Tăng, sinh năm 1927 tại Phong Điền - Tỉnh Cần Thơ. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng tại Sài Gòn, ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là Chú Tư Cầu đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Tác phẩm Chú Tư Cầu, tuy là tác phẩm đầu tay của tác giả, nhưng vào thời điểm mà tác phẩm chưa in thành sách, chỉ đăng trên nhật báo, dưới hình thức một tiểu thuyết nhiều kỳ đã tạo được một tiếng vang khiến anh em văn nghệ sĩ sau đó ít ai gọi nhà văn bằng bút hiệu Lê Xuyên nữa mà đã vui miệng gọi ông là "Chú Tư Cầu" hay "Chú Tư" thay cho cái tên Lê Xuyên.

    Sau ngày 30/4/1975 nhà văn Lê Xuyên bị CSVN bắt giữ cùng chung khoảng trên dưới 100 văn nghệ sĩ ở miền nam với tội danh "văn nghệ sĩ phản động". Nhà văn từng bị giam ở Sở Công An Thành Phố tức Nha CSQG Đô Thành cũ, trại giam T.54 hay Phan Đăng Lưu tức Đề Lao Gia Định và Khám Chí Hòa.

    Sau khi được CSVN trả tự do, nhiều năm ông sống lầm than ở Sài Gòn, bán thuốc lá lẻ đầu phố, góc Nguyễn Tri Phương gần với Trần Quốc Toản, và cho đến nay vẫn chưa hề có thẻ căn cước (Chứng minh Nhân Dân) và cũng chẳng có sổ gia đình (hộ khẩu).

    Lúc sinh tiền nhà văn Lê Xuyên là hình ảnh đậm nét của người gốc miền Nam với lối sống bình dị, chân thật và lúc nào cũng yêu đời. Giới nhà văn, nhà báo thường hay có những va chạm, nhưng hầu như nhà văn Lê Xuyên không hề mất lòng một ai và ông cũng chẳng bao giờ để tâm giận hờn, thù ghét một ai. Đối với tất cả anh em đồng nghiệp, dù thân hay sơ, nhà văn lúc nào trong giao tế vẫn vui vẻ, cởi mở.

    Tác Phẩm
    Chú Tư Cầu (truyện dài, 1965)
    Đêm Không Cùng (truyện dài, 1965)
    Rặng Trâm Bầu (truyện dài, 1965)
    Vợ Thầy Hương (truyện dài, 1965)
    Chú Ba Công (truyện dài, 1966)
    Ngôn Ngữ Là Gì? (1966)
    Xinh (truyện dài, 1967)
    Kinh Cầu Muống (truyện dài, 1968)
    Vùng Bão Lửa (truyện dài, 1969)
    Nguyệt Đồng Xoài (truyện dài, 1970)
    Mặt Trời Đêm (truyện dài, 1975)

    (namkyluctinh.org)

    llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll lllllllllllllllllllllllllllllllllllll ~ * ~ lllllllllllllllllllllllllllllllllllll llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

    Tham khảo thêm


    Nguyễn Đình Toàn viết về Lê Xuyên

    Lê Xuyên thuộc thế hệ các nhà văn Việt Nam nổi tiếng sau 1954 tại miền Nam. Cái chết của ông là một mất mát lớn đối với văn học của chúng ta, nhất là mảng văn học miền Nam.

    Chúng ta có nhiều nhà văn sử dụng tiếng Nam để viết văn như Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam... mỗi người một sắc thái riêng, và đều sử dụng tiếng Nam một cách nhuần nhuyễn, tuyệt vời. Nhưng đọc ai trong số những nhà văn ấy, người đọc đôi lúc vẫn có cảm tưởng đó là một thứ ngôn ngữ đã được trau chuốt, nghĩa là đã có sự can thiệp của tri thức.




    Tác phẩm “Chú Tư Cầu”của nhà văn Lê Xuyên


    Cái tiếng Nam Lê Xuyên sử dụng để viết văn hình như được chuyển thẳng từ đời sống vào. Nó còn nguyên cái chất nửa phèn/nửa ngọt. Nó nồng hương vị cỏ cây hoang dã. Nó ngùn ngụt dục vọng, thứ dục vọng tự nhiên của sinh tồn, trời đất.

    Chỉ cần đọc một đoạn ngắn trong “Chú Tư Cầu” của Lê Xuyên đủ để người ta nhận ra điều đó. Tư Cầu mười bảy tuổi, Phấn mười sáu. Hai đứa ở chòi, chăn vịt giữa đồng hoang.



