PDA

View Full Version : Bệnh huyết áp - Các câu hỏi thường gặp



PN99
11-19-2009, 17:16
Bệnh huyết áp - Các câu hỏi thường gặp


http://img248.imageshack.us/img248/6256/24bloodpressuretest.jpg
Câu 1: Mẹ tôi bị tăng huyết áp đã 7 năm nay, thỉnh thoảng cụ lại bị cơn tăng huyết áp ác tính (mỗi lần bác sĩ đến khám có nói lại với tôi và gia đình). Xin bác sĩ giải thích giúp cơn tăng huyết áp ác tính là gì?


Trả lời: Khi huyết áp tối đa lớn hơn hoặc bằng 220mmHg, hoặc huyết áp tối thiểu lớn hơn hoặc bằng 120mmHg được coi là tăng huyết áp ác tính. Đây là tình trạng tăng huyết áp, nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong nếu không kịp thời điều trị. Cơn tăng huyết áp ác tính thường kéo theo rất nhiều biến chứng khác xảy ra như: đau đầu dữ dội, khi đo huyết áp thường thấy rất cao, ngoài ra còn có các triệu chứng khác là khát nước, rối loạn tiêu hóa, tức ngực, các dấu hiệu suy tim, gan to. Người bệnh còn có các dấu hiệu xuất huyết dưới da, chảy máu cam; giảm thị lực, nhìn ruồi bay... Bệnh tiến triển rất nhanh thường có biến chứng ở não, ở tim như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.


Khi thấy người nhà có dấu hiệu trên, bạn nên đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, tránh căng thẳng thần kinh, không được hoạt động, đi lại, sau đó cần nhanh chóng mời bác sĩ tới xử trí.




Theo BS. Minh Hồng - Sức Khoẻ & Đời Sống


------------------------------------------



Câu 2: Tôi muốn hiến máu tình nguyện nhưng bác sĩ kiểm tra huyết áp và kết luận tôi bị huyết áp thấp. Vậy như thế nào là huyết áp thấp, huyết áp thấp có ảnh hưởng đến sức khỏe như tăng huyết áp không? Huyết áp thấp có cần điều trị không?



Trả lời: Huyết áp thấp không phải là một bệnh, mà đó chỉ là một trạng thái hay một triệu chứng gặp trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Gọi là huyết áp thấp khi huyết áp tối đa dưới 100mmHg. Chính vì huyết áp thấp chỉ là một trạng thái hay triệu chứng nên mức độ ảnh hưởng của nó tùy thuộc vào bệnh lý gây nên huyết áp thấp (ví dụ bị trụy tim mạch do mất nước, mất máu, suy tim... hay tụt huyết áp do dùng quá liều các thuốc hạ huyết áp...). Có rất nhiều người (nhất là phụ nữ) khi đo huyết áp thường xuyên thấy thấp, nhưng vẫn sinh hoạt và làm việc hoàn toàn khỏe mạnh bình thường mà không gây bất kể một biến chứng nào. Chính vì vậy, nếu bạn kiểm tra huyết áp thấp nhưng không cảm thấy có vấn đề gì về sức khỏe thì bạn yên tâm là huyết áp đó sẽ không có ảnh hưởng nguy hại gì và như vậy cũng không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu huyết áp thấp kèm theo mệt mỏi, đau tức ngực, hoặc chóng mặt thì việc điều trị là cần thiết. Tốt nhất bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 1 năm/lần để kịp thời phát hiện những bất thường.




TS. Nguyễn Đức Hải



----------------------------------------------------


Câu 3: Tôi năm nay 32 tuổi, cao 1m75 và nặng trên 80kg. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy tim đập nhanh, khó thở, đo huyết áp thấy huyết áp tối đa là 150mmHg và huyết áp tối thiểu là 100mmHg. Như vậy tôi có bị tăng huyết áp không?


Trả lời: Một người bình thường có huyết áp tâm thu dao động từ 90-140mmHg và huyết áp tâm trương dao động từ 60-90mmHg. Một người bị tăng huyết áp khi huyết áp tối đa cao hơn 140mmHg và huyết áp tối thiểu cao hơn 90mmHg. Để kết luận có đúng tăng huyết áp không bạn cần đo ngày 3 lần sáng, trưa, tối và nhớ trước khi đo phải nghỉ ngơi 10-15 phút.


Người bị tăng huyết áp nên thay đổi lối sống để phòng ngừa biến chứng và góp phần hạ huyết áp. Một số cách phòng ngừa tăng huyết áp là giảm cân. Thực hiện chế độ ăn giảm calo, giảm các chất béo bão hòa. Tăng cường các thức ăn xơ giàu carbonhydrat; các thức ăn giàu chất xơ, muối khoáng như rau quả, các loại đậu. Sử dụng thức ăn giàu chất béo không bão hòa như dầu oliu, cá, dầu cá. Uống rượu vừa phải, không quá 30ml rượu mạnh, 720ml bia hoặc 300ml rượu vang mỗi ngày. Giảm lượng muối trong thức ăn hằng ngày, hạn chế ăn đồ hộp, mắm, ruốc, cá khô. Ngừng hút thuốc là biện pháp tức thời và hiệu quả nhất để giảm nguy cơ tim mạch. Tăng cường hoạt động thể lực không những giúp hạ huyết áp mà còn làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường. Tập luyện thể lực phải thường xuyên, tăng dần, tránh đột ngột, quá mức. Chỉ cần tập thể dục 30 phút mỗi ngày là giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do tim mạch. Hiện tại bạn nặng 80kg như vậy là thừa cân mà thừa cân là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp.


