PDA

View Full Version : Trọng Đạt – Ông Thiệu và cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 11- 1968 .



hatat
10-18-2016, 22:58
http://quanvan.net/wp-content/uploads/2016/10/2-54-678x381.jpg

Gần đây, cuối tháng 8-2016 chương trình Nhịp Sống Quanh Ta trên đài truyền hình Vietv Houston Texas trình chiếu cuộc nói chuyện giữa ông Hoàng Bách và Luật sư Steven Điều có liên quan tới tình hình bầu cử Mỹ năm 1968.

Luật sư Điều có kể lại chuyện ứng cử viên Nixon vào tháng 10-1968 cử sứ giả tới Sài Gòn khuyến khích TT Thiệu đừng tham gia cuộc hòa đàm Paris giữa chính phủ Johnson và Cộng Sản Việt Nam. Ông Thiệu đã hưởng ứng không cử người đi Paris trước ngày bầu cử 5-11-1968 khiến Nixon (Cộng Hòa) thắng phó Tổng thống Humphrey (Dân Chủ) với hơn 500 ngàn phiếu (phổ thông)

Chuyện này đã được Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng kể lại trong Chương Một của cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy xuất bản năm 2005 và năm sau 2006 ông Trần Đông Phong cũng bàn kỹ về đề tài này từ trang 41 tới trang 69 trong cuốn Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng.

Trước hết tôi xin đề cập những điểm chính của sự kiện lịch sử này sau đó đóng góp thêm một số ý kiến riêng.

Sơ lược vấn đề.

Tại Chương một: Làm Sao Thoát Khỏi Vũng Lầy trong cuốn sách kể trên của GS Nguyến Tiến Hưng cho biết.

Sau trận Tết Mậu Thân cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 1968 phong trào chống đối chiến tranh Việt Nam lên rất cao tại Mỹ trong khi Tướng Westmoreland, Tư lệnh quân đội Mỹ tại VN lại xin thêm 200 ngàn lính tăng cường. Cuối tháng 3-1968, TT Johnson tuyên bố không ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai, nhường lại cho Phó TT Humphrey và cho ngưng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 để kêu gọi đình chiến, sau đó sẽ rút quân.

Mấy ngày sau khi TT kêu gọi đàm phán, Hà Nội nhận lời, tháng 5 Mỹ và CSVN gặp gỡ lần đầu tiên tại cuộc hòa đàm, VNCH khi ấy chưa chịu tham gia vì muốn nói chuyện trực tiếp với Hà Nội chứ không công nhận Mặt trận giải phóng. Gần ngày bầu cử đại sứ Mỹ Bunker hối thúc ông Thiệu tham gia đàm phán.

Trong khi ấy, đối thủ của Humphrey là ứng cử viên Richard Nixon (Cộng Hòa) lại ve vãn ông Thiệu qua trung gian bà Anna Chennault, quả phụ Thiếu tướng không quân Mỹ. Bà Chennault (người Hoa, họ hàng với Tống Mỹ Linh) sang Sài Gòn thường xuyên năm 1968, khuyên ông Thiệu đừng tham dự hòa đàm làm lợi cho Dân Chủ, chờ Nixon thắng cử, ông sẽ có chính sách ủng hộ VNCH tích cực hơn. Ông NT Hưng cho biết năm 1985, tại Luân Đôn ông Thiệu kể lại rằng hồi ấy nếu Humphrey (DC) đắc cử thì nửa năm sau sẽ có liên Hiệp với CS tại miền nam VN, sau đó Mỹ sẽ rút, nên ông Thiệu đi với Nixon (CH) còn hy vọng hơn. Ông Thiệu tìm cớ này cớ khác để trì hoãn không tham dự hòa đàm. Johnson cho FBI, CIA nghe lén điện thoại của Chennault với VNCH nhưng không cho công bố để tố giác Nixon vì sợ bị kết tội nghe lén.

Tối 31-10-1968, Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc BV để giúp cho Humphrey thêm phiếu, ông Hưng cho biết trong ngày bầu cử 5-11-1968 Nixon thắng cử chỉ có 43.4% so với 42.7% của Humphrey, hơn nhau chỉ nửa triệu phiếu (phổ thông). Ông NT Hưng trích hồi ký của Johnson xác nhận ngày 1-11, ông Thiệu nói sẽ tham dự hòa đàm, sau đó lại không tham dự nên đã khiến Humphrey thất cử.

