PDA

View Full Version : Minh oan cho tướng đặng văn quang .



hatat
10-03-2016, 18:12
https://tusachonline.files.wordpress.com/2014/07/1127.jpg?w=600&h=264&crop=1

Trích sách “Giải Mã Những Bí Ẩn Của Chiến Tranh Việt Nam” của Bùi Anh Trinh.
Thay thế trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn
Tháng 11 năm 1968 Komer đi làm Đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Washington thay thế Trưởng chi nhánh CIA tại Sài Gòn là Ralph Kastrosh bằng ông trùm tình báo Theodore Shackley.
Theodore Shackley là một cựu sĩ quan tình báo của quân đội Hoa Kỳ tại Đức. Năm 1953 ông gia nhập chi nhánh CIA tại Đức. Năm 1961 tham dự chiến dịch đổ bộ tại Vịnh Con Heo, Cuba; dưới sự điều động của Lansdale. Năm 1966 sang Lào điều khiển tổ chức tình báo của CIA tại vùng Tam giác Vàng, hợp tác với Vàng Pao là một ông tướng người H’mong .
Trong thời kỳ này Shackley có dính dáng đến tổ chức buôn bán bạch phiến của Vàng Pao để gây quỹ tình báo nhằm tài trợ cho công tác theo dõi hoạt động quân sự của quân CSVN trong khu vực Đường mòn HCM trên đất Lào.
Tài liệu Decent Intervalt của ông trùm CIA Frank Snepp ghi lại hoạt động của Shackley trong thời gian chỉ huy CIA tại Việt Nam :
“Từ 1969 đến 1972, ông ta không ngớt thục giục Phòng nhân viên : thu nạp, thu nạp, thu nạp. Nghĩa là mua chuộc, dụ dỗ, thuê mướn bất cứ ai có khả năng làm điệp viên cho chúng tôi. Sau nhiệm kỳ chỉ huy của ông, danh sách nhân viên tình báo phình lên một cách đầy ấn tượng. Và giòng thác tin tức đổ về Washington với mức độ 500 bản báo cáo mỗi tháng.
Nhưng một thời gian sau đó, vào năm 1974, khi CIA cố gắng tìm hiểu về mức độ thi hành Hiệp định ngừng bắn của Hà Nội thì chúng tôi mới hay rằng hậu quả tai hại do lòng hăng hái của Shackley đã đổ ụp lên đầu chúng tôi : Hằng trăm “đại lý cung cấp tin” được thu nạp trong nhiệm kỳ của Shackley chỉ là những “con buôn tin tức” láu cá.
Họ chẳng biết gì về hoạt động của Cọng sản nhưng họ đã khéo léo chắp vá những thông tin đồn thổi trên báo chí rồi xào nấu thành những bản tin hợp với khẩu vị của chúng tôi, mà thoáng nhìn có vẻ như là những bản tin có giá trị đối với chính phủ Hoa Kỳ.” ( trang 13 )…
“Đích thân Shakley đã lôi kéo được Tướng Đặng Văn Quang, Cố vấn an ninh của Tổng thống Thiệu, trở thành cọng tác viên của CIA. Và Shackley cũng tiếp cận được với Tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia. Cả hai không được chính thức kết nạp thành nhân viên của chúng tôi nhưng họ nhận được tiền trả công cho từng điệp vụ. Số tiền chúng tôi trả cho họ khá hậu hỉ, họ trở thành cọng tác viên thường xuyên và là nguồn thông tin thường trực.
Cho tới những ngày cuối cùng của Miền Nam thì Bình và Quang trở thành nguồn thông tin cá nhân tối quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng thực ra cả hai đã được đánh giá quá cao so với thực tế. Họ cung cấp cho chúng tôi rất ít về những thông tin mà chỉ riêng họ biết…và những tin tức của họ thường sai lạc. Cả hai thực sự phục vụ cho quyền lợi của họ và cho Thiệu bằng cách cung cấp những tin tức không đúng chính xác theo như yêu cầu của chúng tôi.”( trang 14. Bản dịch của Bùi Anh Trinh ).

