PDA

View Full Version : Chuyện một gia đình sống như ‘âm binh’ ở miền tây Thanh Hóa



PN99
07-18-2017, 14:16
Chuyện một gia đình sống như ‘âm binh’ ở miền tây Thanh Hóa



(VTC News) - Một người phụ nữ điều khiển cả gia đình sống như những "âm binh" khiến nhiều người dân ở Thành Vân (Thạch Thành - Thanh Hóa) hoang mang, sợ hãi.


Theo tin báo từ một người dân địa phương, câu chuyện này đã xảy ra cách đây gần 20 năm. Kể từ ấy đến bây giờ, người đàn bà tên Nguyễn Thị Thành (SN 1951) và chồng ông Nguyễn Văn Thái (60 tuổi) cùng 3 đứa con như sống cuộc đời của những người ở một thế giới khác.

Họ đóng cửa, cô lập, không kết giao với hàng xóm và thế giới bên ngoài. Những đứa con vốn thông minh, xinh đẹp bỗng nghe lời mẹ bỏ học giữa chừng và bắt đầu có những biểu hiện tâm thần, hoang tưởng.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712113517-4-0040255.jpg
Lối đi vào ngôi nhà của ông bà Thành - Thái. (Ảnh: Kim Thược)


Thay vì lao động sản xuất, họ bán hết tài sản để mua bát đĩa, sắt thép, bao tải, lưỡi cày về chôn dưới nền nhà. Thay bằng việc ăn cơm họ chỉ ăn hoa quả và uống nước dừa sống qua ngày. Cũng chính vì thiếu muối i ốt đứa con trai đầu của bà Thành đã bị phù nề dẫn tới tử vong. Khi tử vong cả gia đình không hay biết mà hàng ngày vẫn ngủ chung với cái xác phân hủy.

Nhiều năm nay họ cấm cửa không cho ai tiếp cận ngôi nhà mình. Nếu có người bước chân vào đến ngõ sẽ bị đuổi hoặc vác dao chém... nên hàng xóm không biết gia đình bà Thành sống chết ra sao.Ngồi trên xe, mải mê nghĩ về câu chuyện của gia đình kỳ lạ này khiến tôi cũng có chút rờn rợn đến gai người.

Bài 1: Người đàn bà bên ngôi Đền Bùi kể những chuyện rùng rợn về vùng đất dữ

Người đàn bà trong ngôi Đền Bùi

Cách đường Quốc lộ 45 khoảng 1 km, Đền Bùi nằm trong khuôn viên của Lâm trường Thành Vân. Những tấm biển chỉ dẫn chỉ có tấm bìa vẽ mũi tên đơn sơ như chính tính cách mộc mạc, chân chất của người dân lâm trường. Chưa vội vào, chúng tôi dừng xe trước một ngôi nhà nhỏ nằm ngay phía cổng đền.

Lúc này trong nhà, người đàn bà trung niên trên tay đang bế một đứa trẻ. Bà và những đứa trẻ đứng xung quanh tỏ vẻ bất ngờ khi thấy khách lạ. Sau khi biết được ý định của chúng tôi muốn tìm hiểu về gia đình ông bà Thành - Thái thì bà vội xua tay: "Không nói đâu, chuyện này không thể kể linh tinh được".


http://image.vtc.vn/resize/720x424/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanhhoa3-0036428.png
Bà Nguyễn THị Thiết - Người dân xã Thành Vân (Ảnh: Kim Thược)


Người phụ nữ này tên là Nguyễn Thị Thiết. Bà Thiết là hàng xóm nhưng cũng là họ hàng thân thiết với gia đình bà Nguyễn Thị Thành. Bà Thiết tỏ ra bí hiểm: "Tôi biết hết. Chuyện gì tôi cũng biết vì trước đây bà Thành hay tâm sự với tôi. Nhưng tôi không kể đâu. Kể ra thì lộ hết thiên cơ. Lần sau cô chú quay lại may ra tôi mới kể".


Nói chuyện một hồi tôi tỏ ra nghi ngờ người phụ nữ đứng trước mặt. Có vẻ người này cũng không được tỉnh táo. Cách nói chuyện của bà Thiết cứ nửa tỉnh nửa mê, nửa điên nửa dại. Để chắc chắn cho nhận định của mình, tôi chạy xuống bếp tìm ông Hùng chồng bà Thiết. Thế nhưng, chẳng khá khẩm hơn, ông Hùng cũng không dám trả lời như sợ sệt một điều gì đó.

Nghe câu chuyện bà Thiết kể không đầu không cuối, chúng tôi gần như rối tung và hoang mang. Leo bộ từ nhà bà Thiết ra Đền Bùi chỉ tầm 500m, chúng tôi hy vọng gặp một ai đó tỉnh táo hơn để có thể tiếp tục hỏi chuyện.

Đền Bùi nhỏ bé nhưng khang trang, sạch sẽ. Lúc này trong đền khói hương vẫn đang nghi ngút. Bà Lê Thị Dung là người trông coi Đền Bùi đã nhiều năm nay. Khác với bà Thiết, bà Dung nhanh nhẹn và hiểu chuyện hơn.


http://image.vtc.vn/resize/720x461/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanhhoa1-3-0037406.png
Căn nhà nơi vợ chồng ông Hùng, bà Thiết sinh sống. (Ảnh: Kim Thược)


Mời chúng tôi vào phía trong căn nhà cạnh đền, bà Dung kể chuyện: "Trước đây, anh chịThành - Thái là người Nga Sơn. Họ lên đây làm công nhân ở Lâm trường Thạch Thành. Cách đây khoảng vài chục năm, gia đình nhà ấy giàu nhất lâm trường này. Bà Thành có lương lại nuôi nhiều trâu, bò nhất vùng.

Không biết tự nhiên thế nào mà lại ngộ (tâm thần -PV). Ban đầu, có người thân mượn người đến lễ cho bà Thành nhưng bà ấy không đồng ý. Bao nhiêu anh em ở dưới nhà lên mượn nhưng cũng không lễ được".

Theo bà Dung, trước đây có mình bà Thành điên nhưng bây giờ lây lan sang cả nhà. Nhiều năm nay, gia đình ấy không ra ngoài, không va chạm xã hội, không sử dụng điện đóm, quanh năm suốt tháng nhà bà Thành chỉ ở trong bóng tối chứ không bao giờ ra ánh sáng. Mấy năm nay bà Dung không nhìn thấy ai ra ngoài nên không biết họ sống chết như thế nào.


http://image.vtc.vn/resize/720x484/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanhhoa1-0032394.png
Bà Lê Thị Dung - Người trông coi Đền Bùi. (Ảnh: Kim Thược)


Bà Dung tiếp tục kể: "Ngày xưa nhà bà Thành từng có một đứa con trai bị chết và họ chôn ngay sau nhà. Tôi ở gần đây nhưng mấy năm nay không nhìn thấy ai cả. Cũng không biết họ sinh hoạt ăn uống ra làm sao.

Người bên trong không thấy ra và người bên ngoài không ai dám vào. Bà ấy lệnh cho con canh gác cẩn thận, ai vào là đuổi ra. Nếu cố tình bước vào sẽ bị đuổi đánh. Nặng thì vác dao rượt còn nhẹ thì ném đá ra. Người dân cứ thấy cầm con dao là kinh lắm không dám sang".

