PDA

View Full Version : Khoa học và tôn giáo: 2 phạm trù đối nghịch hay "hòa hợp một cách mỹ mãn"?



saigonman
11-11-2015, 15:17
https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/11/Gallery_Image_7344-675x400.jpg
Galileo đối mặt với Tòa án Dị giáo La Mã. Tranh vẽ bởi Cristiano Banti vào năm 1857. Phải chăng khoa học và tôn giáo không thể hòa hợp?

https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/11/1-heisenberg-glass-of-water.jpg
(Ảnh: Getty Images)

Trái với định kiến cho rằng khoa học chống đối tôn giáo, khoa học ngày nay trưng ra ngày càng nhiều bằng chứng về Phép Màu của Chúa. Cách nhìn về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo đã và đang thay đổi. Trong một bài báo về Định lý Bất toàn, Perry Marshall viết: “Ai tự hào tuyên bố ‘bạn là người của đức tin, còn tôi là người của khoa học’, thì người ấy không hiểu gốc rễ của khoa học và bản chất của nhận thức!”[1].

Thật vậy, như câu chuyện “Nan đề Sáng thế” (Gensis Problem)[2] đã cho biết, Lý thuyết Big Bang rốt cuộc đưa chúng ta trở về với Sáng Thế ký của Kinh Thánh, thừa nhận Chúa sáng tạo ra thế giới. Đó là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất cho thấy khoa học và tôn giáo không hề đối kháng như người ta tưởng, mà thực ra đó là hai con đường khác nhau cùng dẫn tới một chân lý. Nếu khoa học được ví như một cốc nước để uống, thì rồi thể nào bạn cũng sẽ gặp Chúa ở đáy cốc! Đó là một ngụ ý của Werner Heisenberg, một trong những nhà khoa học lớn nhất thế kỷ 20.

Cốc nước Heisenberg

Không phải bây giờ, mà từ lâu rồi, những người có tư duy khoa học và triết học sâu sắc đã nhận ra rằng việc đối lập khoa học với tôn giáo là một định kiến ấu trĩ và sai lầm.

Thật vậy, trong lễ nhận giải thưởng Romano Guardini năm 1974, Werner Heisenberg đã đọc một diễn văn nhan đề “Scientific and Religious Truth” (Chân lý Khoa học và Tôn giáo), trong đó tuyên bố:

“Trong lịch sử khoa học, kể từ phiên tòa nổi tiếng xử Galileo, người ta luôn nhắc đi nhắc lại rằng chân lý khoa học không thể hòa giải được với những giải thích của tôn giáo về thế giới. Mặc dù tôi hoàn toàn tin rằng chân lý khoa học là không thể bác bỏ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nó có thể gạt bỏ các tư tưởng tôn giáo… Vì thế tôi suy nghĩ rất nhiều về mối quan hệ giữa hai lĩnh vực tư tưởng này để không bao giờ phải nghi ngờ tính xác thực của cái mà hai lĩnh vực đó chỉ ra”[3].

Sớm hơn nữa, ngay từ năm 1927, khi các nhà vật lý hàng đầu thế giới gặp nhau tại Hội nghị Solvay, Brussels, ngoài những thảo luận chính thức, họ đã trao đổi với nhau những suy nghĩ về mối quan hệ giữa khoa học và tôn giáo. Heisenberg đã thuật lại những trao đổi này trong cuốn “Physics and Beyond” (Vật lý và Phía bên kia), qua đó ta có thể biết các nhà khoa học thời ấy nghĩ gì về tôn giáo. Nổi bật là tư tưởng của Max Planck, cha đẻ Thuyết Lượng tử.