Ngoài ra ông Trần Đông Phong trong cuốn Việt Nam Cộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng cũng đã đề cập và bàn luận về đề tài này rất kỹ. Tác giả nhắc lại lời ông NT Hưng trong Palace File nói ông Thiệu tin là ông từ chối dự hòa đàm, ông ta không nói công khai nhưng việc từ chối đã khiến Nixon đắc cử trước Humphrey (trang 42). Ngày 31-3-1968 Johnson tuyên bố không ra tranh cử nhiệm kỳ hai để tìm hòa bình, đưa Mỹ ra khỏi cuộc chiến. Mấy ngày sau Hà Nội chấp thuận, ngày 13-5-1968, hai bên họp lần đầu tại Paris. Tháng 10-1968, Mỹ và Hà Nội đồng ý mời VNCH và Mặt trận giải phóng vào Hòa đàm. Ông Thiệu chống đối mãnh liệt, chính phủ Mỹ ép ông vào đàm phán trước bầu cử Tổng thống ngày 5-11 để có lợi cho Humphrey (Dân Chủ).

Đại sứ Bunker tại Sài Gòn phúc trình TT Johnson không thuyết phục được Thiệu. Ngày 31-10-1968 Johnson tuyên bố ngưng oanh tạc BV. Ông Thiệu phản đối Mỹ vì để Mặt trận giải phóng miền nam (Việt Cộng) được tham dự Hội nghị. Ngày 5-11 Bunker kêu gọi (trên đài quân đội Mỹ) VNCH ngưng tẩy chay hòa đàm, Thiệu trả lời không tham dự vì Việt Cộng được tham dự như một phái đoàn, kết quả bầu cử, 73 triệu cử tri đã đi bầu, Nixon thắng Humphrey 500 ngàn phiếu (tức 0.7%)

Ông Phong nói bà Chennault là người đã gây ảnh hưởng kết quả cuộc bầu cử (có lợi cho Nixon), William Safire, một phụ tá của Nixon cho rằng nếu ông Thiệu không tẩy chay Hòa đàm thì Nixon có thể không trở thành Tổng thống Mỹ. Tác giả TĐ Phong dẫn lời ông NT Hưng trong Palace File (Hồ sơ mật dinh Độc lập) nói ông Thiệu tin là nhờ ông mà Nixon đắc cử, nó đóng vai trò quyết định trong chiến thắng của Nixon (trang 51, sách đã dẫn). Bà Chennault sang Sài Gòn thường xuyên, luôn nhắn ông Thiệu cứ trì hoãn hòa đàm, nếu Nixon thắng sẽ có lợi hơn Dân Chủ.

Johnson đã cho FBI, CIA nghe lén (trang 52, 53) điện thoại của bà Chennault và biết rõ Nixon đang khuyến khích Thiệu tẩy chay hòa đàm. Ông được báo cáo đầy đủ, có thông báo cho Humphrey biết nhưng không cho công bố trước dư luận vì nó sẽ lòi ra cái tội nghe lén. Ông Phong dựa theo cuốn Palace File của Nguyễn Tiến Hưng nhận định: ông Thiệu tin là nếu Humphrey đắc cử thì Hoa Kỳ sẽ có chính sách mềm dẻo hơn đối với VC, Mặt trận giải phóng.

Ông Thiệu nói nguyên văn.

“Nếu Phó TT Humphrey đắc cử thì sẽ có một chính phủ liên hiệp trong vòng sáu tháng, với ông Nixon thì ít ra chúng ta còn có cơ may”

(trang 58 sách đã dẫn, phỏng vấn Nguyễn Văn Thiệu)

Theo ông Phong, Nguyễn Cao Kỳ trong hồi ký Buddha’s Child (Con Phật) viết năm 2002 có nói Mỹ ép VNCH tham dự hòa đàm Paris và họ chấp nhận Việt Cộng ngang hàng VNCH. Bà Chennault đã nói với hai ông Thiệu, Kỳ giúp Nixon bằng cách khoan đi Paris và ông Kỳ quyết định khoan tham dự.

Ông Phong cũng cho biết ông Hoàng Đức Nhã (bí thư TT Thiệu hồi 1968) là kể lại trong một bài báo trên tờ Ngày Nay Houston Texas và báo Người Việt dăng lại ngày 4-1-2003. Ông Phong cho đăng một phần bài của ông Nhã trong đó ông này phủ nhận việc bà Chennault được cử sang Sài Gòn thuyết phục hai ông Thiệu, Kỳ như lời ông Nguyễn Cao Kỳ nói. Trong khi tòa Bạch Ốc chỉ thị Bunker đốc thúc Thiệu dự hòa đàm. Phía Nixon dùng đường dây Bùi Diễm và Nguyễn Văn Kiểu (Đại sứ tại Đài Loan). TT Thiệu khó xử, tham dự Paris nhưng không biết lập trường Mỹ ra sao, không đến Paris nhưng sau này dễ làm việc với Nixon hơn.