    CHÚ TƯ CẦU LÊ XUYÊN, bán Thuốc Lá Lẻ Vỉa Hè Bà Hạt, Sài Gòn.



    Lê Xuyên viết:


    “Tư Cầu chống xuồng vừa tới nơi đã nghe tiếng Phấn hỏi vọng từ phía sau chòi:

    - Anh Tư hả anh Tư?

    - Ừa, thì tao chứ còn ai nữa! Sao đèn đuốc gì mà không có, tối om vậy nè?

    - Vậy mà cũng hỏi! Bộ anh quên đem đèn rọi mù u qua rồi hả?

    Nhớ lại hồi nãy Phấn có hỏi mượn dầu lửa để đốt đèn. Tư Cầu bắt tức cười vì nó quên lú đi mất để Phấn phải hỏi vặn vẹo như vậy.

    - Có chớ sao quên! Mà mày làm gì lục đục ở đằng sau đó Phấn?

    - Tắm chớ làm gì mà hỏi! Đốt rọi lên đi anh Tư... Chứ bộ đứng như trời trồng đó hả!”

    Trong cái bóng tranh tối tranh sáng của con rọi mù u, cái câu “tắm chớ làm gì” của con nhỏ nghe dễ sợ!”

    Lê Xuyên cũng được coi là một trong những nhà văn viết đối thoại hay nhất của chúng ta. Đối thoại của ông vừa có sức bật của những trái banh đánh đi / dội lại, vừa có cái giản dị, kỳ ảo của những tấm gương nhỏ, nếu biết cách soi, người ta có thể nhìn thấy nhiều thứ phản ánh ở đằng sau, ở bên trong. Sức hấp dẫn của các trang sách của Lê Xuyên nằm trong các đối thoại của ông, trở thành một thứ duyên ngầm.

    Bằng hữu và những người đã có dịp làm việc chung với Lê Xuyên đều cùng có chung một nhận xét, ông là người trung thực, không để ý đến bề ngoài, lúc nào cũng ăn mặc xuề xòa.

    Từng làm tổng thư ký cho nhiều tờ báo lớn, nhưng ông luôn đối xử nhã nhặn với tất cả mọi người, không làm ra cách biệt ngay đối với những người thuộc quyền.

    Trong buổi lễ tưởng niệm ông, do nhật báo Người Việt tổ chức tại Quận Cam, sau khi ông qua đời, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Nguyễn Mộng Giác, Viên Linh, Thảo Trường, Võ Long Triều, Vũ Ánh, đã lên tiếng ca ngợi các tác phẩm và nhân cách của Lê Xuyên trong đời sống. Và, cứ như nhận xét có tính cách chuyên môn của chính các nhà văn, nhà thơ này thì, riêng các tiểu thuyết của Lê Xuyên, còn hứa hẹn có nhiều người đọc hơn nữa, nhiều khám phá hơn nữa.

    Sau biến cố 75, Lê Xuyên cũng bị liệt vào hàng ngũ “biệt kích văn hóa” và bị cộng sản nhốt tù 7 năm. Được tha ra khỏi tù, ông làm đủ mọi nghề không tên để kiếm sống, và công việc cuối cùng ông làm được nhiều năm, cho tới lúc chết là ngồi bán thuốc lá lẻ bên lề đường Nguyễn Kim, Chợ Lớn.

    Ông không viết văn nữa, như một cách bầy tỏ thái độ đối với nhà cầm quyền. Trong một điều kiện thời tiết nào đó, chỉ những thứ cây nào đấy mọc được.

    Vài người quen biết cũ của ông, có người đã viết trở lại, đề nghị ông “viết chui” viết giấu tên, chắc chắn đời sống sẽ khá hơn, đỡ vất vả hơn, nhưng ông đã nhất quyết từ chối, và tiếp tục thu tấm thân còm cõi với chiếc mũ phở sau quầy thuốc lá... “bữa nào cũng đói cả”, như thư của các nhà văn Nguyễn Thụy Long, Văn Quang ở trong nước cho biết.

    Từ khi ra khỏi tù, Lê Xuyên sống không hộ khẩu, không được cấp bất cứ một thứ giấy tờ hộ thân gì, khi chết phải nhờ những người sống lâu năm trong xóm làm chứng mới xin được giấy khai tử để mang thiêu.

    Như thế, nói Lê Xuyên hưởng thọ 77 tuổi là một cách nói theo thói quen, văn chương chữ nghĩa. Chứ sự thực, có thể coi như Lê Xuyên đã không còn nữa kể từ sau ngày 30 tháng 4, 1975.