Theo Heisenberg, Planck không hề thấy có mẫu thuẫn nào giữa khoa học và tôn giáo, thậm chí đối với Planck hai lĩnh vực này “hòa hợp một cách mỹ mãn” (perfectly compatible), bởi chúng quan tâm tới hai phương diện hoàn toàn khác nhau của hiện thực:

Trong khi khoa học tìm hiểu các quy luật của thế giới vật chất khách quan thì tôn giáo xác định các giá trị tinh thần và tâm linh của con người; trong khi khoa học làm nền tảng cho công nghệ thì tôn giáo làm nền tảng cho đạo đức; trong khi khoa học bận tâm tới đời sống vật chất thì thì tôn giáo bận tâm tới ý nghĩa và giá trị đích thực của đời người…

Tuy nhiên, Heisenberg phản đối Planck khi xem khoa học và tôn giáo như hai lĩnh vực tư tưởng hoàn toàn tách rời nhau, bởi theo ông, cuối cùng rồi khoa học sẽ gặp gỡ tôn giáo.

Ông nói: “Ngụm đầu tiên từ cốc nước khoa học tự nhiên sẽ biến bạn thành một người vô thần, nhưng ở đáy cốc Chúa đang đợi bạn” (Der erste Trunk aus dem Becher der Naturwissenschaft macht atheistisch, aber auf dem Grund des Bechers wartet Gott)[4].

Đó là ngụ ngôn Heisenberg, một ngụ ngôn mang dáng dấp của một lời tiên tri. Thật vậy:

– Chẳng phải Lý thuyết Big Bang đã gặp Sáng Thế Ký của Kinh Thánh rồi đó sao?[5]

– Chẳng phải Bản đồ Gen Người (Human Genome Map) đã được Francis Collins, Giám đốc Dự án Giải mã Gen Người, mô tả như “Ngôn ngữ của Chúa”[6] đó sao?

Sự kiện công bố Bản đồ Gen Người năm 2000 đã gây nên một cơn chấn động tinh thần trên toàn thế giới – cảm xúc kinh ngạc trước sức mạnh của khoa học xen lẫn với cảm xúc hân hoan thán phục một Phép Màu của Chúa vừa được tiết lộ. Trong giờ phút lịch sử ấy, Francis Collins tuyên bố:

“Hôm nay là một ngày hạnh phúc của toàn thế giới. Riêng với tôi, thật tuyệt vời và đáng kinh ngạc khi biết rằng lần đầu tiên chúng ta đọc được cuốn sách chỉ dẫn về chính bản thân mình, cuốn sách mà trước đó duy chỉ có Chúa biết đến”[7].

Ngay trước đó, tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, Bill Clinton, đã khai mạc lễ công bố Bản đồ Gen Người một cách long trọng bằng những lời lẽ làm rung động lòng người và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử:

“Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là tấm bản đồ quan trọng và kỳ diệu nhất mà nhân loại từng khám phá… Ngày hôm nay, chúng ta được hiểu về loại ngôn ngữ mà Chúa đã sử dụng để sáng tạo nên sự sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta nghiêng mình trước sự phức tạp, trước vẻ đẹp và sự diệu kỳ của món quà thần thánh nhất, thiêng liêng nhất của Người”[8]. Vâng, đó là chữ Người viết hoa, Đấng sáng tạo vĩ đại!

https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/11/collins-clinton.jpg
(Ảnh chụp/YouTube)

Không rõ tiến sĩ Francis Collins và tổng thống Bill Clinton có bao giờ để ý đến ngụ ngôn cốc nước khoa học của Heisenberg hay không, nhưng vô tình tuyên bố của cả hai vị trong lễ công bố Bản đồ Gen Người đều xác nhận ngụ ngôn ấy như một lời tiên tri.

Thiết nghĩ, cốc nước Heisenberg là một thông điệp gửi tới những người làm khoa học. Cá nhân tôi tự diễn dịch thông điệp ấy như sau:

Khi bạn mới có một chút vốn liếng ít ỏi về khoa học, bạn dễ bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp logic và tính hợp lý đến mức đáng kinh ngạc của nó. Khi ấy bạn chưa đủ bản lĩnh, chưa đủ vốn tri thức để nhận ra những kẽ nứt, những chỗ yếu, những cái “bất khả” (impossibility) của khoa học. Lúc đó, bạn có cảm tưởng khoa học là một công cụ vạn năng cho phép giải thích được tất cả mọi sự thật trên đời. Hệ quả tất yếu là bạn không tin vào bất cứ một Phép Màu nào cả. Bạn chẳng cần một Phép Màu nào cả, giống như Stephen Hawking tuyên bố Chúa không còn cần thiết nữa. Đối với bạn, thế giới đơn giản là một tập hợp các sự vật và sự việc liên hệ tương tác với nhau theo luật nhân quả – bất kể cái gì cũng có nguyên nhân của nó và khoa học chính là tập hợp các định luật chỉ rõ các nguyên nhân đó. Có khoa học là sẽ có tất cả, không cần Phép Màu nào hết, và như thế, hiển nhiên bạn sẽ trở thành một người vô thần.