"Lúc đầu là mua bát đĩa, mua bao, mua lốp xe..., sau đó mua cả đến xe cào cào thép 6 về để trong nhà. Chẳng biết gia đình hắn đục đẽo cái chi mà làm quần quật cả đêm không ngủ. Chỉ thấy tiếng động chứ không ai nhìn thấy gia đình làm gì trong nhà.

Từ mấy năm nay không có ai vào nên việc sống chết của họ cũng không ai biết. Anh em trong gia đình cũng không ai lên, không ai quan tâm đến. Ông chồng còn thấy người dân bảo thỉnh thoảng ra ngoài, riêng bà Thành với hai đứa con thì chưa bao giờ thấy xuất hiện ngoài đường", bà Dung cho hay.


Một vùng đất dữ


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712145859-4-0040252.jpg
Khuôn viên Đền Bùi. (Ảnh: Kim Thược)

Đứng từ Đền Bùi có thể nhìn bao quát xuống một vùng đất rộng lớn của Lâm trường Thạch Thành. Nghe cái tên Đền Bùi, nhiều người nhầm lẫn nó là ngôi đền của dòng họ Bùi nhưng không phải. Đền là do vợ chồng ông Nguyễn Minh Tiệp và bà Nguyễn Thị Hồng bỏ tiền ra xây dựng. Tuy là ngôi đền tư nhân nhưng được UBND xã Thành Vân cấp phép vì nhu cầu tâm linh của người dân trong khu vực. Dưới gốc cây Bùi, đền được xây dựng và có sắc phong thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.


Bên dải đất phía Đền Bùi, không chỉ có gia đình nhà bà Thành mà còn có rất nhiều gia đình gặp những vấn đề hết sức kỳ lạ mà chưa ai giải thích được. Theo bà Dung, những ngày mới lên đền sinh sống có một ông ở phía sau nhà bà Thành,không biết làm sao tự nhiên một đứa con trai đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị thần kinh. Thấy con bị thần kinh, ông này đột nhiên đổ hết bát nhang đi, bỏ cả lô đất ấy và đi vào sâu trong rừng ở. Giờ người con của ông này cũng đang trong bệnh viện tâm thần.

Vừa nói, tay bà Dung chỉ ra phía đầu ngõ vào đền: "Ngay cổng đền Bùi đây này. Có một nhà mọi người bình thường, nhưng bà vợ thì hâm hâm. Lắm lúc, bà ấy hâm chập và đồng bóng khiến nhiều người rất khó chịu".

Câu chuyện về dải đất kỳ lạ của bà Dung chưa dừng lại ở đó, bà tiếp tục kể: "Năm 2016, có một cậu thanh niên không biết có nỗi khổ gì mà mới cưới vợ hai được một thời gian thì cắt cổ tự vẫn. May mắn được phát hiện và đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời mới sống sót".


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712145910-6-0040295.jpg
Dòng nước đầu nguồn bắt đầu từ Đền Bùi. (Ảnh: Kim Thược)


Cũng trong năm 2016, bà Dung còn nhớ như in một chuyện nữa vì xảy ra ở ngay chính ngôi Đền Bùi này. Theo bà Dung: "Đó là thứ 7, ngày 6 tháng 10 Âm lịch, khi tôi đang nấu cơm thì có một thanh niên đến đền để lễ. Tại đền lúc này cũng có một cậu thanh niên nữa có họ hàng với nhà tôi đang ở đây.

Bình thường hai người quen biết nhau và cũng không có xích mích gì. Hôm đó, chẳng biết hai bên ghen nhau thế nào mà họ lại đổ lọ ớt vào mặt nhau rồi rút kéo đâm nhau giữa sân đền.Sau đó, một người đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Người còn lại sống sót, cách đây 6 tháng mới bị tòa án lưu động xử ở UBND xã Thành Vân".

Bà Dung còn kể rất nhiều những câu chuyện lạ lùng khác ở dải đất này. Nào là trường hợp con giết cha, cha giết con... Họ đều là những người bình thường rồi bất ngờ có những biểu hiện kỳ lạ khiến hàng xóm, người thân không kịp trở tay. Nếu đứng trên Đền Bùi có thể nhìn bao quát được xuống nóc nhà của từng gia đình kỳ lạ đó.

Chúng tôi ngỏ lời muốn được bà Dung dẫn vào thăm gia đình nhà bà Nguyễn Thị Thành nhưng bị từ chối. Bà Dung cho rằng mình chưa quen thân với gia đình bà Thành nên sợ không dám tiếp cận. Bà cũng khuyên chúng tôi không nên mạo hiểm vào đó. Khả năng những người trong nhà bà Thành đuổi đánh người lạ là rất cao.

Suy nghĩ một hồi bà Dung bày cho chúng tôi một cách: "Muốn vào gia đình nhà bà Thành tốt nhất là tới gặp vợ chồng nhà Dung - Hồ. Ông Hồ mới lên làm Giám đốc Lâm trường Thạch Thành và rất tốt tính. Vợ chồng nhà ông bà Dung - Hồ ở gần nên thường xuyên quan tâm, chăm sóc và biết rõ nhất về hoàn cảnh gia đình họ. Có thể, vì tình nghĩa đó gia đình bà Thành mới không "manh động" đối với người đi cùng".

Nghe lời bà Dung, chúng tôi đã ngay lập tức liên hệ với gia đình ông Giám đốc Lâm trường Thạch Thành. Và cuộc gặp gỡ của chúng tôi với hai con người đứng đầu Lâm trường Thạch Thành phần nào mở ra câu chuyện kỳ bí về người phụ nữ có "quyền năng" đày đọa cả gia đình sống như "âm binh" gần 20 năm trời giữa chốn rừng thiêng nước độc.

Còn nữa...

PN99
07-18-2017, 14:46
Tận mắt những chuyện kỳ dị chưa từng có trong ngôi nhà lạ lùng ở Thanh Hóa



(VTC News) - Một người phụ nữ điều khiển cả gia đình sống như những "âm binh" khiến nhiều người dân ở Thành Vân (Thạch Thành - Thanh Hóa) hoang mang, sợ hãi.



Kỳ 2: Tiếp cận "ngôi nhà âm binh"


Những lần tiếp cận thất bại


Trời vừa đổ cơn mưa rào nên ngõ ướt nhẹp và lầy lội. Không thể đi giày nên chúng tôi đành phải đi chân đất lội bộ vào trong. Vừa đặt chân xuống đất đã bị gai rừng đâm đau buốt. Thỉnh thoảng, những vũng nước lớn còn có cả mảnh sành, nếu không cẩn thận là rách chân.

Đi bộ khoảng 100m chúng tôi quan sát thấy một nóc nhà mái lá ẩn dưới những bụi cây um tùm. Xung quanh tối tăm, cô tịch đến mức chúng tôi có thể cảm nhận rõ từng tiếng muỗi vo ve sau những đám lá rừng.

"Dừng lại hay đi tiếp?", bất giác người đồng nghiệp phía sau hỏi tôi.

"Đi tiếp nhưng không đi thẳng. Chúng ta sẽ vòng ra phía sau nhà để quan sát, tránh tình trạng bứt dây động rừng. Nếu họ biết người lạ đột nhập sẽ rất khó cho chúng ta tiếp cận lần sau", đồng nghiệp bảo. Vậy là chúng tôi thống nhất phương án không đi thẳng vào nhà mà chỉ lặng lẽ quan sát từ xa.