CIA và những người đàn ông Việt Nam
Sau khi cuộc chiến đã qua rồi người Mỹ mới biết rằng công tác tình báo của họ không kết quả bởi vì họ tuyển lựa nhân viên và tuyển lựa người cộng tác không đúng, mặc dầu họ cho rằng nguyên tắc tuyển lựa của CIA đúng với mọi nơi và với mọi dân tộc trên thế giới.
Tuy nhiên đối với dân tộc Việt Nam, dân tộc Đại Hàn hay dân tộc Nhật thì lại khác. Đây là những dân tộc ít dân nhưng phải đối phó triền miên với những cuộc xâm lăng của dân tộc Trung Hoa, và cho tới nay họ vẫn bảo vệ được dân tộc của họ là nhờ tư tưởng của họ đã trưởng thành qua những cuộc chiến đấu chống quân xâm lăng.
Những ông trùm CIA đã trách những ông trùm Việt Nam không giữ chữ tín, họ đã nhận tiền nhưng không bao giờ họ cung cấp tin tức đúng như họ biết, hoặc có cung cấp thì chỉ cung cấp những tin sai lạc có chủ ý.
Theo CIA thì thà là họ đừng nhận cộng tác để cho CIA biết đường mà tìm người khác. Còn nhận tiền mà làm không đúng theo thỏa thuận thì chỉ là những tên lưu manh rẻ tiền. Nhưng họ rất ngạc nhiên khi thấy những tên lưu manh rẻ tiền Việt Nam lại là những người có uy tín rất lớn. Điều này có vẻ như trái với nguyên tắc tuyển chọn người của CIA.
Thường mỗi khi CIA chọn người cọng tác thì họ chọn những người có sự nghiệp đáng kể và có uy tín đáng kể, những người này thường có nhiều đàn em, tay chân thân tín, kể cả trong xã hội đen. Nhưng muốn được trở thành một thủ lãnh thì tối thiểu hắn ta phải là một tay hảo hớn (hay hiệp sĩ), nghĩa là một tay rất trọng chữ tín, cho dù là họ hoạt động trong xã hội đen như Vàng Pao, Sadam Hussein, Osama Binladen… Nhưng đằng này những thủ lĩnh Việt Nam lại là những ông tướng; nếu ông ta không thủ tín thì ông ta sẽ bị rơi đài nửa chừng chứ không thể trở thành cấp chỉ huy của hằng vạn con người.
CIA không ngờ rằng những người đàn ông Việt Nam được đánh giá bằng “nghĩa khí” chứ không phải bằng chữ tín. Dĩ nhiên chữ tín cũng được dùng để đánh giá con người nhưng vẫn đứng sau chữ “nghĩa khí”.
Trong trường hợp Tướng Quang và Tướng Bình quan hệ với CIA là trên danh nghĩa mua và bán tin tức. Người bán tin có quyền đưa ra những tin nào mà họ muốn bán và họ có quyền giữ lại những tin nào mà họ muốn giữ. Người mua có quyền đánh giá từng bản tin và trả giá theo giá trị của từng bản tin, miễn sao sự trả giá thỏa lòng người bán và dĩ nhiên bản tin của người bán phải đủ sức hấp dẫn đối với người mua, để cho cuộc mua bán còn được kéo về lâu về dài. Như vậy là Tướng Quang và Tướng Bình đã làm đúng theo thỏa thuận giữa hai bên.
Nhưng bắt đầu từ sau ngày 14-3-1975 CIA mới phát hiện ra rằng Tướng Quang và Tướng Bình chẳng những không “bán tin” mà trái lại còn “giấu tin” về việc Tướng Thiệu quyết định rút quân khỏi Tây Nguyên. Sở dĩ hai ông tướng làm như vậy bởi vì họ đều là những con người nghĩa khí, đặt quyền lợi của quốc gia ( nghĩa quốc gia dân tộc ) lên trên quyền lợi cá nhân là điều hẵn nhiên, mà còn đặt tình bạn bè lên trên quyền lợi cá nhân ( nghĩa bằng hữu ). Một khi phải lựa chọn giữa dân tộc và tiền hay giữa ông bạn Thiệu và tiền thì hai ông tướng đã phỉ nhổ vào đồng tiền.