    Thật vậy, đối với một nhà văn, cái chết phải được kể từ lúc người ấy không còn viết nữa. Lê Xuyên đã ngừng viết, thực sự ngừng viết, kể từ ngày 30 tháng 4 ai oán đó.

    Những ngày còn lại của ông, từ đó cho đến 09 giờ tối ngày 02 tháng 03, 2004, không thể gọi là những ngày ông “hưởng thọ” được. Thực sự thì phải gọi là một cuộc chịu đựng. Ông đã phải chịu đựng cuộc sống gần 30 năm sau cùng của đời mình.

    Ông không được cấp ngay cả những giấy tờ chứng minh là một người Việt Nam! Những người còn ở lại miền Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975, hẳn biết rõ trong hoàn cảnh như thế, đời sống hàng ngày của cá nhân ông, của gia đình ông, khó khăn biết chừng nào!

    Tại sao Lê Xuyên bị đối xử như vậy? Có phải vì ông là tác giả những cuốn: Chú Tư Cầu, Rặng trâm bầu, Vợ thầy Hương, Kinh Cầu Muống, Vùng bão lửa, Nguyệt Đồng Xoài...?

    Ông đã tự xóa bỏ mình trước khi chết.

    Trong mấy tấm hình Lê Xuyên, được gửi từ trong nước ra, có tấm ông chụp một mình với chiếc mũ phở và nụ cười thật tươi dưới bộ râu trắng như cước, và một tấm chụp chung với 2 nhà văn Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, để đầu trần, vẻ mặt xa vắng nhiều hơn nghiêm túc, chắc là trong một buổi thăm hỏi nhau gì đó, người ta không biết hình ảnh nào hợp với cái chết của ông? Để hai cái hình gần nhau người ta có cảm tưởng như ông cười cợt chính mình.

    _________________
    NĐT/(theo Viet Herald)
    baotreonline.com/Van-hoc/Tai-lieu-van-hoc/nha-van-le-xuyen.html



    ~ * ~






    CÔNG TỬ HÀ ÐÔNG HOÀNG HẢI THUỶ viết về CHÚ TƯ CẦU LÊ XUYÊN

    Trích trong Sống & Chết ở Sài Gòn


    Từ ngày Việt Nam có tiểu thuyết — hình như — chỉ có một mình Lê Xuyên là người viết tiểu thuyết được anh em lấy tên nhân vật tiểu thuyết của mình để gọi. Từ năm 1965 chúng tôi gọi Lê Xuyên là Chú Tư Cầu, đôi khi ngắn gọn là Chú Tư, chúng tôi gọi Lê Xuyên là Chú Tư nhiều hơn chúng tôi gọi anh là Lê Xuyên. Vào khoảng những năm 1958, 1960 Lê Xuyên viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông “Chú Tư Cầu” đăng trên nhật báo Sàigònmai, có thể là trên nhật báo Dân Chúng – tôi không nhớ đúng. Chú Tư Cầu là truyện dài đầu tay của anh, truyện hấp dẫn người đọc, Lê Xuyên nổi tiếng ngay từ đấy. Lê Xuyên được người đọc tiểu thuyết đăng trên báo biết tiếng cùng một lúc với Kim Dung qua những truyện Võ Lâm Ngũ Bá, Thần Ðiêu Ðại Hiệp.

    Trong anh em chúng tôi ai là người thứ nhất gọi Lê Xuyên bằng cái tên thân thương là Chú Tư Cầu? Hình như là Ðằng Giao, tôi nhớ tôi nghe Ðằng Giao là người thứ nhất dùng cái tên Chú Tư Cầu để gọi Lê Xuyên. Tôi không nhớ tôi gặp Lê Xuyên lần thứ nhất ở đâu. Tất nhiên là ở toà soạn một nhật báo, tôi không nhớ báo nào. Như Thanh Nam, Lê Xuyên là người được có thể nói là tất cả anh em làng báo có cảm tình, thương mến. Lê Xuyên lỉm rỉm, ít nói, anh nghe nhiều hơn nói, không bao giờ to tiếng, không bao giờ cãi nhau hay phiền trách ai, cũng chẳng thấy có ai phiền tárch gì anh, anh không sài tiếng Ðức, không ăn tục, nói phét, không cờ bạc, không hút thuốc phiện, không nhậu la-dze, không ngồi cả nửa ngày ở tiệm nuớc uống la-dze, đấu láo như đa số anh em chúng tôi. Ðặc biệt anh quanh năm mặc áo sơ-mi cụt tay, áo bỏ ngoài quần, đi giép. Không phải mình tôi mà rất nhiều anh em tôi nói họ chưa một lần thấy Lê Xuyên đi giày tây, thắt ca-la-hoách. Có những năm Lê Xuyên, ngoài việc viết truyện, còn làm thư ký toà soạn nhật báo, ngồi toà soạn xào nấu tin tức, tiếng Pháp gọi là Xếp Qui-dzin; anh làm thư ký toà soạn tờ nhật báo Thời Thế của Hồ Anh những năm 1970, 1971, làm thư ký toà soạn nhật báo Ðại Dân Tộc từ năm 1973 đến ngày 30 Tháng Tư 1975.

