PDA

View Full Version : 'Quê hương khuất bóng' - Ý niệm về quê người quê nhà



Hoàng Na
02-27-2016, 15:38
WESTMINSTER, Calif. (NV) – “Những bản tin như hồi trống trận
Thúc lòng ai nỗi nhớ quê nhà
Những hình ảnh như nghìn mũi nhọn
Đâm vào lòng những đứa con xa”


Những dòng thơ trên, như một lời đề tựa, cho tạp ghi “Quê Hương Khuất Bóng” của nhà văn Huy Phương vừa ra mắt độc giả gần xa.


Có lẽ không ai lại không “giật mình” trước sức sáng tác của “ông già đầu bạc” sắp chạm vào thế giới của những người “bát thập”, khi biết rằng kể từ năm 1993 đến nay, ông đã xuất bản đến chín quyển tạp ghi, chưa kể đến một tập truyện, một tập thơ và một quyển biên khảo với đồng tác giả Võ Hương An.





http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/223358-Que-huong-khuat-bong-01-600.jpg



Tạp ghi "Quê Hương Khuất Bóng" của nhà văn Huy Phương (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)




***
Sau “Nước Mỹ Lạnh Lùng” ra mắt năm 1993, đến “Đi Lấy Chồng Xa,” “Ấm Lạnh Quê Người,” “Nhìn Xuống Cuộc Đời,” “Hạnh Phúc Xót Xa,” “Quê Nhà Quê Người,” “Những Người Thua Trận”, “Ngậm Ngùi Tháng Tư,” và bây giờ là “Quê Hương Khuất Bóng,” nhà văn Huy Phương đã thực sự khẳng định được thế mạnh độc đáo của mình bằng phong cách tạp ghi.


Nói về lý do chọn phong cách sáng tác này, tác giả “Quê Hương Khuất Bóng” nhớ lại, “Tôi viết tạp ghi từ khi qua Mỹ, năm 1992. Trải qua cuộc đổi đời, sống qua những giai đoạn khác nhau mình mới thấy làm thơ thì cũng là dùng lời lẽ văn chương diễn tả tâm trạng mình; viết văn thì phải dùng nhân vật trong câu chuyện, từ truyện ngắn, truyện dài, để nói lên tâm trạng gì đó. Sau cùng thấy không gì hơn là viết tạp ghi.”


“Tạp ghi là chữ đầu tiên của ông Phan Lạc Phúc, phóng viên báo Tiền Tuyến, tức thích gì viết nấy, đặt vấn đề thẳng, thích gì viết thẳng. Có người còn gọi là thể loại phiếm, phiếm luận,” ông giải thích thêm.


Trả lời cho câu hỏi, “Viết tạp ghi có khó không?”, ông bảo, “Tùy mình. Khi có vấn đề khiến mình xúc động thì sẽ buộc mình cầm bút viết ra thôi.”


Ông ví von, “Làm văn làm thơ giống như trong chiến trận người ta bắn đạn cầu vồng, bắn đại bác, hay dùng súng trường bắn từ xa. Còn với tạp ghi, tôi cho là giống như người chiến sĩ trong thế cận chiến, cầm dao găm đâm gần, tức là mình nói thật, nói những điều gần gũi, nói sát mặt, nói có mất lòng cũng ráng chịu.”


Nói về ý nghĩa nhan đề quyển tạp ghi mới “Quê Hương Khuất Bóng”, nhà văn Huy Phương cho rằng, “Đó là ý niệm về quê người quê nhà.”


“Nhiều người nói chúng ta không ở Việt Nam nhưng Việt Nam trong lòng chúng ta. Quê hương khuất bóng rồi. Nhưng khuất bóng là không thấy thôi, nhưng thực ra những gì liên quan đến quê hương, mình vẫn nghe, vẫn thấy, qua các phương tiện truyền thông. Chắc chắn là nghe rất nhiều, thấy rất nhiều. Những điều đó có gây xúc động không? Chắc chắn là có. Nhưng có người nói ra, có người viết ra, có người buồn, có người vui, tâm trạng mỗi người mỗi khác nhưng chúng ta vẫn quan niệm rằng quê hương ở trong lòng chúng ta, cho nên quê hương khuất bóng nó buồn lắm,” ông trăn trở.



***




http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/223358-Que-huong-khuat-bong-02-600.jpg



"Sài Gòn còn hay mất?" - một trong số 68 bài viết in trong "Quê Hương Khuất Bóng" của Huy Phương (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)



“Quê Hương Khuất Bóng” là quyển tạp ghi dầy hơn 300 trang với gần 70 bài viết ngắn với nội dung “đậm chất Huy Phương” như “Ai cần ai giải phóng?”, “Cái ác lộng hành,” “Ô nhục này dành cho ai?”, “Nhớ nhớ, quên quên”, “Mắt đền mắt, răng đền răng,” “Tháng Tư thắng hay thua?”, “Ân nghĩa hay nợ nần?”, “Mồm loa mép vải,” “Dị ứng với chữ nghĩa,” “Nỗi vinh nhục của tượng đài,”...


Nhìn vào nhan đề từng bài viết, người đọc có thể hiểu được ngay phần nào nỗi niềm của tác giả trước những sự việc đang diễn ra trên quê hương, dù là một quê hương “khuất bóng.”


Đọc bài “Sài Gòn, còn hay mất?” đề cập đến sự kiện thương xá Tax bị xóa sổ để xây cao ốc, sẽ thấy được nỗi lòng đao đáo của người con tha hương luôn hướng lòng về một quê hương hằng chiếm trọn một góc trong tim: “Phải chăng những cái gì mất đi chúng ta mới thấy tiếc nuối. Có người bỏ Sài Gòn ra đi vội vã, đẫm những dòng nước mắt, trên không phận hay trong dòng sông giữa hai bờ dừa nước. Cũng có người trở lại Sài Gòn lần đầu, con mắt đỏ hoe."


Nhưng có phải chăng bây giờ tất cả đã xóa mờ như vết thương đã thành sẹo, cát bụi đã chôn vùi, xóa hết vết tích của Sài Gòn ngày cũ.”


Rồi ông kết, rằng, “Trong tâm trạng thương nhớ Sài Gòn, trân trọng gọi Sài Gòn bằng 'Người,' ông Nguyễn Ðình Toàn đã viết, 'Ta mất Người như Người đã mất tên!' Ông tin tôi đi. Tên Sài Gòn vẫn còn, và Sài Gòn sẽ mãi mãi của chúng ta, không mất đâu!” (Sài Gòn, còn hay mất?, trang 200)


Đọc “Cái ác lộng hành” viết về cảm xúc của ông khi đọc những bản tin trong nước liên quan đến việc các cô giáo bảo mẫu hành hạ những đứa trẻ mà có nhiệm vụ chăm sóc, những tin liên quan đến việc con giết cha, chồng giết vợ, vợ chồng đánh đập con, để thấy nỗi ray rứt đến bức bối của một người nhìn thấy rõ đạo đức xã hội ngày trở nên suy đồi mà mình thì... bất lực, chỉ có thể thốt lên “Ai nói cái Thiện luôn luôn thắng cái Ác? Có, nhưng không phải dưới chế độ cộng sản!” (Cái ác lộng hành, trang 50)


Trong số những bài viết về những ám ảnh của một thời đã qua từ một quê hương mình không còn bước đi trên đó mỗi ngày, xúc động nhất có lẽ là bài “Nhà hạnh phúc.”


“Nhà hạnh phúc” tức ngôi nhà một gian bằng toàn tre nứa được dựng lên tạm bợ làm chỗ cho những người tù cải tạo “đạt thành tích tốt” được ngủ với vợ những khi họ ra thăm.


Nỗi xúc động mang lại không chỉ ở chỗ ông nhìn ra “nỗi đau đớn của phận người, trông nhếch nhác, bẩn thỉu và mỉa mai vô cùng” mà hơn hết, là nhìn ra nỗi đau của sự chia lìa, tan tác in hằn trong bóng dáng những người thân yêu nhất.


“Lâu ngày vợ chồng gặp nhau, sau một vài giờ mừng rỡ, tưởng chừng như câu chuyện không bao giờ dứt. Khi tiếng kẻng của trại nhắc nhở giờ ngủ, anh cũng háo hức nghĩ đến chuyện ái ân. Họ hôn nhau những nụ hôn vụng về, và anh lần lượt gỡ bỏ bộ y phục mà anh còn nhớ rõ bảy năm về trước, được người vợ mang theo. Trên vạt giường tre, anh đau xót khi thấy thân thể vợ qua nhiều năm nghèo đói, tuyệt vọng, thương nhớ. Hai cánh tay chị khẳng khiu, xương vai nhô cao. Hai bầu vú đầy đặn năm xưa không còn nữa, hai núm vú như muốn lặn sâu vào lồng ngực. Cái bụng thiếu ăn sát xuống giường và hai đầu xương hông gầy guộc nhô cao. Anh yên lặng ôm vợ vào lòng và mặc cho hai hàng nước mắt tuôn chảy, chị cũng khóc theo, cả hai đều thương xót cho số phận của nhau.” (Nhà hạnh phúc, trang 107)


Trong “Quê Hương Khuất Bóng”, người đọc không chỉ thấy những xót xa, ngậm ngùi, mà đôi lúc còn bật cười bởi sự “tự trào” của chính tác giả, và cười xong rồi thì lại giật mình ngẫm ngay đến mình, như “Nhớ nhớ, quên quên”, “Viết trên giường bệnh”, “Tuổi già hạt lệ...”


Cuối cùng, như tác giả “Quê Hương Khuất Bóng” nói, “Quê hương - chúng ta không nhìn thấy nhưng nó vẫn đánh động lòng ta mỗi ngày. Chúng ta không thù nghịch với quê hương mà chỉ đau đớn, yêu thương quê hương với những gì đang xảy ra với nó. Chính vì vậy nếu thấy có những bài viết, những lời nói không tốt đẹp về quê hương chúng ta thì đừng nghĩ là họ chống phá tổ quốc, mà tổ quốc quê hương luôn trong lòng họ.”


Tạp ghi “Quê Hương Khuất Bóng” của nhà văn Huy Phương do nhà xuất bản Nam Việt phát hành với giá bìa $22. Liên lạc tác giả: huyphuong37@gmail.com
Ngọc Lan/Người Việt