Thế nhưng tại sao các ông lại không từ chối khi CIA đề nghị cộng tác? Câu trả lời là nếu hai ông không làm thì có người khác làm, và người khác này có thể có hại cho quốc gia, hay có hại cho ông bạn vàng (cũng có thể là ân nhân) Nguyễn Văn Thiệu.
Vì vậy hai ông nhận lời nhưng các ông không hề phản lại cam kết, nghĩa là hai ông vẫn cung cấp cho CIA những tin nào mà hai ông nhắm bán được, còn tin nào hai ông không muốn bán thì giữ lại, cuộc mua bán vẫn sòng phẳng. Bằng chứng là CIA vẫn trả tiền cho các ông từ 1972 cho tới 1975; nếu cuộc mua bán không sòng phẳng thì CIA đã kiếm người khác từ lâu.
Ngoài ra sách của Frank Snepp xuất bản năm 1977 có đề cập tới một điệp viên bí mật khác của CIA nằm bên cạnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu . Năm đó điệp viên bí mật này chưa lộ diện cho nên người ta chỉ đoán phỏng chừng là Tướng Trần Thiện Khiêm.
Đến năm 2009 tại liệu “CIA and The Generals” được phát hành đã xác nhận điệp viên cạnh Thiệu là Tướng Khiêm. Sau đó cựu Đại tướng Nguyễn Khánh đã lên tiếng xác nhận ông ta và Tướng Khiêm có làm việc cho CIA nhưng Khiêm là điệp viên chính thức, còn ông ta chỉ là cọng tác viên, tức là được trả tiền theo từng điệp vụ như Tướng Quang và Tướng Bình.
Nhưng trong những ngày cuối của VNCH Tướng Trần Thiện Khiêm đã giữ bí mật về lệnh triệt thoái Cao Nguyên trong buổi họp ngày 14-3-1975 tại Cam Ranh. Ông Thiệu đã căn dặn các ông là đừng cho Mỹ biết mặc dầu Thiệu đã biết các ông đang làm việc cho CIA.
Ngày đó số phận của đất nước Việt Nam vô cùng mong manh cho nên Tướng Khiêm và Tướng Quang bắt buộc phải đặt nghĩa dân tộc và nghĩa bằng hữu lên trên quyền lợi cá nhân. Trong khi đó một điệp viên gạo cội khác của CIA là Đại tá Lê Khắc Lý đã báo ngay cho CIA biết và xin một báy bay riêng chở ông ta đào thoát khỏi Pleiku, mặc cho đoàn di tản chết chất đống tại Cheo Reo; trong khi Tướng Phạm Văn Phú vẫn đinh ninh rằng Lý đang chỉ huy đoàn quân di tản từ PleiKu về Tuy Hòa.
Vậy đó, tài liệu CIA and The Generals cho thấy tư cách đạo đức của một điệp viên trung thành với CIA đã tàn nhẫn và bạc ác đối với dân tộc mình như thế nào.
Sau năm 1975 người Mỹ đã tỏ ra không đẹp khi không cho Tướng Đặng Văn Quang được tị nạn tại Hoa Kỳ, đã vậy lại còn làm áp lực đòi Canada phải trục xuất tướng Quang khiến cho ông và gia đình phải sống một cuộc đời không yên lành cho tới khi nhắm mắt. Giờ đây sau khi tướng Quang đã nằm xuống, lịch sử đánh giá lại thì trước sau người Mỹ đều có lỗi chứ Tướng Quang không hề có lỗi.

BÙI ANH TRINH