    Chú Tư Cầu Lê Xuyên không bao giờ viết về mình, chú toàn viết tiểu thuyết, không có chuyện chú viết Tạp Ghi văn nghệ, văn gừng, chú không viết truyện ngắn, chú không viết bài Xuân cho báo Xuân, báo Tết, chú cũng chẳng bao giờ nói về thân thế chú. Thành ra, nhiều anh em, trong số có tôi, biết rất ít nếu không nói là gần như không biết gì về đời tư của chú. Riêng tôi, tôi chỉ lờ mờ biết chú là đảng viên Ðảng Ðại Việt, chú từng đi tù vì tội chính trị trước năm 1954, dường như có thời chú bị tù ở Côn Ðảo; những năm 1951, 1952 chú là nhân viên toà soạn tờ báo Tự Quyết, cơ quan ngôn luận của Ðảng Ðại Việt – tôi không nhớ năm xưa ấy Tự Quyết là nhật báo hay tuần báo – chú cùng làm tờ Tự Quyết, toà soạn ở nhà in Long Giang, trong hẻm đường Võ Tánh, Sài Gòn, với anh Bảy Bớp Phạm Thái Nguyễn Ngọc Tân. Những gì ít ỏi tôi biết về đời tư của chú đều do tôi nghe những người khác nói. Còn trong trường hợp nào chú kết hôn với cô Bắc kỳ Ðặng Thị Bạt, cháu gái của ông Cả Tề, một nhân vật nổi tiếng của Ðảng Ðại Việt, thì tôi hoàn toàn mù tịt. Chú Tư Cầu gặp cô cháu ông Cả Tề Ðại Việt ở Hà Nội trước năm 1954 hay ở Sài Gòn sau năm 1954? Tôi không biết. Nhiều anh em chúng tôi còn không biết cả tên thật của chú là Lê Bình Tăng.

    Lê Xuyên thích hút thuốc lá Mỹ. Chuyện đó tôi biết chắc vì tôi từng nhiều lần đi mua dzùm thuốc lá cho chú. Ðó là những năm chú ngồi làm việc ở toà soạn nhật báo Thời Thế của Hồ Anh ở đường Lê Lai, nơi từng là toà soạn nhật báo Ngôn Luận một thời oanh liệt. Sau khi chính phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ, nhật báo Ngôn Luận bị chính phủ mới đóng cửa, chủ nhiệm Hồ Anh chỉ còn tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Nếu tôi nhớ không lộn xộn thì mãi đến những năm 1970 Hồ Anh mới làm nhật báo Thời Thế. Nhưng thời làm nhật báo của Hồ Anh đã qua, tờ Thời Thế sống được nhưng khôngsống mạnh bằng một góc tờ Ngôn Luận.

    Trong nhiều năm từ 1956 đến 1963 tôi viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho Ngôn Luận nên ngày nào tôi cũng đến toà soạn đưa bài. Những năm xưa huy hoàng ấy của Ngôn Luận buổi sáng toà soạn đầy anh em, làm việc vui, rộn rịp, người ra vào tấp nập. Ở đấy tôi gặp Từ Chung, rồi Thái Lân, Thái Linh, Vân Sơn, Phan Nghị, Hồng Dương, Tử Vi Lang, hai hoạ sĩ Huy Tường, Văn Hiếu. Khi Thời Thế ra đời, tôi cũng viết tiểu thuyết phơi-ơ-tông cho Thời Thế, tôi cũng gần như mỗi ngày đến toà soạn Thời Thế đưa bài. Nhưng toà soạn Thời Thế vắng tanh, chỉ có hai người ngồi thường trực: Chú Tư Cầu Lê Xuyên và ký giả Sức Voi Trần Quân. Trần Quân Sức Voi không phải là Anh Quân. Có những hôm tôi nói với Chú Tư Cầu:

    - Ði mua thuốc lá đây. Có gửi mua không?