https://daikynguyenvn.com/wp-content/uploads/2015/11/language_of_god_francis_collins.jpg
Bìa cuốn sách “Ngôn ngữ của Chúa”. (Ảnh: npr.org)

Nhưng khi bạn đã có một vốn tri thức khoa học và văn hóa đầy đủ hơn, phong phú hơn, đến một lúc nào đó bạn sẽ giật mình khám phá ra những nghịch lý, những ngõ cụt, những vòng logic lẩn quẩn, những bài toán bất khả của khoa học… Bạn sẽ bắt đầu suy ngẫm kỹ hơn, sâu hơn. Bạn sẽ trầm tư, nếu có thể nói như vậy. Bạn sẽ bắt đầu xem xét lại cách suy nghĩ của mình. Đó là lúc bạn bắt đầu trưởng thành. Bạn có thể không còn nhanh nhẹn để giải một bài toán khó như thời còn trẻ, nhưng bù lại bạn đã có một cái nhìn bao quát hơn, rộng khắp hơn, bản chất hơn, sâu sắc hơn đối với một ngành khoa học nào đó, hoặc toàn bộ khoa học, hoặc cao hơn nữa, toàn bộ nhận thức của con người.

Khi ấy, bạn bỗng giật mình nhận ra rằng khoa học tuy bao la vĩ đại, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là một mẩu của nhận thức, và nhận thức rốt cuộc cũng lại chỉ là một mẩu của thực tại. Nói cách khác, thế giới nhận thức rộng hơn rất nhiều so với tri thức khoa học, thực tại lại rộng hơn rất nhiều so với nhận thức… Bạn khám phá ra rằng mình quá nhỏ bé, khoa học quá nghèo nàn. Nhưng khát vọng nhận thức của bạn không chịu dừng lại. Khát vọng ấy thì thầm nói với bạn rằng hãy mở rộng tâm hồn ra, hãy vận dụng trực giác và cảm thụ mà trái tim mách bảo…

Dần dần bạn sẽ đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, và bạn khám phá ra rằng tôn giáo, một lĩnh vực xưa nay bạn không quan tâm, hóa ra chứa đựng những tư tưởng vô cùng sâu sắc mà bạn đã bỏ phí. Khi ấy bạn đã uống tới gần đáy cốc nước Heisenberg rồi đấy, và bạn bắt đầu lờ mờ nhận ra Chúa, rồi đến một lúc nào đó, khi tâm hồn bạn không còn sự cố chấp nữa, bạn sẽ thốt lên: Ô, Ngài đã ở đó từ bấy lâu nay mà ta không biết!

Câu chuyện đến đây phải dừng lại đôi chút để trả lời một câu hỏi mà lẽ ra phải hỏi ngay từ đầu: Phép Màu là gì?

Phép Màu, hiểu sơ lược thì đó là một sự kiện kỳ diệu, vượt quá hiểu biết thông thường, làm ta thán phục, hoặc kinh ngạc, ngưỡng mộ.

Chính xác và đầy đủ hơn, theo từ điển The Free Dictionary, Phép Màu là “một sự kiện xem ra không thể giải thích được bằng các định luật tự nhiên và do đó được coi là có nguồn gốc siêu nhiên hoặc do tác động của Chúa” (An event that appears inexplicable by the laws of nature and so is held to be supernatural in origin or an act of God).

Khoa học khám phá ra vụ nổ Big Bang, nhưng không trả lời được nguồn gốc điểm ban đầu trước vụ nổ lớn. Vậy sự xuất hiện điểm ban đầu ấy là một Phép Màu. Đó là Phép Màu Sáng Thế.