Quả thật, nếu không bước vào chúng tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài cái nóc nhà thấp lè tè. Bên trong có người hay không và họ đang làm gì đối với chúng tôi vẫn là một dấu hỏi lớn. Sự bí ẩn và câu chuyện của gia đình họ càng thôi thúc chúng tôi phải tiếp cận ngôi nhà này bằng được.


http://image.vtc.vn/resize/720x435/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanh-hoa-5-1552072.png
Ngõ chính vào nhà bà Thành lầy lội và nhiều gai góc chắn lối. (Ảnh: Kim Thược)


Thế nhưng, liệu ông bà Dung - Hồ có dám đưa chúng tôi đi vào? Nghe đâu, mới đây có 5 thanh niên sửa điện bất ngờ xông vào đã bị hai người con của bà Thành vác dao đuổi chạy chối chết. Nghĩ đến đây tôi lại hoang mang, lo sợ. Họ là những người không bình thường nên mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Vừa ra đến ngõ, chúng tôi gặp được bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành đi làm về tới. Đi cùng bà Dung lúc này còn có hai cán bộ kiểm lâm, công an và ông Chủ tịch UBND xã Thành Vân.

Có nhiều người, bà Dung tỏ ra mạnh mẽ: "Nào, cô ngồi lên đây tôi chở cô vào bên trong". Nói rồi bà Dung quay chiếc xe máy lao thẳng vào phía bên trong con đường tối om.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712171332-4-1556155.jpg
Chị Nguyễn Thị Thanh - Con gái đầu của bà Thành ra chặn đường khi thấy có người vào nhà mình. (Ảnh: Kim Thược)


Bóng một người mặc áo bay lướt nhanh qua nóc căn chòi lá thấp lè tè trước mặt. Tôi không kịp định thần xem đó là một người đàn ông hay phụ nữ. Chỉ thấy tiếng quát "Dừng lại!" khiến bà Dung giật bắn mình. Còn tôi chỉ kịp phản xạ bằng cách cất tiếng chào: "Em chào anh ạ!". Bà Dung nhắc nhở: "Chị chứ không phải anh".

Cái bóng áo bay lúc nãy lại vòng ngược lại trước mắt tôi. Lúc này, tôi mới để ý thấy rõ hình ảnh người đứng trước mặt mình.

Bà Dung giọng có vẻ gấp gáp: "Dì Dung đây! Thấy mẹ bảo cho dì vào đây rồi".

"Không, vẫn chưa vô được", người mặc áo bay nói lý nhí trong cổ họng.

"Mà ai cho hắn quay phim. Không phải quay. Để ma hắn ghét cho là không ra gì đâu. Hắn phạt cho đấy!", người phụ nữ mặc áo bay buông lời đe dọa khi nhìn thấy tôi cầm máy quay trên tay.

Bà Dung tiếp tục hỏi: "Bố đâu rồi Thanh? Có ai trong nhà không cho dì vào gặp mẹ một lát thôi?".

Lúc này tôi mới biết đây là chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1980), con gái cả của bà Thành.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712175616-4-1556174.jpg
Căn chòi lá của gia đình bà Nguyễn Thị Thành. (Ảnh: Kim Thược)


Nhắc chúng tôi rời khỏi mảnh đất này năm lần bảy lượt không được Thanh như nổi điên: "Tất cả đi ra hết đi. Dì cũng không được vào, không ai được vào đây cả. Dì đừng có hỏi nữa. Dì đưa người ta quay lại đi. Dì nghe cháu nói là được còn gì nữa. Nếu nghe lời chấp hành thì đi ra khỏi đây đi. Đừng để đến khi phải tức giận lên".


Thấy Thanh có vẻ nổi cáu nên bà Dung ngậm ngùi khuyên chúng tôi quay quay lại. Lúc này, phía công an và ông Chủ tịch xã Thành Vân vẫn còn đứng bên ngoài. Ông Vũ Đình Mười - Phó trưởng công an xã Thành Vân phân trần: "Không phải chính quyền địa phương ở đây không quan tâm đến họ. Chúng tôi muốn quan tâm cũng không được. Mỗi lần chúng tôi đến họ lại đuổi về.

Cách đây hơn chục năm, khi nghe tin đứa con thứ 2 nhà bà Thành mất, chính quyền và bà con nhân dân cũng tới thăm. Công an huyện cũng về làm việc nhưng họ nhất quyết không đưa con ra nghĩa trang mà chôn lại trong vườn nhà. Dù không vào bên trong nhưng chúng tôi vẫn phải để ý xem quân số thế nào. Thiếu người nào là chúng tôi sẽ lập tức đến ngay".


Cả gia đình nằm chung với xác chết

Ngồi trong căn nhà khang trang giữa nông trường cây trái rộng hơn 10ha, ông bà Dung - Hồ rất thoái mái khi trò chuyện với chúng tôi. Ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành là người có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này nên hiểu rõ nhất nguồn cơn câu chuyện.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712175619-6-1556204.jpg
Họ dựng mấy chục căn chỏi lá thất lè tè như thế này trong vườn nhà. (Ảnh: Kim Thược)


Ông Hồ kể lại: "Trước đây, khi hai cô chú Thành - Thái nghỉ hưu tôi đã cho một chuyến xe để chở toàn bộ tài sản gia đình về quê dưới Nga Sơn rồi. Hộ khẩu gia đình họ đã chuyển về Nga Sơn nhưng họ không về mà quyết tâm ở lại đây lập nghiệp".

"Bình thường, người bán trâu bò đi vì thiếu tiền sinh hoạt, hoặc bỏ ngân hàng tiết kiệm. Nhưng lạ là gia đình nhà bà Thành lại đi mua bát về để úp xuống nền nhà. Sau một thời gian, khi các cửa hàng không bán bát đĩa cho gia đình nhà bà Thành nữa thì lại đi mua những cái lốp xe về đốt, lấy những sợi thép cuốn thành những con chỉ rồi bỏ xuống giếng.

Mấy năm nay, thực tế chúng tôi xuống thăm hỏi đưa quà tết thì bà Thành không nhận. Hàng tháng, ông Thái vẫn cứ đi về Nga Sơn để lấy lương bình thường. Gia đình cứ sống độc lập chứ không quan hệ với hàng xóm, cộng đồng. Ông chồng ra đường, gặp mọi người vẫn chào hỏi còn vợ với hai đứa con thì tuyệt nhiên không thấy xuất hiện.


http://image.vtc.vn/resize/720x411/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanhhoa6-9-1605219.png
Ông Vũ Đình Mười - Phó trưởng công an xã Thành Vân có mặt tại vườn nhà bà Nguyễn Thị Thành. (ẢNh: Kim Thược)


Ngày trước, cây cối chưa um tùm như bây giờ, thỉnh thoảng người ta còn nhìn thấy bà Thành làng vảng trong khu vực hiên nhà. Dần dà, cuộc sống cô lập khiến cỏ mọc um tùm, gai đâm khắp lối thì không ai nhìn thấy bà Thành nữa. Muốn quan tâm qua hỏi thì bị người ta vác dao đuổi. Sức khỏe của bà Thành thế nào hàng xóm cũng chỉ nắm bắt được qua ông chồng.

Sự việc xảy ra từ năm 2001, đến nay cũng đã 17 năm. Nghe ông chồng kể, bà Thành hàng ngày chỉ uống nước dừa và ăn chay. Chuyện này là quá kỳ lạ. Kỳ lạ đến mức độ không thể tin nổi. Trước đây, khi là công nhân bà ấy rất khôn lanh, tự dưng bà ấy bị như vậy ai mà tin cho được".

Tiếp tục câu chuyện của ông Hồ, bà Dung tiếp lời: "Thời kỳ mới bị, tự dưng bà ấy lên nhà tôi và nói rằng: Dì Dung ơi. Tôi tới đây là phải làm việc Thánh. Tôi hẹn dì đến năm 2010 khi tôi hoàn thiện việc Thánh và sẽ cho dì là người đầu tiên gặp mặt. Chú dì cứ cố gắng giúp người nghèo đi rồi sẽ có phúc".


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/17/img20170712113631-1556100.jpg
Tất cả các lối đi vào nhà đều bị rào. (Ảnh: Kim Thược)


Thấy phán như vậy, bà Dung chỉ nghĩ đơn giản là bà Thành muốn học đòi làm thầy đồng cốt. Khi bán một đàn trâu bò đi được tất thảy 13 triệu cũng chưa có biểu hiện ngộ hay dại. Sau đó bà thấy cả gia đình dùng xe đạp chở từng thùng bát to về bà Dung mới hỏi. Lúc này bà Thành trả lời: "Tôi đang làm việc Thánh nên dì đừng có hỏi nhiều".


Hiểu chuyện, bà Dung xuống các đại lý bán bát đĩa và can thiệp ngay là không được bán bát đĩa cho vợ chồng nhà Thành - Thái nữa. Mua bát không được gia đình lại chuyển qua mua lưỡi cày. Mua lưỡi cày về trồng thành những cái cây cao vút. Khi được hỏi thì bà Thành bảo "làm thế để thu tín hiệu từ năm châu".

Sau khi không ai bán lưỡi cày cho nữa thì lại chuyển sang thu gom lốp xe và bao bì. Việc mua bao bì cũng rất kỳ công. Mấy mẹ con ngồi gỡ từng sợi ra, cuộn thành dây thừng, rồi tiếp tục cuộn tròn lại to như những chiếc trống cái.


http://image.vtc.vn/resize/720x445/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanhhoa8-10-1613401.png
Bà Nguyễn Thị Dung - Bí thư chi bộ, BQL rừng Thành Vân - Lâm trường Thạch Thành. (Ảnh: Kim Thược)


Khi vợ chồng bà Dung ở gần và thấy lạ có mời bố và cậu của bà Thành dưới Nga Sơn lên để tìm hướng giải quyết xem có phải vấn đề ma quỷ hay không, bởi nếu mà là ma quỷ hành như lời đồn đại thì mượn thầy về làm lễ.

Bà Dung tỏ vẻ thất vọng: "Tối hôm đấy ông bố cũng nhất trí rồi nhưng không hiểu sao sau một đêm ngủ lại nhà bà Thành lại thay đổi ý kiến. Sáng hôm sau ông bố nói chuyện rằng: Tôi thấy hắn làm được đó, tối hôm qua tôi cũng ngồi làm cùng vợ chồng và các con hắn.

Dần dần, những người thân như ông, bà, cô, dì, chú. bác, anh em... nhà ấy có lên đây, ban đầu ai cũng quyết tâm đưa họ về đi bệnh viện nhưng cứ sau một đêm ở lại là đổi ý. Thậm chí, có người còn ở lại tham gia làm cùng. Ba đứa con dạo đó quỳ gối đào đất chôn bát, chôn sắt nhiều đến mức sưng phồng hai chân. Không hiểu sao bà ấy lại có thể sai khiến, đầy đọa chúng nó làm những việc kỳ lạ như vậy".


http://image.vtc.vn/resize/720x473/files/hoang.thuoc/2017/07/17/thanhhoa88-10-1613401.png
Ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành. (Ảnh: Kim Thược)


Nhưng chuyện kỳ lạ nhất là việc đứa con thứ hai chết nhưng họ không hề hay biết. Hàng xóm không thấy cậu con thứ hai tên Tâm của hai ông bà đâu, hỏi thì bảo cháu đang ngủ. Đến khi có mùi hôi thối bốc ra từ căn nhà, người dân mới biết cậu ta đã chết. Vậy mà hàng ngày bốn mẹ con vẫn nằm ôm nhau ngủ chung giường.


Sau khi phát hiện, hàng xóm có vận động bà con đến thăm thì gia đình này không cho thăm viếng. Họ bảo không được phiền vì con họ đang ngủ. Khi chính quyền lên làm việc thì họ đã chôn xác con ngay sau tường nhà.

Ngày chưa xảy ra vụ việc, mấy đứa trẻ nhà Thành - Thái học rất giỏi. Thanh là chị cả, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của trường phổ thông. Bởi vậy, thời kỳ đầu khi thấy Thanh bỏ học theo mẹ làm những việc kỳ lạ, cô giáo chủ nhiệm có ra thăm.

Khi nói chuyện với cô giáo Thanh bảo: "Cô có đi khắp nước Nam thì cũng không thấy gia đình nào giống gia đình nhà em. Cái việc này chỉ có gia đình nhà em lo được thôi chứ không ai lo được cho nhà em cả. Cô về đi".

Cũng kể từ sau cái chết của Tâm thì không ai dám bén bảng tới gần khu nhà ấy nữa. Khu nhà bà Thành dần hoang vu và trở nên huyền bí, xa lạ hơn đối với tất cả người dân địa phương ở đây.

Còn tiếp...



KIM THƯỢC HOÀNG
VTC

AnBinh
07-18-2017, 14:51
Ly kỳ như tiểu thuyết "đường rừng..." Mong được đọc tiếp.

nguacon
07-18-2017, 16:50
"Khám Phá trong Quán Nhậu" thì không thể có gì ly kỳ hơn :42:
...
...

Còn nữa...
Còn tiếp...
...
Chưa hết :39:

PN99
07-22-2017, 20:36
Đi tìm nguyên nhân khiến người đàn bà ép gia đình sống như 'âm binh' ở Thanh Hóa



(VTC News) - Từ ngày gia đình bà Nguyễn Thị Thành (Thành Vân - Thạch Thành - Thanh Hóa) sống cô lập và có nhiều biểu hiện kỳ lạ, những hàng xóm xung quanh đồn đoán rất nhiều nguyên nhân.


Kỳ 3 (kỳ cuối): Giáp mặt "âm binh"


Chưa kết thúc câu chuyện, ông Hồ vội vã dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà. "Ai, ai dám đi theo tôi sang bên đó nào?", ông Hồ cất lời hỏi lại chúng tôi.

Ngồi phía sau xe máy, ông Hồ tâm sự: "Trước đây, chúng tôi có lừa bà ấy đi bệnh viện tâm thần nhưng bà ấy không chịu và đòi về. Có mua thuốc về bà ấy cũng không uống và cất đi. Đến khi chết mất một đứa con mà vẫn không chịu tỉnh táo ra".

Đến ngõ, ông Hồ không xuống mà lao thẳng xe vào cổng nhà bà Thành. Lúc này, thấy có người quay lại, chị Thanh lại chạy ra ngăn cản. Thông thường, khi gặp vợ chồng ông Hồ, chị Thanh có chút e ngại. Dù rất khó chịu nhưng chị Thanh vẫn không dám manh động với ông Hồ.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/18/img20170712175631-10-2030303.jpg
Ông Hồ xông thẳng vào phía căn nhà của bà Nguyễn Thị Thành. (Ảnh: Kim Thược)

Sau khi ngăn cản không được, chị Thanh chạy vào gọi cậu em ra ứng cứu. Lúc này, tạnh hẳn cơn mưa, trời sáng hơn tôi mới nhìn rõ khuôn mặt của họ. Hai người ăn mặc giống hệt như nhau, diện bộ quần áo bay rách rưới vá tứ tung. Trên đầu, mỗi người đội một chiếc mũ áo mưa được đan thủ công. Nhìn họ rất giống với lính tốt thời kỳ phong kiến.

