kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Vài dòng về cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam - Trần Quốc Lịch

  1. #1
    Thành Viên Chính Thức Người Saigon's Avatar
    Tham gia ngày
    Jul 12th 2007
    Nơi Cư Ngụ
    Cõi ta bà .
    Bài gởi
    10,392
    Post Thanks / Like
    Rep Power
    1367

    Default Vài dòng về cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam - Trần Quốc Lịch


    Tôi được hân hạnh quen biết và làm việc với Tướng Nam trong 16 năm trời từ 1954 đến năm 1970. Chúng tôi cùng ở Nhảy Dù. Lúc đầu ông ở tham mưu, còn tôi nắm đơn vị tác chiến. Nhưng những năm sau, ông Nam cũng ra tác chiến, và trong hai năm 1966-1968, tôi đã may mắn phục vụ trong Chiến Đoàn của ông.

    Lúc đó ông mang cấp bậc Trung Tá, làm Chiến đoàn trưởng CĐ3ND, còn tôi làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3ND. Chính trong thời gian này, tôi đã hiểu ông nhiều và vô cùng kính phục ông. Bây giờ, ông đã vị quốc vong thân, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên ông, một người bạn hiền hòa, một cấp chỉ huy đảm lược, được lòng kính mến không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả mọi người.

    Khi mới biết ông, tôi có cảm tưởng ông là một người rất hiền, không sắc mắc, có vẻ không có “tác phong tác chiến”. Tính tình ông thật bình dị, ăn nói từ tốn nhỏ nhẹ. Ông rất khoan dung, ít khi trách mắng trừng phạt cấp dưới và tuy không nói ra, ông rất ông rất thương yêu chăm sóc cấp dưới. Trong suốt thời gian biết ông, tôi chưa bao giờ thấy ông nổi giận, la hét mắng mỏ ai dù là người có lỗi. Ngay đối với sĩ quan cấp dưới nóng nẩy, có lỗi với chính ông, ông cũng chỉ ôn tồn khuyên bảo. Có lần một sĩ quan cấp dưới làm sai trái, ông còn đứng ra che chở, nhận lỗi thay. Nhưng dù không hay quở trách trừng phạt cấp dưới, vì ông gương mẫu, nghiêm nghị, nên đã làm cho quân nhân dưới quyền vừa kính lại vừa mến. Rõ ràng ông không giống nhiều cấp chỉ huy khác, lấy “oai” để chỉ huy, ông lấy tài đức để thu phục. Lúc ấy ông mới là Trung Tá, chỉ huy một đơn vị tương đối nhỏ, nhưng ông đã có phong cách lãnh đạo của một cấp lớn.

    Trong gần hai năm phục vụ trong Chiến Đoàn của ông, tôi đã thấy rõ, ông không chỉ là một cấp chỉ huy đức độ mà còn là một cấp chỉ huy tài năng. Gần như đánh đâu thắng đó, nổi tiếng như cồn. Anh em trong Chiến Đoàn ai cũng vô cùng kiêu hãnh với những chiến công lẫy lừng của đơn vị mình. Cách chỉ huy của ông làm cho các đơn vị trưởng dưới quyền rất thích thú. Ông đặt hết lòng tin vào họ. Lệnh hành quân hầu như bao giờ cũng chỉ có tính cách tổng quát, còn thì để các tiểu đoàn toàn quyền hành động. Do đó họ có cơ hội phát huy sáng kiến và khả năng chiến đấu của mình, và dĩ nhiên cũng được hãnh diện vì đã thực sự góp phần vào các chiến thắng của đơn vị, chứ không phải chỉ như bộ máy, chỉ đâu đánh đó. Ông chỉ giữ vai trò điều hợp, yểm trợ và chỉ can thiệp khi tối cần.

    Tài chỉ huy của ông còn biểu lộ ở những cách điều quân rất mạnh bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay. Chẳng hạn một lần ông đã điều quân tấn công địch vào giữa ban đêm, dùng đúng cái sở trường xưa nay của Việt Cộng, làm chúng bị bất ngờ, thua chạy thục mạng. Nhưng điều làm tôi phục nhất là sự gan dạ, sự trầm tĩnh và bén nhậy của ông. Khi hành quân, ông theo dõi tình hình rất kỹ, luôn luôn có mặt tại tiền tuyến, và rất chịu khó lắng nghe cấp dưới, do đó nắm vững tình thế rất nhanh và ra quyết định rất kịp thời. Tôi biết ít nhất có hai cuộc hành quân đã biểu lộ các đức tính này của ông.