Ông HĐ Nhã nói nguyên văn

“Sau cùng Tổng thống đã quyết định không gửi phái đoàn VNCH qua Ba Lê, không phải là để giúp cho ứng cử viên Nixon như …bà Anna Chennault sau này đã từng tuyên bố, hoặc là được các sứ giả của VNCH thuyết phục. Lý do quan trọng nhất sau lưng sự quyêt định đó là việc phía Hoa Kỳ không hề đồng ý với phía VNCH về lập trường chung phải như thế nào và những điều kiện phía Cộng Sản sẽ phải chấp thuận trước khi bắt đầu các cuộc thương thuyết. Hoa Kỳ đều bác bỏ rất nhiều đề nghị của phía VNCH, từ những điểm then chốt của lập trường phía đồng minh cho đến những chi tiết như là hình thù của bàn hội nghị, cách danh xưng…”

(trang 60, 61)

Nhận xét

Có nhiều chỗ GS NT Hưng gây khó hiểu, ông nói cuối tháng 3-1968 Johnson cho lệnh ngưng oanh tạc Bắc Việt, và rồi lại nói Johnson cho lệnh ngưng oanh tạc BV cuối tháng 10-1968. Thực ra cuối tháng 3 Johnson cho ngưng oanh tạc phần lớn lãnh thổ BV và cuối tháng 10 ngưng oanh tạc BV toàn bộ (100%). Ông nói ngày 5 tháng 11 cho khai mạc Hội Nghị Ba Lê mở rộng khiến người ta tưởng đó là ngày khai mạc Hòa đàm mà thực ra Hòa đàm khai mạc từ ngày 10-5-1968 (có tài liệu nói ngày 13)

Tôi xin lược thuật dựa theo báo chí và đài phát thanh Sài Gòn hồi ấy. Ngày 31-3-1968 (2 tháng sau Tết Mậu Thân 1-2-1968) TT Johnson tuyên bố không ra tranh cử, ngưng oanh tạc phần lớn BV và kêu gọi Hà Nội chấp nhận đàm phán nếu không sẽ cho nếm mùi sức mạnh. CSBV phần vì thảm bại sau trận Tổng công kích, phần sợ Johnson làm mạnh nên nhận lời 3 ngày sau đó. Ngày 10-5 Xuân Thủy, đại diện CSVN và Harriman, đại diện Hoa Kỳ gặp nhau lần đầu tại Paris. Đây là cuộc Hội nghị được chú ý nhất và nhiều phóng viên nhất thế giới từ trước tới nay, có hơn 3,000 ký giả quốc tế tới tham dự lấy tin.

Phía CS cứng rắn, láo xược đòi giải tán VNCH, lật đổ Thiệu, lập chính phủ Liên Hiệp, chỉ đàm phán với Mỹ. BV coi Hội nghị là nơi để tuyên truyền, nằng nặc đòi Mỹ phải ngưng oanh tạc toàn diện mới nói chuyện được. Ngày 31-10 Johnson nhượng bộ cho ngưng oanh tạc BV 100%.

Như trên GS Hưng và LS Steven Điều nói vì ông Thiệu không tham gia Hội nghị Paris nên Nixon đã thắng Humphrey chỉ có nửa triệu phiếu (phổ thông) tức 0.7%. Nhận định này không đúng vì tại Mỹ họ bầu Tổng thống theo cử tri đoàn, (mỗi tiểu bang có số phiếu tùy theo dân số ít hay nhiều) ai đủ 270 phiếu cử tri đoàn là thắng, phiếu phổ thông không được tính tới. Năm 2000, Al Gore hơn Bush con 543,895 phiếu phổ thông nhưng thất cử, Bush được 271phiếu cử tri đoàn đắc cử trong khi Gore được 266 phiếu.

Cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968 Nixon được 301 phiếu cử tri đoàn trên 32 tiểu bang, Humphrey được 191 phiếu trên 13 tiểu bang và DC, Wallace (ucv độc lập) được 46 phiếu, trên 5 tiểu bang. Nixon thắng cử với tỷ lệ 56%

Chuyện ông Thiệu tẩy chay hòa đàm đã giúp Nixon đắc cử chỉ thấy xuất hiện qua lời nhận xét của vài chính khách trong cuộc như TT Johnson, Thiệu, Safire phụ tá Nixon… nhưng trên thực tế không có bằng chứng cụ thể và tài liệu nào cho thấy ông Thiệu đã ảnh hưởng tới cán cân bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968. Lại nữa không thấy các nhà học giả Mỹ nghiên cứu về chiến tranh VN cũng như các chính khách Mỹ bàn luận, đề cập tới sự kiện lịch sử này.

Tôi xin đề cập lý do tại sao Humphrey lại thất cử năm 1968. Người dân Mỹ quá chán cuộc chiến sa lầy của Johnson nên họ đã bầu cho Cộng Hòa với hy vọng sẽ lấy lại được hòa bình. Dân Chủ đã làm hai nhiệm kỳ (8 năm) từ 1960 cho tới 1968, đã thất bại trong chính sách ngăn chận CS khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Tôi đã viết riêng một số bài về giai đoạn này (1) ở đây chỉ vắn tắt về những khuyết điểm của Johnson.

Năm 1960 Kennedy đắc cử Tổng thống, cuộc chiến tại VN đã bắt đầu trước đó một vài năm. Từ 1960 cho tới cuối 1963 (Kennedy bị ám sát, Johnson lên thay) CSVN chỉ đánh du kích, mức độ cấp tiểu đoàn vì hồi đó Thủ tướng Nga Krushchev chủ trương sống chung hòa bình, chỉ giúp quân viện giới hạn. Sang năm 1964, Krushchev bị Brezhnev lật đổ, Nga đổi chính sách, giúp VC ồ ạt. Lại nữa tại miền Bắc, Lê Duẩn một lãnh đạo hiếu chiến đã thâu tóm nhiều quyền lực trong tay, trong Nam ông Diệm bị đảo chính.. khiến cuộc chiến ngày càng mở rộng.

Ngày 7-8-1964 Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết vịnh Bắc Việt với tỷ lệ ủng hộ 99.6% (2) trao quyền hạn rộng lớn cho Tổng thống trong cuộc chiến chống CS tại Đông nam Á.

CSBV bắt đầu cho xâm nhập nhiều trung đoàn chính qui để đánh lớn, VNCH có nguy cơ sụp đổ. TT Johnson cho oanh tạc BV và năm 1965, đưa quân ồ ạt vào miền nam tới cuối năm lên gần 200 ngàn, cho tới 1968 lên tới 530 ngàn người. Johnson đã đưa Hoa Kỳ đi vào con đường can thiệp ồ ạt về quân sự tại VNCH. Cuối cùng nó đã hủy hoại nhiệm kỳ của ông và phân hóa nước Mỹ chưa từng có từ thời Nội chiến. (3)

Người dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến chống CS bành trướng tại ĐNA từ 1964, 65 nhưng rồi ngày một giảm, số người chống ngày càng tăng: Từ cuối 1965 tới cuối 1966 tỷ lệ số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37% (4). Phong trào phản chiến lan mạnh khắp nơi, người dân biểu tình chống chính phủ Johnson đầy đường đầy chợ

Sở dĩ họ ngày một chán vì Johnson lãnh đạo cuộc chiến tồi tệ, ông và McNamara chủ trương đánh cho nó sợ để phải vào bàn hội nghị nhưng thất bại, năm 1966, 67 Johnson kêu gọi hòa đàm bị BV từ chối.

Số lính Mỹ tử trận ngày một gia tăng: năm 1965 gần 2,000 người, năm sau 1966 lên 6,350 người, năm 1967 lên 11,363 năm 1968 lên gần 17,000 tổng cộng hơn 35,000. Đó là động cơ chính cho sự phẫn nộ, chống đối của người dân (5).

Mới đầu người Mỹ ủng hộ cuộc chiến bảo vệ ĐNA, nhưng họ chỉ muốn đưa quân vào với cái giá vừa phải, và rồi số quân tăng lên quá cao tới hơn nửa triệu. Đã thế chính phủ lại thất bại không đưa được BV vào bàn đàm phán, chưa biết bao giờ có hòa bình. Sau trận Têt Mậu thân phản chiến vọt lên cao không gì cứu vãn nổi, sở dĩ Johnson không ra tranh cử vì biết chắc không được người dân ủng hộ, ai bỏ phiếu cho ông ta?

Johnson sai lầm giao cho McNamara, một người dân sự không biết gì về quân sự lại giữ quá nhiều quyền, trong khi phong trào phản chiến ngày càng tiến nhanh lại áp dụng chiến tranh hạn chế chậm như rùa (6)

Người Mỹ chán ngấy đến tận cổ cuộc chiến sa lầy của Johnson chẳng lẽ họ lại bầu cho Dân Chủ ở lại Tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba? TT Johnson đổ thừa cho ông Thiệu là hoàn toàn vô căn cứ. Dù ông Thiệu tham gia đàm phán trước hay sau ngày bầu cử Tổng thống 5-11 cũng không ảnh hưởng gì tới kết quả của nó, người ta chọn một chính phủ khác (Cộng Hòa) để có thể rút ra khỏi cuộc chiến.

Nguyên do Humphrey thất cử vì người dân không tin tưởng vào đường lối của Dân chủ tìm hòa bình. Như trên ông Thiệu có nói nếu Humphrey đắc cử thì sáu tháng sau miền nam VN sẽ bị liên hiệp với CS, tôi tin là ông nói đúng. Cử tri Mỹ năm 1968 và 1972 không bầu cho Dân Chủ mà bầu cho Nixon (Cộng Hòa) vì không đồng ý với đường lối đầu hàng CS của Dân Chủ, người ta muốn hòa bình danh dự nghĩa là không làm sụp đổ đồng minh ít ra là sau khi ký Hiệp định. Cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 1972, Nixon đại thắng với tỷ lệ 96% phiếu cử tri đoàn (520/17), hơn McGovern 18 triệu phiếu phổ thông vì ông đã đem 95% quân về nước , hòa bình trong tầm tay và nhất là không làm sụp đổ VNCH lúc ấy.

Ông Hoàng Đức Nhã, bí thư Tổng thống xác định ông Thiệu không cử phái đoàn tham dự Hòa đàm Paris không phải vì để giúp Nixon mà là chống lại sự bắt ép của chính phủ Johnson, họ chỉ muốn được việc cho họ. Năm 1968 báo chí, đài phát thanh Sài Gòn đều đã loan tin, từ tháng 5-1968 sau khi hai mạc hòa đàm, CSVN đòi giải tán chính phủ VNCH, lật đổ Thiệu, lập chính phủ Liên Hiệp, Mỹ rút quân không điều kiện, ngoài ra không có gì để đàm phán…VNCH bị xúc phạm nên ông Thiệu đã phản ứng như vậy.

TT Thiệu không tham dự hòa đàm trước hết vì thể diện quốc gia và có thể vì sự khuyến khích của phía Nixon nhưng ảnh hưởng của nó đối với cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11-1968 nếu có cũng chỉ là khiêm tốn, làm lệch cán cân tranh cử Hoa Kỳ không phải là chuyện dễ.

Nhà sử gia Dallak cho là “nỗ lực của Nixon có lẽ cũng không ảnh hưởng gì vì Thiệu không muốn tham dự Hội nghị, vả lại (người dân thấy) rất ít hy vọng có Hiệp định trước cuộc bầu cử” (7)

Năm 1968, người Mỹ chán ngấy cuộc chiến tranh VN của Dân Chủ nên đã bầu cho Cộng Hòa với hy vọng có sự đổi thay. Đúng 40 năm sau, vào năm 2008 họ lại quá chán cuộc chiến Iraq sa lầy của Cộng Hòa (Bush con) và bầu cho Dân Chủ (Obama) để rút quân về nước.

Lịch sử luôn tái diễn như điệp khúc của một bản nhạc, năm 1968 Dân Chủ không thể có hy vọng ở lại tòa Bạch Ốc thêm một nhiệm kỳ thứ ba và cũng khó có thể tin được là họ thất cử vì tại ông Thiệu tẩy chay cuộc hòa đàm tại Ba Lê.

Trọng Đạt

Cước chú

(1) Johnson Quyết Định Leo Thang Chiến Tranh,

Những sai lầm của Lyndon Johnson trong chiến tranh Việt Nam.

(2) No more Vietnams trang 75

(3) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 169

(4) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war

(5) National archives Statistical Information about Fatal Casualties of the Vietnam War.

(6) Larry Berman: Lyndon Johnson’War, The Road to Stalemate in Vietnam trang 114 The Big Sell: The Tortoise of Progress vs. the Hare of Dissent

(7) Dallek wrote that: Nixon’s efforts “probably made no difference,” because Thieu was unwilling to attend the talks and there was little chance of an agreement being reached before the election. – (US presidential election 1968-Wikipedia)