PDA

View Full Version : Vương Hồng Sển



ngoctrongda
04-24-2013, 14:31
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/7/7d/Vuonghongsen.jpg

Vương Hồng Sển (1902 - 1996)

Vương Hồng Sển, bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai, là một nhà văn, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.


Tiểu sử

Vương Hồng Sển sinh ngày 27 tháng 9, 1902, tại Sóc Trăng, mang ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer. Nguyên tên thật ông là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh, khi làm giấy khai sinh người giữ sổ lục bộ nghi nhầm là Sển (theo cách phát âm tiếng Triều Châu hay còn gọi là tiếng Tiều là một huyện của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc).

Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.


Ngay từ thuở nhỏ ông đã sớm biểu lộ sự ưa thích đồ cổ. Một giai thoại do chính ông thuật lại, mẹ ông biết con mình không thích ăn mắm. Một hôm bà đem về một mắm lóc nguyên con và nói rằng đây là thứ mắm quí vì đã giữ được 10 năm. Thế là vì tò mò ông đã ăn thử và từ đấy không sợ mắm nữa.

Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Phát thanh Sài Gòn với các bút hiệu: Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm xưa và nay, rất sành về đồ cổ. Có thể nói ông là kho tàng sống về các lãnh vực kể trên.

Ngoài ra, những người muốn nghiên cứu về lịch sử miền Nam sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của ông một nguồn tài liệu bổ ích qua nhãn quan một chứng nhân thời cuộc nước Việt của thế kỷ 20. Nói như học giả Nguyễn Hiến Lê, (1912- 1984) thì : ...Quả như lời Vương quan viết trong bài tựa "Coi vậy mà xài được". Kẻ ít học như tôi (Nguyễn Hiến Lê) còn thấy là xài được gần trọn kia đấy. Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại - mặc dầu là hấp tấp trong sự trình bày - vô số tài liệu mà trong mấy chục năm, ông đã tốn công đạp xe máy đi sưu tầm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng lân cận. Về nhà cân nhắc chọn lựa với tinh thần thận trọng đáng khen : chỗ nào chưa đủ chứng cớ thì tồn nghi....

Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 1996 tại Sài Gòn, thọ 94 tuổi.


Tác phẩm

Thú chơi sách (1960)
Sài Gòn năm xưa (tập I, II 1960, III 1992)
Hồi ký 50 năm mê hát (1968)
Phong lưu cũ mới (1970)
Thú xem chuyện Tàu (1970)
Thú chơi cổ ngoạn (1971)
Chuyện cười cố nhân (1971)
Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa (1972)
Cảnh Đức trấn đào lục (1972)
Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn (1972)
Hơn nửa đời hư (1992)
Tạp bút năm Nhâm Thân (1992)
Khảo về đồ sứ từ hậu Lê đến sơ Nguyễn (1993)
Những đồ sứ do đi sứ mang về (1993)
Những đồ sứ khác Quốc dụng, Ngự dụng v.v.. (1993)
Tạp bút năm Quý Dậu (1993)
Tự vị tiếng Việt miền Nam (1994)
Nửa đời còn lại (1995)
Thú ăn chơi
Khảo về hát bội



(wikipedia.org)