    Những hôm có sẵn tiền, chú gửi tôi mua thuốc cho chú. Chúng tôi hút nặng, mỗi ngày tôi hút hai gói thuốc, chú hút khoảng một gói. Tôi thường đến mua thuốc lá ở những sạp của mấy chị bán thuốc lá trước cửa tiệm Kem Mai Hương đường Lê Lợi. Ở đấy thuốc Mỹ lúc nào cũng có và là thuốc mới, bao thuốc không bị phơi cả tháng trên sạp như ở những sạp nhỏ khác trong thành phố. Mỗi lần đến đó tôi mua hai tút, mỗi tút 10 gói, Chú Tư Cầu Lê Xuyên cũng thế. Những năm 1971, 1972 giá thuốc lá Mỹ ở Sài Gòn là 400 đồng một gói, mua cả tút 10 gói thì 3800 đồng. Chúng tôi cùng thích hút thuốc Pall Mall King Size. Mỗi lần mua thuốc lá như thế trong túi chúng tôi phải có ít nhất là 20.000 đồng, chúng tôi mới có thể chi ra 8.000 đồng cho thuốc lá. 10.000 đồng phải đem về đưa cho vợ.

    Ða số anh em chúng tôi thường không ngồi được lâu trong toà soạn, chúng tôi chỉ đến toà soạn nhấp nháy rồi phú lỉnh đi ăn chơi. Dù có ngồi làm quy-dzin xào nấu, tức chọn, sửa, viết lại tin tức như Lê Xuyên tôi cũng không thể ngồi bền ở toà soạn bằng chú. Những năm ngồi ở toà soạn Thời Thế, ngoài việc làm báo Thời Thế, Lê Xuyên còn ngồi ở đó viết tiểu thuyết cho nhiều báo khác. Một cuộc tình đã đến với Lê Xuyên trong những năm chú ngồi ở toà soạn Thời Thế.

    Chú Tư Cầu không nói gì về cuộc tình của chú, tôi cũng chẳng bao giờ hỏi chú về chuyện đó. Nhưng tôi biết cuộc tình ấy của chú. Duyên nợ hay định mệnh an bài, có một thiếu nữ con nhà lành nhà có máy điện thoại, nàng gọi điện thoại đến toà soạn Thời Thế để hỏi về chuyện văn nghệ văn gừng linh tinh, có thể nàng là người đọc những tiểu thuyết của Lê Xuyên, biết chú làm việc ở đấy nên gọi điện thoại đến nói chuyện với chú. Chỉ biết là nàng phôn đến và chú tiếp chuyện nàng. Chú nỉ non với nàng sao đó mà cuộc tình tô-lô-phôn nở hoa, chú và nàng gặp nhau.

    Thường thì những cuộc giao tình giữa những nữ độc giả ái mộ và những anh thợ viết phơi-ơ-tông Sài Gòn năm xưa vẫn không đi đến đâu. Ða số những anh thợ viết có chút tiếng tăm đều có vợ, có con đùm đề, mấy anh bận viết kiếm tiền, bận ăn chơi, chẳng anh nào có điều kiện tiền bạc và thì giờ để chiều các em nữ độc giả, chiều thôi, tức là ngồi rị mọ trả lời thư các em, ngồi cả giờ rỉ rả nói chuyện qua phôn mí các em, đưa các em đi ăn kem, đi xem xi-la-ma, lên xa lộ ngồi bên nhau trên thảm cỏ đếm sao trời..vv.., chưa nói gì đến chuyện bắt nhân tình, nhân bánh. Các anh thợ viết cũng đủ khôn ngoan để biết rằng có vợ, có con rồi mà còn lăng nhăng tình ái vẩn vương với mấy em nữ sinh con nhà lành là có ngày các anh thân bại, danh liệt, nôm na là có ngày các anh vỡ mặt. Các em nữ sinh lãng mạn vì mê tiểu thuyết nên muốn làm quen với văn sĩ, các em có thể cho làm tới đấy nhưng con gái nhà người ta, anh nào đụng vào là anh ấy bỏ mẹ. Rắc rối tơ nặng mà không ăn cái giải gì. Vì vậy đa số thợ viết rất ngại phải giao thiệp với các em nữ độc giả ái mộ. Nguyên nhân thứ hai làm cho những cuộc tình nữ độc giả ái mộ-văn sĩ Phơi-ơ-tông Giao Chỉ không nở hoa được là vì đừng gặp mặt văn sĩ thì các em nữ độc giả còn mơ mộng, gặp mặt văn sĩ là các em vỡ mộng: văn sĩ nhà ta ít anh đẹp trai, phong nhã lại càng hiếm có, đa số các anh không như hình ảnh nhà văn hào hoa các em tưởng tượng. Nhưng Chú Tư Cầu đã giao thiệp với nữ độc giả ái mộ và Thánh Tổ, vị Tổ Sư Văn Nghệ Văn Gừng, đã ban lộc cho chú, chú đã trúng lô độc đắc.

    Những năm 1971, 1972, Chú Tư Cầu thân mến của chúng tôi là Thuyền Trưởng Hai Tầu, nhưng sự nghiệp Thuyền Trưởng Hai Tầu của chú êm đềm, thuận chèo, mát mái, kiêm thuận buồm, suôi gió. Hiền thê của chú, bà Chủ Tầu của chú, cô cháu gái ông bà Cả Tề Ðại Việt, tuyên bố một câu xanh rờn:

    - Thằng chồng mình già rồi, may mắn được con gái hơ hớ nó thương, nó cho.. Như chồng mình trúng số độc đắc. Phải cho nó hưởng chứ!

    Tháng Ba 1976 Công An Thành Hồ được lệnh mở chiến dịch bắt giam văn nghệ sĩ Sài Gòn, Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị tó. Bị giam ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn Nhân Dân của Sở Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, chừng mười tháng sau một số văn nghệ sĩ được gọi ra dự một khoá gọi là học tập cải tạo ngay trong nhà tù. Chừng một nửa số văn nghệ sĩ bị bắt được gọi ra “học”. Sau ba tháng “học tập chính trị” tất cả những người được “học” đều được thả về, gồm Hoàng Anh Tuấn, Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Ðăng Khánh, Minh Vồ, Hồng Dương, Nguyễn Hữu Hiệu, Nhã Ca, Xuyên Sơn, Sao Biển, Ninh Chữ, Thân Trọng Kỳ..vv… Nửa số văn nghệ sĩ kia bị đưa đi trại tù khổ sai, gồm Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh, Duyên Anh, Ðằng Giao, Trần Dạ Từ, Trịnh Viết Thành, Lý Ðại Nguyên, Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Sĩ Tế, Choé Nguyễn Hải Chí, Mặc Thu, Thái Thuỷ, Tô Ngọc..vv.. Còn nhiều người nữa nhưng hôm nay tôi không nhớ tên.

    Người trở về mái nhà xưa, người đi trại cải tạo.. Riêng Chú Tư Cầu Lê Xuyên vẫn nằm phơi rốn trong một phòng tù của Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, chú không đi trại tù khổ sai với anh em, chú cũng không trở về Bà Hạt với Thiếm Tư, chú cứ nằm đó cho đến ngày bọn công an Thành Hồ nhớ đến chú, chúng gọi chú ra, chúng hỏi:

    - Chúng tôi đã giải quyết vụ văn nghệ sĩ các anh, một số được thả về, một số đi trại cải tạo. Anh không phải đi trại tức là anh ở trong số được thả về, sao anh không khiếu nại?

    Thì ra ngay cả bọn công an Thành Hồ cũng chỉ biết Chú Tư Cầu tên là Lê Xuyên, chúng quên mất tên thật của chú là Lê Bình Tăng – có vẻ Lê Bỉnh Tăng hơn là Lê Bình Tăng — khi còng tay đưa chú vào tù, bọn công an Thành Hồ ghi tên chú trong sồ tù là Lê Bình Tăng, trong danh sách văn nghệ sĩ được thả về chúng để tên chú là Lê Xuyên. Chúng tìm khắp sổ tù không thấy tên Lê Xuyên, chúng không nhớ, có thể tên xét tha không biết tên thật của chú là Lê Bình Tăng và trong sổ tù nhân Nhà Tù Số 4 Phan đăng Lưu chỉ có tên người tù Lê Bình Tăng, chú cứ nằm trong tù cả năm sau bọn công an Sở mới móc chú ra và thả chú trở về đường Bà Hạt-Nguyễn Tri Phương. Tôi hỏi chú về chuyện ấy, chú nói:

    - Chúng nó hỏi tôi thấy anh em được về sao tôi không hỏi chúng nó về số phận tôi, tôi trả lời.. tôi yên tâm cải tạo.

    Năm 1980 cùng ở tù ra chúng tôi gặp lại nhau trên đường phố Sài Gòn. Lê Xuyên đi lấy bánh ngọt trong một nhà làm bánh Ba Tầu ở Chợ Lớn, chú đạp xe đi giao bánh cho những tiệm nước. Công việc vất vả, tiền kiếm được chẳng là bao nhưng mỗi ngày có tí đỉnh tiền còm còn hơn không có đồng nào, và cần có việc làm cho hết thì giờ, ngồi không hết tháng này sang tháng khác muốn phát điên. Chú Tư Cầu đi lấy bánh chịu, chú đưa bánh cho các chỗ bán cũng chịu, chiều tối chú phải đi một vòng thu tiền trả cho chủ tiệm bánh. Như vậy ngày nào chú cũng phải đạp xe đi hai vòng trong thành phố. Có hôm tôi hẹn Lê Xuyên đến nhà tôi ăn cơm, nói chuyện. Khoảng năm, sáu giờ chiều trên đường đi thu tiền bánh, chú ghé vào nhà tôi. Sau xe đạp của chú là cái cần xế, trong cần xế có cái bơm xe đạp. Không phải loại bơm xe nhỏ mà là loại bơm bự như loại bơm ta thấy ở những chỗ vá lốp xe, sửa xe máy ở hai bên vệ đường. Tôi hỏi chú mang theo cái bơm ấy làm chi, chú nói để chú bơm xe chú trên đường đi. Số là ruột cả hai cái ruột bánh xe của chú cùng bị mọt, tức có lỗ thủng nhỏ li ti, không thể vá được, đạp xe đi chừng một, hai giờ là bánh xe sì hết hơi, phải bơm lại. Không thể vào những chỗ sửa xe đạp mượn bơm để bơm, muốn mượn bơm phải trả tiền. Những ngày ấy nhờ anh xửa xe bơm thì một bánh xe 1 đồng, mượn bơm bơm lấy thì trả 5 cắc. Ngày nào cũng đi 10 tiếng đồng hồ mà mỗi ngày năm lần bơm xe thì tiền đâu mà chi. Mà mua ruột xe mới để thay thì chú không có tiền.

    Sau ngày khốn nạn 30 Tháng Tư, người Sài Gòn trở lại xe đạp. Thành phố tang thương chỉ có xe đạp và xe đạp. Săm lốp, đồ phụ tùng xe đạp rất đắt. Ði bỏ bánh như Lê Xuyên một ngày đạp xe rạc cẳng chỉ kiếm được khoảng 10 đồng, chú không thể có tiền mua cái ruột bánh xe đạp mới giá 100 đồng.

    Ðến năm 1983, 1984, Lê Xuyên ngồi bán thuốc lá lẻ trên vỉa hè gần ngã tư Bà Hạt-Ngô Quyền. Mỗi lần đi xe đạp qua đó tôi thường tạt vào thăm chú, chúng tôi nói với nhau đôi ba câu. Mỗi lần tôi đến chú mời tôi một điếu Pall Mall.

    Với cái mũ vải trên đầu, Lê Xuyên ngồi đó rất bền, từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm. Chú nói 11 giờ trưa chú mới ăn sáng, 5 giờ chiều ăn cơm trưa. Cơm nước do con chú nhà gần đấy mang ra. Chú nói:

    - Ngồi vỉa hè cực lắm. Con gái chịu không nổi đâu. Nắng gió, tàn phai nhan sắc ghê lắm…

    Chú nói đúng. Chú ngồi cả ngày dưới mái hiên bằng tôn của một tiệm nước Ba Tầu. Muà nắng, hơi nóng trên mái tôn đè xuống, hơi nóng trên mặt đường phả lên, má Tây Thi, Chiêu Quân cũng nám.

    Rồi những ngày những tháng lại theo nhau qua.. Năm 1984 Công An Thành Hồ cho xe bông đến nhà rước tôi đi lần thứ hai. Sáu mùa sầu riêng trổ gai sau tôi trở về mái nhà xưa lần thứ hai, tôi trở lại ngã tư Bà Hạt-Ngô Quyền, Chú Tư Cầu Lê Xuyên thân mến của tôi vẫn ngồi sau cái tủ kính nhỏ bán thuốc lá lẻ ở đó như năm cũ. Sáu năm gặp lại nhau bên tủ thuốc lá vỉa hè, chú đưa cho tôi nguyên một gói Pall Mall. Một buổi sáng cuối năm 1994 vợ chồng tôi lên phi cơ ở phi trường Tân Sơn Nhất bay sang Mỹ. Năm 2001 tôi được tin Lê Xuyên bại liệt…

    Buổi chiều cuối xuân, đầu hạ ở xứ người, tôi thả hồn tôi về ngã tư Bà Hạt-Ngô Quyền, Chú Tư Cầu Lê Xuyên của tôi vẫn ngồi đó, với cái mũ vải mầu sám trắng trên đầu, hàng ria mép nhiều sợi bạc, ánh mắt năm xưa hóm hỉnh nay đã trầm tư, tôi nghe lại tiếng chú nói với tôi một chiều nào xưa;

    - Bây giờ tôi biết thế nào là “tri thiên mệnh”, ông ạ!