Nếu bạn đã áp dụng các biện pháp thay đổi huyết áp như trên mà huyết áp vẫn chưa đạt chuẩn thì bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra huyết áp và dùng thuốc theo chỉ định



Theo Th.BS. Vũ Quỳnh Nga - Sức Khoẻ & Đời Sống



----------------------------------------------------



Câu 4: Tôi năm nay 78 tuổi, vừa qua đi khám ở Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ kết luận tôi bị “tăng huyết áp nhịp chậm xoang”. Tôi không hiểu “nhịp chậm xoang” là bệnh gì? Có phải là rối loạn nhịp tim không? Bệnh này có ảnh hưởng gì đến việc tập thể dục, đi bộ của tôi không vì tôi thường xuyên tập thể dục vào buổi sáng?


Trả lời: Tim của người đập được là nhờ một trung tâm phát ra nhịp, mỗi phút ở người bình thường (khi nghỉ ngơi) trung tâm này phát ra khoảng 70-80 nhịp. Trung tâm đó có tên gọi là nút xoang; nhịp được trung tâm này phát ra gọi là nhịp xoang.


Gọi nhịp chậm xoang khi trung tâm này phát ra nhịp nhỏ hơn 55 lần/phút. Nhịp chậm xoang cũng là một loại rối loạn nhịp tim; khi nhịp quá chậm (nhỏ hơn 30 lần/phút), bệnh nhân có thể có triệu chứng ngất xỉu do thiếu máu lên não thậm chí có thể ngừng tim gây tử vong. Nguyên nhân của nhịp chậm xoang rất nhiều (như do suy yếu nút xoang, do thuốc hay do tắc nghẽn đường dẫn truyền trong tim...), do vậy bác nên đến các trung tâm tim mạch để khám và xác định bệnh. Căn cứ vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bác, các bác sĩ sẽ có cách điều trị cũng như tư vấn trực tiếp cho bác về các phương pháp tập luyện phù hợp



TS. Nguyễn Đức Hải - Sức Khoẻ & Đời Sống



----------------------------------------------------



Hỏi: Mẹ tôi năm nay 51 tuổi, nặng 58kg, thường xuyên bị huyết áp tăng cao. Vậy ở TP.HCM có nơi nào điều trị bệnh này hiệu quả và có thể điều trị tại nhà được không?Khi huyết áp tăng cao thì có cách nào làm giảm tạm thời trước khi đưa đến bệnh viện?


Trả lời:


- Bệnh tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất và cũng thuộc loại nguy hiểm nhất vì nó có thể gây ra các biến chứng nặng (xuất huyết não, nhồi máu não, phình động mạch chủ...) và về lâu dài sẽ để lại di chứng trên rất nhiều cơ quan (suy tim, mờ mắt, suy thận, tai biến mạch máu não...).


Mặc dù hiện nay các nhà y học đã nắm được khá nhiều qui luật của bệnh và đã có trong tay rất nhiều loại thuốc hạ huyết áp công hiệu, nhưng việc kiểm soát căn bệnh này trong cộng đồng vẫn gặp nhiều khó khăn do:


- Thời gian điều trị cần thường xuyên và lâu dài nên có nhiều bệnh nhân bỏ điều trị vì tưởng đã khỏi bệnh khi thấy huyết áp về bình thường (sau khi dùng thuốc), vì chán nản phải uống thuốc quá lâu...


- Chỉ biết uống thuốc mà quên mất một khâu vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị đó là chế độ ăn uống phải giảm mặn, chế độ vận động thể dục và giữ cân nặng ở mức lý tưởng, chế độ làm việc, sinh hoạt nghỉ ngơi (tránh căng thẳng, stress).


- Bác sĩ dùng thuốc chưa đạt liều hiệu quả hoặc phối hợp thuốc không đúng cách.


Vì vậy, để điều trị tốt bệnh tăng huyết áp của mẹ bạn, bạn cần đưa mẹ đi khám bệnh và theo dõi định kỳ tại các bệnh viện có phòng khám tim mạch (BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định...) hoặc các phòng khám chuyên khoa tim mạch. Ngoài việc điều trị, các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho bạn cách theo dõi bệnh tại nhà, cách phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm và sơ cứu.


Chúc bạn thành công.



BS VŨ NGỌC HUY
Khoa tim mạch can thiệp BV Chợ Rẫy - Tuổi Trẻ