Ông Hồ nói: "Sao cháu lại ăn mặc như thế này? Giống với âm binh vậy? Cháu là học sinh giỏi mà không biết khuyên răn cha mẹ làm việc đúng. Cháu xem bây giờ có ai sống như vậy không?".

"Học giỏi là chuyện của ngày xưa rồi. Bây giờ cháu đã khác. Chuyện cũ cho qua đi. Chú giờ cũng thay đổi rồi. Chú từ bảo vệ mà lên làm sếp đấy thôi. Người giàu là thay đổi rồi, cần gì quan tâm đến nhà cháu nữa", lời lẽ của chị Thanh, một người ngu ngơ nhưng rất đanh thép khi trả lời ông Hồ.

Khuyên ông Hồ không được, lúc này hai chị em Thanh áp sát lôi ông Hồ ra ngoài. Họ cầm theo hai cây gậy nên chúng tôi chưa dám đến gần. Chỉ đến khi ông Hồ lọt được vào bên trong sân, đứng sát vách nhà chúng tôi mới dám lên tiếng.



http://image.vtc.vn/resize/720x959/files/hoang.thuoc/2017/07/18/img20170712181004-3-2029258.jpg
Hai chị em Nguyễn Thị Thanh và Nguyễn Văn Toàn cầm gậy ra ngăn cản ông Hồ vào nhà. (Ảnh: Kim Thược)

Khi biết chúng tôi là nhà báo, cậu con trai út nhà bà Thanh mới bắt đầu lý sự: "Báo chí thì đến nơi nghèo hèn này làm chi. Không có quay linh tinh kẻo thần linh ở đây lại nổi giận. Có ăn có học thì nghe lời tôi ra khỏi đây đi".

Trong lúc ông Hồ tìm cách đánh lạc hướng hai đứa con của bà Thành, chúng tôi tranh thủ quan sát kiến trúc kì lạ của ngôi nhà. Giữa đồi cây um tùm, ngoài ngôi nhà lợp mái tôn mà cả gia đình bà Thành đang ở họ còn dựng hàng chục ngôi nhà lá xung quanh.

Những ngôi nhà này thấp đến mức đứa trẻ con cũng không thể chui vào đó được. Bên trong mỗi ngôi nhà được chăng mắc các loại dây thép. Điều đặc biệt là một chiếc gậy có hai chiếc răng được đặt ở giữa. Tôi không hiểu với họ những vật này có ý nghĩa như thế nào nhưng kể cả chiếc gậy trên tay họ cũng có hình thù tương tự như thế.



http://image.vtc.vn/resize/720x421/files/hoang.thuoc/2017/07/18/thanhhoa10-13-2041269.png
Những dây thép vây xung quanh nhà. (Ảnh: Kim Thược)

Ở đây, nếu bước không cẩn thận sẽ bị vấp ngã bởi hệ thống sắt 6 vây kín nhà.

Ngoài ớt, gia đình bà Thành có trồng thêm sắn và giàn mướp. Tôi cũng quan sát thấy có vài con gà choai choai đang chạy trong vườn. Có lẽ, đây chính là thực phẩm phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của họ. Nhưng giàn mướp ở đây cũng rất lạ. Tất cả những que làm giàn đều bị cắm ngược. Tức là, phần gốc lên trên và phần ngọn cắm xuống đất.

Tôi có hỏi cậu con trai tên Nguyễn văn Toản xem tại sao lại làm những chuyện lạ như vậy. Ban đầu cậu ta im lặng nhưng một lát sau cũng lí nhí trả lời: "Có nguyên nhân mới làm như vậy. Giải thích chị cũng không hiểu".

Tôi lại tiếp tục hỏi: "Thế mộ anh Tân chôn ở đâu?". Lúc này, vẻ mặt Toàn trầm xuống, im lặng và tiếp tục lầm lì không nói.

Tôi đứng ngay cạnh một cái "cột" khá lớn, được dựng bằng hàng trăm cái lưỡi cày. Thậm chí, chiếc "cột" còn được dựng cao hơn những cây xoan cổ thụ trong vườn.

"Đấy, ngày xưa chú sang cây xoan bé tí tẹo, giờ cây đã lớn như thế này rồi. Vậy mà mẹ con các cháu vẫn u mê như vậy, không chịu tỉnh táo ra. Hai đứa nghe lời thì cho chú vào gặp khuyên răn mẹ. Các cháu không muốn lấy vợ, lấy chồng để nối dõi tông đường à? Phải để hai đứa sống khác đi chứ không khốn khổ như thế này được".



http://image.vtc.vn/resize/720x959/files/hoang.thuoc/2017/07/18/img20170712181033-4-2029369.jpg
Cây cột được kết từ những chiếc lưỡi cày. (Ảnh: Kim Thược)

Nghe thấy giọng ông Hồ hùng hồn ngoài sân, lúc này bà Thành trong nhà mới chịu lên tiếng: "Chú Hồ về đi. Việc nhà tôi chú không thể biết được. Chú đừng để tôi tức giận mất hay. Chú đưa người của chú ra khỏi nhà tôi đi. Việc nhà tôi chúng tôi tự lo liệu được".


Ông Hồ phải khích tướng mãi thì bà Thành mới chịu lên tiếng. Bà Thành lên tiếng thì ông cũng mới biết được bà còn sống hay đã chết. Mười mấy năm nay không ai nghìn thấy, nghe thấy tiếng của bà Thành nên ông lo sợ không biết bà sống chết thế nào. Sợ như cậu Tâm, chết rồi mà người nhà và hàng xóm không ai hay biết.

Ông Hồ quay sang hỏi chị Thanh: "Thế bố đi đâu rồi? Để chú vào nói chuyện với bố nhé!".

Chờ mãi vẫn không thấy ông Thái lên tiếng, chị Thanh trả lời: "Bố cháu không có nhà, bố đi vắng rồi. Ông đi về quê lấy lương".

Lúc này, người phụ nữ phía bên trong ngôi nhà tiếp tục nói vọng ra giọng gay gắt: "Đi ra khỏi nhà tôi ngay. Đừng để tôi phải nổi giận".

Ông Hồ mềm mỏng hơn: "Tôi lo cho mẹ con cô nên sang hỏi thăm thôi. Biết cô còn khỏe mạnh là tôi vui rồi. Cô hứa năm 2010 sẽ gặp vợ chồng tôi mà sao đến bây giờ vẫn chưa chịu gặp. Hôm nay tôi về, hôm khác tôi lại sang".


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/18/img20170712181047-8-20294210.jpg
Một trong những ngôi nhà đựng dây thép của gia đình bà Thành. (Ảnh: Kim Thược)

Trước khi ra về, tôi chìa tay ra bắt tay hai chị em Thanh, Toàn nhưng họ vội vàng rụt tay lại. "Bắt tay làm chi. Người nghèo hèn không bắt tay với người giàu. Tay chúng tôi bẩn lại hỏng tay cô. Thôi cô về đi, đừng quay lại đây nữa", Thanh nói vẻ giận dỗi nhưng giọng vẫn đúng chất của một sinh giỏi Văn ngày ấy, ông Hồ nhận định như vậy.

Đi tìm nguyên nhân khiến cả gia đình mắc chứng hoang tưởng

Lần này quay lại nhà ông Hồ, bà Dung tiếp tục kể chuyện: "Khi thằng Tâm mất, có một ông thầy số vào bảo với tôi rằng, cái nhà này rồi dần dần chết hết không còn một ai. Nhưng cứ ai vào đến đấy là không thể vào nổi, kể cả cơ quan chức năng. Ông ấy nói như vậy bọn tôi cũng không tin nhưng cũng không lý giải được".

Theo lời bà Dung, từ năm 2001 đến giờ bà Thành chỉ uống nước dừa. Có mua trứng để cúng, nhưng cúng xong thì đem ra vườn rải. Bọn trẻ con chăn trâu ngày xưa vẫn nhặt được trứng trong vườn nhà bà Thành để ăn. Công đoàn Lâm trường Thạch Thành rất quan tâm, Tết năm nào các khối đoàn thể cũng mang quà tới thăm nhưng cứ xách đi lại xách về vì bà Thành không nhận. Chính quyền cũng rất muốn quan tâm nhưng hiện tại chưa có giải pháp nào có thể giúp đỡ gia đình này.



http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/18/img20170712175621-11-2037228.jpg
Hàng chục ngôi nhà thấp lè tè như thế này được dựng xung quanh vườn. (Ảnh: Kim Thược)

"Bởi vì người ta không gây khó khăn cho hàng xóm, không tuyên tuyền mê tín dị đoan, nên không thể can thiệp được. Thậm chí, cái việc nhà bà ấy làm còn giấu không cho ai biết. May là ông bà ấy có lương chứ không lao động sản xuất thì lấy gì ra để ăn. Hiện tại, hai ông bà được trên 7 triệu tiền lương/tháng", bà Dung nói.

Ban đầu, ông Thái còn lên đây nhờ vợ chồng bà Dung: "Chú dì ơi, nhà tôi bị như vậy thì giúp xem thế nào". Bà Dung khuyên ông ấy: "Anh phải cứng rắn lên. Chị mà như thế anh cũng xuôi chiều nữa là hỏng hết".

"Nhưng mà ông Thái cứ nhận lời ở đây thì tối về nhà ông ấy lại nghe vợ. Con ba đứa đang đi học cũng tự nhiên bỏ. Ngày xưa con Thanh học chuyên Văn nên hắn nói chuyện rất hay. Thằng Tâm, thằng Toàn nhìn sáng sủa, khôi ngô, tuấn tú...", bà Dung kể.


http://image.vtc.vn/resize/720x492/files/hoang.thuoc/2017/07/18/thanhhoa9-12-2041214.png
Ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Thành Vân. (Ảnh: Kim Thược)

Nói về nguyên nhân dẫn đến nguồn cơn của sự việc, bà Dung cho biết: "Ngày xưa bà Thành cũng có đi đền, đi chùa. Có người nói rằng do mê tín mù quáng nên bà Thành mới ra nông nỗi này nhưng theo tôi là không phải. Cũng có người nói rằng, ngày còn trẻ bà Thành đắc tội với một chàng trai người dân tộc, bị người này bỏ bùa mê nên mới thành ra ngộ dại. Thế nhưng, nguyên nhân được người dân ở đây hay đồn đoán nhiều nhất vẫn là nguồn nước ở dải đất này. Bởi không chỉ có gia đình bà Thành, nhiều gia đình khác cũng có người điên loạn như vậy. Có điều, nhà bà Thành là nặng nhất".

Còn một chuyện nữa mà người dân ở đây vẫn đồn đoán và truyền tai nhau chứ không ai dám nói ra ngoài. Đó là, nguồn nước sinh hoạt của người dân ở đây bắt nguồn từ Đền Bùi. Bởi vì công trình vệ sinh nhà bà Thành nằm ngay bên nguồn nước gây ô nhiễm vệ sinh nên bị các "quan phạt". Kể từ ngày gia đình bà Thành sống kỳ lạ như vậy, hàng trăm lý do được người dân đưa ra nhưng chưa ai có thể lý giải được chính xác nguyên nhân.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình bà Thành ở Nga Sơn cũng không ai có biểu hiện của bệnh tâm thần. Bởi vậy, cũng rất khó để nói về sự di truyền.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/18/img20170712145910-13-2041242.jpg
Nguồn nước bắt đầu từ Đền Bùi. (Ảnh: Kim Thược)

Để tìm hiểu câu chuyện về gia đình kỳ lạ, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Thành Vân. Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch xã Thành Vân cho hay: "Gia đình bà Thành, ông Thái đã chuyển khẩu về Nga Sơn hơn chục năm nay. Họ là người thuộc quản lý của Lâm trường Thạch Thành nên chúng tôi cũng không có chức năng quản lý về mặt hành chính.


Bởi vì họ cư trú ở địa phương nên chúng tôi chỉ quản lý về mặt tạm trú tạm vắng. Những biểu hiện lạ lùng của họ chúng tôi đều biết nhưng không có cách xử lý. Bởi vì gia đình họ không có mong muốn, không có nhu cầu nên chúng tôi rất khó giải quyết cho hợp tình hợp lý".

Theo ông Dũng: "Có giai đoạn UBND xã Thành Vân cho mắc điện miễn phí nhưng họ không đồng ý. Bà Thành bảo rằng 'tôi mà dùng điện thì tự các người đang hại gia đình tôi, giết gia đình tôi, chập cháy đốt nhà lúc nào không biết'. Bởi vậy, không ai dám làm hết".

"Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn xuống thăm nhưng bị con bà Thành ngăn cản không cho vào. Chúng tôi có tặng quà thì họ mang trả lại. Để đảm bảo an ninh, chúng tôi vẫn cho người thường xuyên quan sát xem có vấn đề gì xảy ra hay không. Gia đình họ kỳ lạ nhưng không làm ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh nên không thể làm gì họ được. Chúng tôi không đủ thẩm quyền để bắt họ phải vào bệnh viện tâm thần chữa bệnh nếu gia đình họ không muốn", ông Dũng nói.

Chúng tôi rời UBND xã Thành Vân khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Cơn mưa chiều chưa dứt mà dường như còn nặng hạt hơn. Nếu không về đây, không được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những con người này có lẽ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tin câu chuyện đó là có thật. Nó hoang đường đến mức chính những người hàng xóm xung quanh, những người sống cùng họ hơn nửa đời người vẫn bàng hoàng mỗi khi kể lại câu chuyện. Có thể, gia đình bà Thành đang chìm trong cơn điên cuồng về một thế giới ma mị ảo giác nào đó nhưng rõ ràng cuộc sống kia là khốn khổ và vô nghĩa. Họ vẫn cần sự giúp đỡ từ cộng đồng để đi qua cơn mê muội và bóng đêm dày đặc này.



KIM THƯỢC HOÀNG

PN99
07-22-2017, 20:56
Người thân hé lộ nguyên nhân 'gia đình âm binh' sống ẩn dật kỳ lạ ở Thanh Hóa




(VTC News) - Chiều 21/7, lãnh đạo huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) đã thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thành, gần 20 năm sống tách biệt với thế giới bên ngoài.



Cột lưỡi cày thứ 2 ở Thanh Hóa

Sáng 21/7, sau rất nhiều công sức tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng liên lạc được với những người thân trong gia đình ông Mai Văn Thái và bà Nguyễn Thị Thành ở Thành Trung (Nga Thành, Nga Sơn, Thanh Hóa).


Khi thấy người lạ bước vào căn nhà cũ kĩ, bà cụ nằm ở trên giường ú ớ mãi mới thành tiếng: "Thái ơi! Thái ơi! Con về đấy hả con? Con tôi về đấy ư?". Thì ra, cụ bà đang mừng vì nghĩ là cậu con trai về thăm mình.

Bà cụ tên Ngô Thị Hoản (SN1923), mẹ đẻ của ông Thái. Từ ngày ông bà Thành - Thái sống tách biệt với gia đình, cộng đồng đã mười mấy năm bà cụ luôn trông chờ con cháu tỉnh ngộ để quay về Nga Sơn sinh sống.

Thế nhưng, năm nay dù cụ Hoản đã ở cái tuổi gần đất xa trời, gia đình ông bà Thành Thái vẫn cứ u mê và sống trong tăm tối. Sau khi nghe anh đồng nghiệp của tôi giải thích: "Anh Thái chưa về đâu bà ạ!", tiếng cụ bà vẫn cứ ú ớ trong cổ họng: "Con à, con về đấy à!" nghe mà xót xa.



http://image.vtc.vn/files/hoang.thuoc/2017/07/21/thanhhoa14-6-2345027.png
Cụ bà Ngô Thị Hoản - Mẹ đẻ ông Thái.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, em gái của ông Thái, một năm ông Thái về Nga Sơn có ba lần. Ba, bốn tháng mới về lấy lương một lần nhưng rồi đi rất chóng vánh. Trước khi đi ông Thái thường biếu bà cụ 100 ngàn đồng mua sữa uống.


Có một điều kỳ lạ ở ông Thái mỗi lần về quê, được bà Tình nhắc lại: "Tôi thấy ông Thái cuốn thép xung quanh người. Tôi bảo bỏ ra cho khỏi đau thì ông nói phải quấn để ma tà khỏi theo anh lên Thạch Thành".

Được biết, không chỉ đeo thép, về nhà ông Thành vẫn đội mũ rơm, quần áo bay giống hệt hai người con. Mới đầu, người nhà không biết ông ấy quấn thép trong người. Chỉ đến khi nó lòng thòng ở cổ tay gia đình mới nhìn thấy. Trong mũ rơm ông Thái đội cũng có dây thép.

Khi được mọi người khuyên răn: "Về đây, ông bỏ dây thép trên người đi thì chị biết sao được, làm gì có ai bảo chị mà chị biết", thì ông Thái trả lời: "Cứ để vậy đi. Tôi quen rồi. Nếu bị phát hiện, vợ con lại không cho vào nhà".

Những người thân trong gia đình ông Thái cho biết, ông bà Thành - Thái đã mua một ngôi nhà ở Nga Sơn. Ngôi nhà này hiện tại đang được một cô em gái trông coi. Từ khi biết chuyện xảy ra, gia đình đã nhiều lần khuyên họ về Nga Sơn sinh sống nhưng đều bị bà Thành từ chối.



http://image.vtc.vn/resize/720x405/files/hoang.thuoc/2017/07/21/thanhhoa12-23441810.jpg
Bà Mai Thị Tình - Em gái ông Thái.

"Họ không đồng ý đâu, chúng tôi thuyết phục nhà ông bà mười mấy năm rồi mà không có được. Ông Thái năm nay cũng gần 70 rồi, chẳng mấy mà chết. Chúng tôi cũng đang sắp chết đến nơi rồi. Hai đứa con của ông Thái chưa đầy 40 tuổi, cho hắn về quê sinh sống còn có cơ may lấy vợ lấy chồng được.


Ông Thái cứ nghe lời vợ thì đến bao giờ mới ngộ ra được? Chúng tôi ở dưới miền xuôi xa xôi không biết được có chuyện gì xảy ra. Mỗi lần có chuyện, điện thoại nhà ông cũng không dùng cho nên cũng không biết đâu mà lần. Giống như lần trước, thằng Tâm mất chúng tôi cũng không biết mà lên làm ma, chôn cất được", bà Tình tâm sự.

Theo lệnh của bà Thành, ông Thái cũng đem lưỡi cày lên trồng giữa ngôi nhà ở Nga Sơn. Thậm chí, ông còn trồng cao hơn góc nhà khoảng 1m. Theo quan sát của PV, ngôi nhà này của ông Thái đã xuống cấp và dột be bét. Thế nhưng, ông Thái không sửa và có lẽ chỉ tận tụy trồng lưỡi cày mỗi lần về quê.



http://image.vtc.vn/files/hoang.thuoc/2017/07/21/thanhhoa11-2344137.jpg
Ngôi nhà có cột lưỡi cày thứ hai của gia đình ông bà Thành - Thái ở Nga Sơn (Thanh Hóa).


Nhân chứng kể chuyện bên trong ngôi nhà "âm binh" ở Thanh Hóa

Trò chuyện với chúng tôi, bà Tình không ngần ngại kể lại những câu chuyện kỳ lạ của gia đình nhà bà Thành - Thái. Theo bà Tình, những năm họ mới bị bệnh, bà Tình còn khỏe thì hay lên thăm. Thế nhưng, bây giờ yếu, mấy năm nay bà Tình còn bị mù một bên mắt nên không đi được nữa.

"Đầu tiên lên đó, bà Thành cứ bắt chúng tôi ngồi khấn vái. Trời thì tối nhưng ở đó chẳng đèn đóm gì cả. Đúng 6 giờ sáng và 6 giờ tối là bà Thành bắt đầu ngồi khấn. Khấn mệt thì bà Thành mới đi nghỉ. Nằm một dạo là bà khỏe lại nói chuyện như không ấy. Lúc khấn cứ lắc đầu liên tục, nhọc thì mới nằm nghỉ. Bà cứ bảo ma ở trên đầu tôi, cứ bảo mẹ con bà nhìn thấy ma nhưng chúng tôi ngủ ở đó mấy ngày chẳng thấy một tí gì. Mỗi lần ngồi khấn là khoảng 1 tiếng đồng hồ", bà Tình nói.

Theo bà Tình, việc ăn uống của gia đình ông bà Thành - Thái ban đầu cũng bình thường. Bây giờ bệnh bà Thành nặng hơn thì mới không cho chồng con mua đồ ăn bên ngoài nữa. Nhà bà Thành bây giờ là tự cung tự cấp, nuôi trồng được cái gì ăn cái đó. Ông Thái về quê cũng chỉ mua đậu hũ ăn. Thỉnh thoảng mới mua được quả trứng còn đâu không ăn thêm gì.


http://image.vtc.vn/resize/720x435/files/hoang.thuoc/2017/07/21/thanh-hoa-5-2344147.png
Lối đi vào ngôi nhà "ẩn dật" của ông bà Thành - Thái.

"Trước đây ông Thái cũng khôn lanh lắm. Lúc thằng Tâm mất ông ấy còn đi về báo anh em lên chôn. Khi hai đứa con bị thiếu i-ốt dẫn tới sưng nề, què bò thì ông cũng biết vào lâm trường báo cáo cấp trên giúp đỡ. Hồi đó, lâm trường còn bắt ba mẹ con bà Thành đi chữa bệnh. Có 3 ngày bà mẹ bỏ về rồi cũng bắt con cái theo về luôn", bà Tình kể lại.

Là người đã từng tiếp cận bên trong ngôi nhà bà Thành đang sống, bà Tình miêu tả: "Bên trong nhà hương khói không thắp và cũng không thờ phụng ai. Hồi đầu ngôi nhà làm bằng gỗ chắc chắn. Sau đó, bà Thành lệnh cho chồng con phá ngôi nhà kiên cố đó ra rồi tự dựng mấy căn chòi nhỏ để ở. Căn chòi nào cũng chôn hàng đống bát đĩa ở dưới.


http://image.vtc.vn/resize/720x959/files/hoang.thuoc/2017/07/21/img20170712181033-7-2349481.jpg
Cột lưỡi cày ở Thạch Thành cao hơn ở Nga Sơn.

Lúc mới bị bệnh bà bắt con cái thôi học. Một đàn bò 15 con, tranh thủ lúc ông Thái về lấy lương ở Nga Sơn bà Thành bán lúc nào không ai biết. Sau khi bán bò, ba đứa con cắt tóc trọc đầu như ông sư, bò xung quanh nhà chôn bát cho mẹ đến thâm tím đôi đầu gối.

Vì thương cháu nên lúc bố tôi (ông Mai Văn Đệ - bố đẻ của ông Thái) còn sống, ông có kéo cả hai bên nội ngoại lên lôi cả gia đình về Nga Sơn. Nhưng mẹ con bà Thành đứng tập trung trước cổng cầm 4 con dao nên không ai dám vào. Họ còn hô, ai vào đây tôi chém chết nên không ai dám bước lại gần cả. Lại một lần nữa cũng bàn lên kéo về nhưng anh Thái không chịu nên thôi. Bà Thành lúc ấy cởi quần áo ra như ăn vạ nên chúng tôi kinh sợ bỏ chạy sạch không ai dám ở lại.


http://image.vtc.vn/resize/720x540/files/hoang.thuoc/2017/07/21/img20170712181050-8-2351249.jpg
Bà Thành lệnh cho chồng con phá ngôi nhà gỗ kiên cố để dựng những căn chòi như thế này.

Một nguyên nhân nữa cũng được bà Tình nhắc đến trong cuộc trò chuyện: "Ngày xưa bà Thành rất thích đi xem bói. Theo lời ông Thái, có một lần đi xem bói về, không biết thầy bói phán gì mà bà ấy ốm luôn. Sau trận ốm đó thì tính tình thay đổi, chỉ ít lâu sau thì thành ra cơ sự này. Có lẽ thầy bói nói gì đó khiến bà hoang mang, lo sợ và tâm thần mới trở lên bất an như vậy. Tôi nghĩ nguyên nhân này là có cơ sở nhất".

Khi biết thông tin chúng tôi mới về gặp gia đình bà Thành nhưng không thấy ông Thái đâu, bà Tình giật mình: "Ông Thái về quê lên đấy cả tháng rồi đó. Ông ấy không có ở quê đâu. Biết đâu ông ấy bị đánh chết rồi. Chỉ sợ chúng nó đánh chết bố lại giấu vào đâu đó thì khổ. Bởi bình thường ông ấy sẽ là người ra mặt đứng chắn không cho bất cứ ai bước vào".

Ngày xưa, khi cậu Tâm còn sống, ông Thái về quê kể với bà Tình rằng: "Bà Thành ra lệnh cho thằng Tâm đánh tôi, may mà không chết. Ông Thái bị phạt vì không làm theo quy tắc của bà Thành. Lần đó, bà Thành sai ông chui xuống cái giếng múc cạn nước. Hàng mấy giờ đồng hồ ông Thái chui xuống mà múc không hết nên bị phạt. Không chỉ ông Thái, con cái cũng sẽ bị phạt nếu không làm theo chỉ đạo của bà Thành".


http://image.vtc.vn/resize/720x405/files/hoang.thuoc/2017/07/21/20289589_2363336377224310_1752415308_n-9-2353588.jpg
Người thân của ông Thái ở Nga Sơn cũng rất khó khăn.

Bà Tình cũng xác minh thông tin ở quê hai bên gia đình không có ai mắc bệnh thần kinh hay có biểu hiện tâm thần. Gia đình bà toàn người hiền lành, khỏe mạnh đi làm ăn chứ không ai có những biểu hiện kỳ lạ như gia đình ông bà Thành - Thái.

"Chúng tôi muốn nhờ chính quyền và xã hội giúp đỡ làm sao chữa bệnh cho anh chị và mấy đứa trẻ để họ trở về quê Nga Sơn sinh sống. Chính quyền mà giúp được thì chúng tôi còn thỉnh thoảng ra thăm anh chị với các cháu. Chỉ cần thấy họ khỏe là mừng. Bây giờ một năm mới lên đến nơi được có một lần nhưng có được vào nhà đâu. Cứ đứng ngoài bờ nói chuyện với anh Thái thôi", bà Tình nói.


Lãnh đạo huyện thăm ngôi nhà kỳ lạ ở Thanh Hóa

Chúng tôi liên hệ với người dân địa phương ở Thành Vân để nắm bắt tình hình sức khỏe của ông thì được biết, người dân mới thấy ông Thái xuất hiện ngoài đường. Lúc đó, ông Thái đạp xe đi mua một tạ dây cước, loại dây dùng để câu cá chở về không biết dùng vào việc gì.


Chiều 21/7, ông Phạm Văn Hồ - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Thạch Thành thông tin với PV: "Từ khi PV về đưa tin có nhiều người ngỏ ý muốn giúp đỡ ông bà Thành - Thái. Hôm qua, có một đoàn ngoại cảm ở Côn Sơn Kiếp Bạc cũng vào đây. Không hiểu dùng phương pháp gì nhưng họ khẳng định chỉ một tháng nữa là gia đình sẽ ổn định lại. Ở đây, chính quyền địa phương là cũng muốn có tác động đến gia đình để họ sớm có cuộc sống ổn định".


Cũng trong chiều 21/7, đoàn lãnh đạo của huyện Thạch Thành do bà Bùi Thị Mười - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thành đã trực tiếp đem quà và vào thăm gia đình ông bà Thành - Thái. Giống như PV những lần trước, đoàn chỉ dừng lại ở phía bên ngoài vì ông Thái và hai người con đã ra ngăn cản. Lần này cha con ông Thành ngăn cản đoàn lãnh đạo còn dữ dội hơn. Đoàn có mang theo quà xuống nhưng gia đình cũng từ chối không nhận.

Đại diện lãnh đạo huyện đã dành nhiều lời phân tích để ông Thái và gia đình hiểu ra sự việc nhưng họ vẫn từ chối cho đoàn vào nhà. Bà Thành không hề lên tiếng. Trước khi rời đi, bà Bí thư huyện ủy Thạch Thành đã chỉ đạo ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch xã Thành Vân) và bà Nguyễn Thị Dung (Bí thư chi bộ BQL rừng phòng hộ Thành Vân) cùng ra để nắm bắt tình hình, lên phương án, kế hoạch giúp đỡ gia đình này.

Được biết, ngày 22/7 đại diện xã Thành Vân và đại diện BQL rừng phòng hộ Thành Vân sẽ về Nga Sơn, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú của gia đình ông bà Thành Thái để làm việc với gia đình ông Thái. Có thể sau cuộc gặp gỡ này, chính quyền và gia đình sẽ lên phương án, kế hoạch chi tiết để giúp đỡ ông bà Thành - Thái giải quyết triệt để vụ việc đang gây xôn xao dư luận này.

VTC News sẽ tiếp tục đưa tin.


KIM THƯỢC HOÀNG

trailuulac
07-23-2017, 15:33
Truyện có thật , thật ly kỳ hấp dẩn ... đang theo dỏi tiếp . cám ơn Catli .