PDA

View Full Version : Cách ngăn chặn phát triển thành bệnh đái tháo đường týp 2



PN99
12-13-2009, 21:20
Cách ngăn chặn phát triển thành bệnh đái tháo đường týp 2


Ở người lớn được chẩn đoán tiền đái tháo đường (ĐTĐ), việc thay đổi hành vi lối sống có thể phòng tránh và làm chậm quá trình bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2. Kết quả từ Chương trình Phòng chống bệnh ĐTĐ của Cơ quan về dịch vụ sức khỏe và con người Hoa Kỳ (HHS) tiến hành trên 3.000 người cho thấy giảm từ 5 - 7% kg cân nặng có thể làm giảm 58% nguy cơ bệnh tiến triển lên ĐTĐ type 2. Có thể giảm cân bằng cách ăn kiêng (giảm chất béo và lượng calo ăn vào) cũng như tập thể dục với mức độ vừa phải tối thiểu 150 phút một tuần (hầu hết những người tham gia nghiên cứu chọn đi bộ). Uống thuốc điều trị ĐTĐ gốc metformin cũng có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh lên ĐTĐ type 2 ở một số người tham gia nghiên cứu. Các thuốc điều trị ĐTĐ khác không được khuyến cáo sử dụng trong giai đoạn tiền ĐTĐ.

http://img513.imageshack.us/img513/5618/10403877.jpgHướng dẫn mới của AACE về quản lý tiền ĐTĐ

Theo một tuyên bố đồng thuận do Hội Nội tiết lâm sàng Mỹ (AACE) đưa ra ngày 23/7, quản lý tiền ĐTĐ bao gồm cả thay đổi hành vi lối sống và đặt mục tiêu điều trị huyết áp và mỡ máu như đối với người bệnh ĐTĐ. Tài liệu về Hướng dẫn thực hành nội tiết dự kiến sẽ được xuất bản vào cuối năm nay.

"Chúng ta, với tư cách là những cá nhân và với tư cách là một xã hội, cần tác động đến các nhân tố ảnh hưởng gây nên béo phì, bệnh ĐTĐ và tiền ĐTĐ", Yehuda Handlesman MD, FACP, FACE, quan chức của AACE và là Giám đốc y khoa của Học viện Nghiên cứu chuyển hóa của Mỹ đã phát biểu trong một tuyên bố mới đây. "Chúng tôi hiểu những khó khăn khi thực hiện các giải pháp đề ra nhưng với tư cách một hội nội tiết, chúng tôi cam kết hỗ trợ cộng đồng và quốc gia bằng mọi nỗ lực có thể làm được".

Hướng dẫn mới này là phác đồ điều trị tiền ĐTĐ toàn diện đầu tiên do hội đồng các chuyên gia về ĐTĐ và rối loạn chuyển hóa đưa ra. Tuyên bố đồng thuận cũng đưa ra các hướng dẫn cụ thể về thay đổi hành vi lối sống cũng như là can thiệp bằng thuốc uống vào thời điểm thích hợp.

Vì tiền ĐTĐ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tiến triển thành ĐTĐ type 2, những hướng dẫn này cũng giúp phát hiện và điều trị bệnh ĐTĐ type 2 sớm hơn và hiệu quả hơn.

Vì hiện nay chưa có phác đồ điều trị bằng thuốc nào được Cơ quan Quản lý thuốc và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) duyệt, dùng cho người mắc tiền ĐTĐ để ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2, hội đồng các chuyên gia đưa ra hướng dẫn điều trị tiền ĐTĐ bằng 2 hướng.

Mục tiêu đầu tiên là thay đổi hành vi một cách tích cực để ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ type 2, theo hướng dẫn của Chương trình Phòng chống bệnh ĐTĐ của Chính phủ Mỹ.

"Mặc dù thay đổi hành vi lối sống rõ ràng có thể ngăn ngừa bệnh tiến triển lên thành ĐTĐ nhưng đôi khi chưa đủ", Alan J. Garber, MD, PhD, FACE, Giáo sư y khoa, Trường cao đẳng Y khoa Baylor, Houston, Texas và là chủ tọa Hội nghị về đồng thuận phát biểu. "Đối với những nhóm có yếu tố nguy cơ cao, điều trị bằng thuốc có thể là cần thiết".

Mục tiêu thứ hai là ngăn ngừa biến chứng tim mạch bằng cách điều trị bằng thuốc đối với những người mắc tiền ĐTĐ mà thay đổi lối sống không hiệu quả. Ngoài thuốc hạ đường huyết, có thể phải điều trị cả thuốc hạ huyết áp, hạ mỡ máu vào thời điểm thích hợp. Những người có yếu tố nguy cơ cao với mức đường huyết chạm ngưỡng của người bệnh ĐTĐ, huyết áp cao hoặc mỡ máu cao cần theo dõi các yếu tố nguy cơ chặt chẽ hơn.

"Ở những người có yếu tố nguy cơ cao, điều trị bằng thuốc có thể phù hợp nếu việc thay đổi lối sống không hiệu quả. Dù vậy, tất cả những người có nguy cơ cao mắc ĐTĐ nên ý thức được mức độ của các yếu tố nguy cơ và luôn sẵn sàng hành động”.

Những câu hỏi cụ thể và những nhận xét xác đáng được đề cập đến trong tuyên bố đồng thuận:

Sự khác nhau giữa đường huyết bình thường, tiền ĐTĐ và ĐTĐ; dựa trên những tiêu chí nào để chẩn đoán mỗi loại?

Đường huyết được coi là bình thường khi đường huyết đói dưới 100mg/dL (5,6mmol/L) và đường huyết sau ăn 2giờ dưới 140 mg/dL (7,8mmol/L). Được chẩn đoán ĐTĐ khi đường huyết đói lớn hơn hoặc bằng 126mg/dL (7mmol/L) và đường huyết sau ăn 2giờ lớn hơn hoặc bằng 200mg/dL (11,1mmol/L); khoảng cách giữa ĐTĐ và không ĐTĐ chưa được định nghĩa rõ ràng. Ở một số người có mức đường huyết chấp chới ngưỡng (đường huyết đói trong khoảng từ 100 - 125mg/dL; đường huyết sau ăn 2giờ từ 140- 199mg/dL) cảnh báo nguy cơ có thể mắc bệnh ĐTĐ type 2, bệnh tim mạch và các biến chứng mạch máu nhỏ.

Nếu không điều trị tiền ĐTĐ, những rủi ro lâm sàng mà người bệnh có thể mắc phải là gì?

Trong nghiên cứu DECODE, nguy cơ tử vong do tất cả các nguyên nhân tăng đáng kể nếu đường huyết 2giờ sau ăn tăng từ 95 lên 200mg/dL. Trong Chương trình phòng chống bệnh ĐTĐ, khoảng 8% bệnh nhân rối loạn dung nạp đường huyết bị biến chứng võng mạc và 13% trong số họ sẽ bị mắc ĐTĐ. Nghiên cứu STOP NIDDM cho thấy nhóm chứng (placebo) với huyết áp cao (trên 140/90mmHg) và tiền sử rối loạn dung nạp glucose 3 năm làm tăng nguy cơ bị các biến cố về tim mạch khoảng 5% trong vòng 4 năm. Nghiên cứu Honolulu về tim mạch (Honolulu Heart Study) cho thấy tăng đường huyết sau ăn thường đi kèm với tăng các ca đột tử trong 23 năm nghiên cứu.



Theo Dự án quốc gia Phòng chống bệnh đái tháo đường - BV Nội tiết TW (SK&ĐS)