    Thứ nhất là cuộc hành quân Lam Sơn 63 ở Huế năm 1967. Lúc đó Chiến Đoàn 3 Dù đang tăng phái cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh ở Huế. Khi được tin Việt Cộng đưa một đơn vị cấp tiểu đoàn + về vùng Chợ Cạn, Sư Đoàn đã ra lệnh cho Chiến Đoàn đi lùng diệt. Tiểu Đoàn 3 Dù do tôi chỉ huy, với một chi đoàn Thiết Vận Xa M-113 tăng cường được chỉ định làm chủ lực tấn công. Khi chúng tôi đến thì địch đã bố trí xong trận địa, chia làm 3 tuyến theo chiều sâu, sẵn sàng chờ đợi. Trận chiến hết sức gay go, khởi sự từ lúc 9 giờ mà đến 3 giờ chiều mới chỉ thanh toán được hai tuyến đầu của chúng với một giá khá đắt: gần 20 anh em hy sinh và 4 trong 5 đại đội trưởng bị thương. Tôi và Đại Úy Tiểu Đoàn Phó phải lên thay, mỗi người trực tiếp chỉ huy hai đại đội.

    Đang lúc chú tâm chuẩn bị thanh toán nốt mục tiêu thì bất ngờ tôi thấy một bàn tay nắm lấy vai tôi. Quay lại thì thấy ông Chiến Đoàn Trưởng. Hóa ra vì thấy tổn hại của ta khá nặng, nhất là 4 trong 5 đại đội trưởng đã bị thương, nên ông một mình lên tận tuyến đầu để xem xét tình hình và hỏi tôi xem liệu có thanh toán xong mục tiêu trước tối không, cũng như có cần tiếp sức thay thế không. Tôi báo các ông là tinh thần anh em vẫn tốt, hỏa lực chi đoàn thiết giáp còn rất mạnh, nên tôi chắc chắn có thể hoàn thành nhiệm vụ được. Ông nhìn tôi tin tưởng. Còn tôi nhìn ông cám ơn và hãnh diện. Kết quả chúng tôi đã chiếm gọn mục tiêu, chiến thắng vẻ vang với rất nhiều vũ khí chiến lợi phẩm.

    Thứ hai là cuộc hành quân ở Làng Vei thuộc Khe Sanh, Quảng Trị năm 1968. Trong cuộc hành quân này Chiến Đoàn 3 Dù của ta phối hợp hành quân với 1 Lữ Đoàn của Sư Đoàn 1 Không Kỵ, tiến đánh căn cứ Làng Vei của địch nằm gần biên giới Lào.

    Theo lệnh hành quân thì Lữ Đoàn Không Kỵ sẽ tiến đánh và thanh toán căn cứ Làng Vei với sự yểm trợ của phi pháo, trực thăng. Còn Chiến Đoàn 3 Dù thì có nhiệm vụ tiến lên sát biên giới Lào để ngăn chận viện binh của chúng. Trận chiến mở màn với các loạt pháo kích ào ạt của Lữ Đoàn Không Kỵ, mở đường cho một Tiểu Đoàn Không Kỵ tiến nhanh vào căn cứ Làng Vei nhưng địch đã kháng cự mãnh liệt. Tiểu Đoàn Không Kỵ khựng lại phải xin tiếp viện. Địch cũng bị nguy phải xin tăng viện.

    Ngay khi đó thì may mắn trong khi theo dõi trận đánh trên vô tuyến, tiểu đoàn tôi đã bắt được làn sóng của địch, và giải đoán được ý đồ của bộ chỉ huy địch: Chọc thủng đơn vị Dù, cấp tốc tiến về Làng Vei để tiêu diệt tiểu đoàn Mỹ. Tôi trình ngay với Trung Tá Nam, Chiến Đoàn Trưởng. Ông Nam lắng nghe, suy ngẫm một chút rồi tức thì một mặt ra lệnh cho TĐ6ND ngưng ngay cuộc tiến quân lên vùng biên giới, cấp tốc bố trí tại địa điểm chỉ định, để sẵn sàng đợi đánh viện quân của địch; một mặt thông báo ngay cho bộ chỉ huy Lữ Đoàn Không Kỵ biết để cùng tập trung thanh toán địch. Kết quả tiểu đoàn tăng viện của địch bị đánh tan nát, cuộc hành quân hoàn toàn thắng lợi. Căn cứ Làng Vei được giải tỏa. Trung đoàn địch thiệt hại thật nặng nề.