Khoa học cũng khám phá ra Bản đồ Gen Người nhưng không giải thích được nguồn gốc của nó, vậy Bản đồ Gen Người đúng là cuốn sách của Chúa. Các mã được viết trong cuốn sách đó chính là Ngôn ngữ của Chúa.

Đến đây, nếu được hỏi Phép Màu nào là kỳ lạ nhất trong tất cả các Phép Màu, tôi xin trả lời ngay, không đợi suy nghĩ: TRỰC GIÁC (intuition) của con người!

Câu chuyện về trực giác, theo tôi, là câu chuyện hấp dẫn nhất trong mọi chuyện hấp dẫn, bởi vì nó bí hiểm nhất trong mọi sự bí hiểm.

Trực giác tồn tại rõ rệt đến mức ai cũng nhận thấy, nhưng không ai biết nó từ đâu mà ra. Không có một định luật tự nhiên nào cho phép chúng ta giải thích được sự tồn tại của trực giác. Vì thế, trực giác chính là một Phép Màu rõ rệt nhất nhưng khó hiểu nhất.

Albert Einstein là người có mối quan tâm đặc biệt tới vấn đề này. Ông nói một lời bất hủ: “Bí mật vĩnh cửu của thế giới là tính chất có thể hiểu được của nó… Cái sự thật rằng thế giới này có thể hiểu được là một Phép Màu” (The eternal mystery of the world is its comprehensibility … The fact that it is comprehensible is a miracle”[9].

Vế thứ nhất của câu nói trên được diễn đạt dưới nhiều dị bản (version) khác nhau. Có tài liệu viết: “Điều khó hiểu nhất về thế giới là ở chỗ nó có thể hiểu được” (The most incomprehensible thing about the world is that it is comprehensible)[10].

Vậy cái gì giúp con người hiểu được thế giới? TRỰC GIÁC, đó là câu trả lời.

Với câu trả lời đó, tôi xin diễn dịch câu nói của Einstein theo cách hiểu của tôi như sau:

– Điều khó hiểu nhất trên thế giới là TRỰC GIÁC – kênh giao tiếp của con người với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ và với chính mình, thậm chí với những tầng vũ trụ cao hơn và với Thượng đế. Vì thế, TRỰC GIÁC là Phép Màu khó hiểu nhất, kỳ lạ nhất, nhưng cũng chính vì thế mà HẤP DẪN nhất.

Tôi muốn phát triển câu chuyện theo hướng này, nhưng e rằng bài viết sẽ quá dài, làm nhọc độc giả. Vậy xin tạm dừng ở đây, để dành câu chuyện lý thú về Trực Giác cho bài viết tiếp theo.

Chú thích:

[1] http://www.perrymarshall.com/articles/religion/godels-incompleteness-theorem/
[2] Xem “Nan đề Sáng Thế” của Phạm Việt Hưng trên PhamVietHung’s Home ngày 13/11/2013
[3] Lược dịch từ Wikipedia, Werner Heisenberg
[4] The first gulp from the glass of natural sciences will turn you into an atheist, but at the bottom of the glass God is waiting for you (“The Universe – Note to God”, Ulrich Hildebrand, Ethos, 10 October 1988).
[5] Xem “Nan đề Sáng Thế”, đã dẫn trong ghi chú 2.
[6] Ngôn ngữ của Chúa (The Language of God), Francis Collins, bản dịch của Lê thị Thanh Thủy, NXB Lao Động 2007
[7] Sách đã dẫn trong ghi chú 6, trang 13
[8] Sách đã dẫn trong ghi chú 6, trang 12.
[9] http://en.wikiquote.org/wiki/Albert_Einstein
[10] như chú thích 9.

Bài này được đăng bản gốc trên viethungpham.com. Bài viết đã được chỉnh sửa tiêu đề.
Đọc bản gốc ở đây: http://viethungpham.com/2013/11/26/phep-mau-miracles/#comments

TÁC GIẢ: PHẠM VIỆT HƯNG