    Chú đã ra đi. Chú là người bạn văn ra đi mới nhất của tôi; trước chú là Trọng Nguyên, Minh Ðăng Khánh, Nguyễn Ngọc Tú tức Ngọc Thứ Lang Bố Già, anh Nguyễn Mạnh Côn, anh Vũ Bằng, anh Trần Việt Sơn, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường tức Dê Húc Càn, Xuyên Sơn, Minh Vồ Nguyễn Văn Minh, Trần Lê Nguyễn, Hoàng Thư…

    Sách Văn Học Miền Nam của Võ Phiến, xuất bản ở Hoa Kỳ, ghi trong mục Danh Biểu:

    LÊ XUYÊN Tên thật Lê Bình Tăng. Sinh ngày 1-11-1927 tại Cần Thơ.

    Tác phẩm Chú Tư Cầu (1965), Ðêm Không Cùng (1965), Rặng Trâm Bầu (1965), Vợ Thầy Hương (1968), Kinh Cầu Muống (1968), Vùng Bão Lửa (1969), Nguyệt Ðồng Xoài (1970).

    Trong thư mục quảng cáo sách của những nhà xuất bản ở Hoa Kỳ thấy có 4 quyển của Lê Xuyên: Rặng Trâm Bầu, Nguyệt Ðồng Xoài, Vợ Thầy Hương, Vùng Bão Lửa. Nhiều báo Việt ở Hoa Kỳ đăng đi, đăng lại những tiểu thuyết của Lê Xuyên, nhưng không thấy có ông chủ nhà xuất bản nào, ông chủ nhà báo nào gửi về trả cho Chú Tư Cầu Lê Xuyên một đô-la tiền bản quyền tác giả.

    o O o

    Tôi viết bài Chú Tư Cầu Lê Xuyên trong Tháng 5, 1995, vài tháng sau ngày tôi đến Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích. Hôm nay, ngày 10 Tháng 7, 2011, ở Rừng Phong, tôi viết thêm:

    Sau 1975, trong số các bạn tôi sống chết ở Sài Gòn, có:

    Trọng Nguyên, chết vì ung thư phổi, Minh Ðăng Khánh, Minh Vồ, Trần Lê Nguyễn chết vì bại liệt sau khoảng 3 năm nằm một chỗ, diễn viên điện ảnh Huy Cường chết vì ngồi sau xe Honda, xe đụng, té ngã đập đầu xuống đường, các anh Hoàng Thư, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc, Trần Việt Sơn, Nguyễn Thụy Long chết bệnh, Nhạc sĩ Lan Ðài, chết vì nửa đêm từ taxi lên tầu ở cửa sông để đi chui, bị rơi xuống sông, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong Nhà Tù Chí Hoà, Dê Húc Càn Dương Hùng Cường chết trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu, Ngọc Thứ Lang Nguyễn Ngọc Tú, tác giả Bố Già, chết trong trại tù khổ sai Phú Khánh, Chú Tư Cầu Lê Xuyên ra đi sau khoảng 2 năm bại liệt.

    Tôi quên mất mấy người.

    Năm 2010 một ông bạn văn của Chú Tư Cầu ở Sacramento, Cali, được bà Quả Phụ Lê Xuyên cho phép tái bản toàn bộ tiểu thuyết Chú Tư Cầu.

    Nhớ Chú Tư Cầu, tôi làm Thơ:

    Giữa Sài Gòn u ám, tang thuơng
    Chú Tư Cầu vỉa hè thuốc lá lẻ.
    Nguyệt Ðồng Xoài và Vợ Thầy Hương
    Bỏ Rặng Trầm Bầu, sang Mỹ, lấy Mỹ.
    Cu ky trong Vùng Bão Lửa
    Chú Tư Cầu đi đâu, về đâu?


    ___________________________
    hoanghaithuy.wordpress.com/2011/07/15/song-va-chet-o-sai-gon/
    thay đổi nội dung bởi: ngoctrongda, 09-05-2013 lúc 16:33

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 04-28-2012, 13:47
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 04-11-2011, 15:25
  3. Đậu phụ Tứ Xuyên
    By PN99 in forum Nữ Công Gia Chánh
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 07-12-2010, 16:31

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •