PDA

View Full Version : Con người chỉ cần ngủ 4 tiếng mỗi ngày do đột biến gene



saigonman
07-17-2015, 15:22
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu đột biến gene ở những đối tượng chỉ cần ngủ 4 tiếng mỗi đêm mà vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, nhằm tìm ra phương pháp can thiệp kiểm soát giấc ngủ cho con người.

Abby Ross là một nhà tâm lý học đã nghỉ hưu, sống tại Miami, bang Florida, Mỹ. Đối với bà, giấc ngủ mỗi đêm chỉ cần kéo dài 4 tiếng là đủ để cơ thể thư giãn và tỉnh táo. Nhờ thời gian ngủ ngắn hơn một nửa so với thông thường, bà Ross có thêm khoảng 60 ngày rảnh rỗi mỗi năm cho những công việc khác, trong khi mọi người đang say ngủ.

“Thật tuyệt khi có nhiều thì giờ như vậy trong ngày. Tôi thấy như mình được sống hai cuộc đời vậy,” bà Ross nói.

Những người thuộc nhóm ngủ ngắn tự nhiên (short-sleeper) như bà Ross không bao giờ rơi vào trạng thái ngủ lịm hay thèm ngủ nướng mỗi sáng. Họ thường tỉnh giấc sớm, thông thường chỉ ngủ 4-5 tiếng mà vẫn tràn đầy năng lượng bắt đầu ngày mới. Cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher cũng thuộc nhóm người này. Bà đầm thép từng nhiều lần tự hào nói mình chỉ cần ngủ 4 tiếng mỗi đêm.

Hiện tượng ngủ ngắn đặt ra nhiều nghi vấn. Nguyên nhân do đâu nhóm người này có chất lượng giấc ngủ hiệu quả đáng ngạc nhiên như vậy trong khi người thường dành tới nửa ngày để chợp mắt? Liệu rằng có thể thay đổi đặc điểm giấc ngủ để tăng hiệu quả giống như nhóm người ngủ ngắn hay không?

Lời giải khoa học

Phòng thí nghiệm Ying-Hui Fu thuộc đại học California, San Francisco, Mỹ, năm 2009 đón tiếp một vị khách nữ than phiền tình trạng dậy sớm quá mức của mình. Ban đầu, chuyên gia Fu cho rằng có thể nguyên nhân bắt nguồn từ thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm cực đoan của người phụ nữ này. Tuy nhiên, người phụ nữ khẳng định cô đi ngủ lúc nửa đêm nhưng cứ đến 4 giờ sáng là tỉnh táo hoàn toàn. Không chỉ thế, tình trạng tương tự còn xảy ra ở nhiều thành viên khác trong gia đình cô.

Bà Fu cùng các đồng nghiệp đã so sánh hệ gene của các thành viên trong gia đình người phụ nữ này. Họ phát hiện một đột biến nhỏ trong gene tên DEC2 hiện diện ở những người có triệu chứng ngủ ngắn. Đặc điểm này không xuất hiện ở các thành viên có giấc ngủ bình thường trong gia đình cũng như 250 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu cũng tạo ra đột biến gene tương tự, thử nghiệm trên chuột. Kết quả cho thấy, con chuột có gene đột biến ngủ ít hơn hẳn nhưng vẫn hoạt động hiệu quả như những con khác trong các bài kiểm tra.

Thông thường, ngủ quá ít hay thiếu ngủ gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Thiếu ngủ có thể dẫn tới trầm cảm, béo phì và nâng rủi ro đột quỵ hay tiểu đường.

“Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng. Nếu ngủ ngon giấc, bạn có thể tránh được nhiều bệnh tật và cả chứng mất trí nhớ,” Fu cho hay. “Người bình thường nếu thiếu ngủ chỉ 2 giờ mỗi ngày thì chức năng nhận thức sẽ giảm sút ngay lập tức.”

Ngủ ít mà vẫn khỏe mạnh

Vì sao giấc ngủ lại giữ vai trò quan trọng như vậy vẫn còn là một bí ẩn. Lý giải được nhiều đồng thuận nhất cho rằng, não bộ cần giấc ngủ để thực hiện nhiệm vụ “dọn dẹp” sau một ngày làm việc và duy trì cân bằng bởi não không có nhiều thời gian nghỉ khi cơ thể hoạt động. Thời gian ngủ giúp não hồi phục những tế bào tổn thương, loại bỏ chất độc, củng cố nguồn cung năng lượng và sắp xếp lại các ký ức.

“Rõ ràng những người có gene DEC2 đột biến có thể hoàn thành quy trình này trong khoảng thời gian ngắn hơn thông thường. Giấc ngủ của họ hiệu quả hơn chúng ta,” Fu nói. “Nhưng họ làm thế bằng cách nào? Đó mới là câu hỏi then chốt.”

Sau khám phá về đột biến gene DEC2, bà Fu cho biết có nhiều người đã tìm tới khẳng định mình chỉ cần ngủ rất ít mỗi đêm. Song hầu hết số này đều mắc phải chứng mất ngủ.

“Chúng tôi không nghiên cứu những người gặp các rối loạn giấc ngủ khiến họ ngủ ít, đối tượng của chúng tôi là người không ngủ nhiều mà vẫn cảm thấy khỏe mạnh,” Fu nói. Theo bà, điểm chung của tất cả đối tượng ngủ ngắn trong nghiên cứu chính là thái độ sống tích cực.