    Chính nhờ các chiến tích này, cùng với chiến thắng hồi Mậu Thân đợt 1 tại Vùng 3, mà Trung Tá Nam được vinh thăng Đại Tá, còn tôi được thăng cấp Trung Tá. Điều đáng ghi nhớ nhất đối với tôi là Đại Tá Nam đã lấy cặp lon Trung Tá của ông vừa bỏ ra để đeo cho tôi. Đây là một sự thân tình, một vinh dự đối với tôi. Tôi rất xúc động.

    Sau khi chiến đấu dưới quyền ông trong hai năm, tôi được thuyên chuyển ra khỏi Lữ Đoàn của ông để đi nắm Lữ Đoàn 2 Dù. Do đó tôi ít còn cơ hội để hành quân với ông như trước, trừ khi cần phối hợp trong những trận đánh lớn. Nhưng chỉ được ít lâu sau là ông không còn trong binh chủng Nhảy Dù nữa. Năm 1970, ông được vinh dự đi làm Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Rồi hai năm sau, tôi cũng lại theo gót ông, được cữ đi lãnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.

    Từ đó cho đến khi ông lên Tướng và nắm Quân Đoàn IV- Quân Khu 4, chúng tôi chỉ còn thỉnh thoảng liên lạc qua lại với nhau. Dù vậy vẫn còn những cái Tướng Nam làm tôi xúc động và ghi nhớ mãi. Chẳng hạn một lần nhân dịp đi qua Sư Đoàn 7, tôi ghé thăm ông. Tôi biết ông bận, nhưng ông vẫn ra tận trực thăng đón tôi. Tia mắt nhìn của ông chứa đựng tình anh em, sống chết có nhau.

    Tôi phải nói là Tướng Nam có một cá tánh rất mạnh nên tuy không còn làm việc chung với nhau, và nay thì đã xa cách hẳn, mà ông vẫn để lại cho tôi một ấn tượng thật sâu đậm. Bình thường thì trong đời sống chúng ta, dù là quân nhân hiện dịch chăng nữa, ai cũng có nhiều mối quan tâm khác nhau trong đời sống của mình. Nhưng đối với Tướng Nam tôi không hề thấy ông có quan tâm nào khác hơn là quân đội, cụ thể là đơn vị ông chỉ huy. Ngay cả vấn đề gia đình tôi cũng không bao giờ thấy ông để ý đến. Dường như đời ông sinh ra chỉ để hiến dâng cho quân đội, cho đất nước. Trách Nhiệm và Danh Dự là hai gánh nặng luôn luôn đè nặng trên vai ông. Quả thật ông là một vị tướng tài đức khó ai bì kịp.

    Nhận định đó khiến tôi không ngạc nhiên nhiều lắm khi được tin Tướng Nam tuẫn tiết vào ngày mất nước. Điều đáng nói xưa kia một vị Tướng thường chỉ tuẫn tiết khi bị địch đánh mà không giữ được thành. Nhưng chúng ta ai cũng biết việc mất nước mất thành không phải lỗi tại Tướng Nam mà do các cấp lãnh đạo quốc gia cũng như tình hình thế giới. Vậy mà Tướng Nam và vài vị Tướng khác vẫn tuẫn tiết, bởi vì không thể sống để nhìn thấy đất nước bị rơi vào tay kẻ thù. Lòng trung dũng của ông quả là cao độ. Con người ông thật đáng cho chúng ta tôn thờ. Tên tuổi ông sẽ đi vào lịch sử.





    Ông Trần Quốc Lịch nguyên là Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh năm 1972-1973.

    Đã nhiều năm phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù với cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.
    thay đổi nội dung bởi: Người Saigon, 10-13-2012 lúc 17:42

    (Both of us are victims of circumstance)

Similar Threads

  1. Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 09-08-2013, 18:03
  2. Đại Gia Tộc dòng họ Nguyễn Khoa .
    By Người Saigon in forum Truyện Ngắn - Hồi Ký
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 12-12-2012, 18:23
  3. Giỗ đầu Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam .
    By Người Saigon in forum Truyện Ngắn - Hồi Ký
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 12-02-2012, 14:26
  4. Dòng họ Nguyễn Khoa .
    By Người Saigon in forum Lịch Sử Việt Nam
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 10-02-2012, 17:28
  5. Gạo Trắng Trăng Thanh - Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết .
    By hatat in forum Nhạc Sống - Live Music
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 08-22-2011, 17:48

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •