PDA

View Full Version : Thế Lữ



ngoctrongda
04-24-2013, 14:29
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/1/15/The_Lu.jpg/160px-The_Lu.jpg

Thế Lữ (06.10.1907 – 03.06.1989)


Thế Lữ là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập 1934, ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay.

Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm Chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành Chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là một người tiên phong, không chỉ trong phong trào Thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam.



Tiểu Sử

Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định. Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ. Bút danh Thế Lữ, mang nghĩa "người khách đi qua trần thế" lại phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành "Lê ngã", "ta" cũng tức là "ngã".

Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn - Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị đưa rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha). Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm có được gặp một đôi lần, nên theo như Thế Lữ nhớ lại, chủ đề chính từ khi ông còn bé cho đến năm 10 tuổi là xa cách, nhớ thương người mẹ đẻ của mình. Sống ở xứ Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây với những câu chuyện kinh dị ma quái mà ông được nghe từ nhỏ đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông sau này.

Tác phẩm

Thơ

Mấy vần thơ (1935)
Mấy vần thơ, tập mới (1941)

Kịch

Dương Quý Phi (1942), gồm hai vở:
Trầm hương đình
Mã Ngôi Pha
Người mù (1946)
Cụ đạo sư ông (1946)
Đoàn biệt động (1947)
Đề Thám (1948)
Đợi chờ (1949)
Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (1952)

Thế Lữ cũng là dịch giả nhiều vở kịch của Shakespeare, Goethe, Schiller,...


Truyện
Vàng và máu (1934)
Bên đường thiên lôi (1936)
Lê Phong phóng viên (1937)
Mai Hương và Lê Phong (1937)
Đòn hẹn (1937)
Gói thuốc lá (1940)
Gió trăng ngàn (1941)
Trại Bồ Tùng Linh (1941)
Thoa (truyện ngắn, 1942)
Truyện tình của anh Mai (truyện vừa, 1953)
Tay đại bợm (truyện ngắn, 1953)

Lời bài hát
Xuân và tuổi trẻ (1946) phổ lời cho nhạc bởi La Hối


(wikipedia.org)