“Họ đều tràn đầy năng lượng và rất lạc quan. Mong muốn tận hưởng cuộc sống nhiều nhất có thể là điều khá phổ biến ở họ. Nhưng chúng tôi không rõ liệu đột biến gene có liên hệ gì hay không và nếu có thì bằng cách nào,” Fu trăn trở.

Nhà tâm lý học Abby Ross luôn cảm thấy khoan khoái mỗi khi thức giấc.

“Khoảng thời gian của buổi sáng, lúc 5 giờ, thật kỳ diệu. Không gian rất yên tĩnh và thanh bình khiến người ta làm xong rất nhiều việc. Tôi ước nhiều cửa hàng mở cửa giờ đó, nhưng giờ tôi có thể mua sắm trực tuyến hoặc đọc sách. Có rất nhiều điều để đọc trên thế giới này. Hoặc tôi có thể ra ngoài và tập thể dục trước khi người khác tỉnh dậy, hoặc trò chuyện với người ở múi giờ khác.”

Giờ ngủ khác thường của Ross giúp bà hoàn thành đại học chỉ trong 2 năm rưỡi, đồng thời học thêm nhiều kỹ năng mới. Chẳng hạn, chỉ ba tuần sau khi sinh con trai đầu lòng, Ross quyết định tận dụng một trong rất nhiều buổi sáng sớm trong đời để chạy quanh khu nhà.

Ban đầu bà mất khoảng 10 phút. Hôm sau, bà lại tiếp tục chạy và tăng quãng đường lên hơn một chút. Cùng với thời gian, sức bền của bà tăng lên tỷ lệ thuận với thời gian và quãng đường chạy mỗi ngày.

Trong ba năm, Ross đã hoàn thành không chỉ một mà tới 37 đường chạy marathon (chiều dài hơn 42.000 km mỗi đường), trung bình mỗi tháng một vòng, cùng rất nhiều vòng chạy trên địa hình rừng núi.

“Tôi có thể thức dậy tập thể dục trước khi mọi người tỉnh dậy và hoàn thành mọi việc vượt xa người khác,” bà nói. Hồi nhỏ, Ross nhớ thường dành những buổi sáng sớm ở cùng cha, một người cũng thuộc nhóm ngủ ngắn.

“Những buổi sáng sớm ấy đã cho chúng tôi khoảng thời gian thật đặc biệt bên nhau,” bà tâm sự. Bây giờ nếu bà có lỡ ngủ quá giấc, chồng bà thậm chí còn sợ vợ đã chết. “Tôi không ngủ nướng bởi khi làm vậy tôi thấy thật tồi tệ.”

Lối đi tắt để cải thiện chất lượng giấc ngủ

Sau nghiên cứu ban đầu, chuyên gia Fu cùng cộng sự tiếp tục phân tích hệ gene của nhiều gia đình khác thỏa mãn những điều kiện của ngủ ngắn. Fu nhận định đây mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình tìm hiểu về đột biến gene của người có giấc ngủ ngắn, nhưng là bước đệm nền tảng. Bà hy vọng trong tương lai hiểu biết này sẽ giúp người bình thường có được giấc ngủ ngắn mà hiệu quả.

Cho đến khi điều này thành hiện thực, chuyên gia về giấc ngủ Neil Stanley cho rằng vẫn có cách để chúng ta cải thiện chất lượng giấc ngủ. “Biện pháp hiệu quả nhất là cố định giờ thức dậy vào buổi sáng,” ông nói.

Stanley cho biết, cơ thể sẽ dần làm quen với thời gian cần phải thức dậy, do đó sẽ tận dụng hết thời gian có được để giấc ngủ hiệu quả nhất có thể. “Nghiên cứu cho thấy, cơ thể chuẩn bị cho việc thức dậy 1,5 tiếng trước khi thực sự tỉnh giấc. Cơ thể luôn tuân thủ theo nhịp điệu thường xuyên nên nếu bạn thường thay đổi giờ giấc, cơ thể sẽ không có căn cứ chuẩn bị cho việc thức dậy.”

Kế đến, mỗi người nên tự giải thoát mình khỏi những nhận định của xã hội vềgiấc ngủ ngắn. “Nhiều quan điểm tán đồng giấc ngủ ngắn là điều tốt và khuyến khích người ta ngủ ít,” Stanley nhận xét.

“Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ví dụ về Margaret Thatcher hoặc các CEO thiên tài thường tuyên bố không cần ngủ nhiều. Trên thực tế, thời gian ngủ là nhân tố bị ảnh hưởng bởi di truyền. Một số người thường ngủ rất ít trong khi người khác lại cần tới 11-12 giờ mỗi đêm để cảm thấy sảng khoái nhất.”

Ông cũng nhấn mạnh nhiều người cho rằng mình bị rối loạn giấc ngủ, thực chất, họ không hề bị chứng bệnh đó. Người ta thường kỳ vọng phải ngủ đúng khoảng thời gian quy định.

“Nếu chúng ta đều có thể xác định được mình thuộc kiểu hình giấc ngủ nào và sống đúng như thế thì mỗi người sẽ tạo ra một khác biệt đáng kể cho chất lượng cuộc sống của mình.”

Theo Khoa Học