PDA

View Full Version : Một viên thuốc an thần cũng mang họa trục xuất



vinamaster
04-24-2010, 03:07
(*) Hà Ngọc Cư (Viết riêng cho Người Việt)
Chơi ma túy là chơi với lửa. Hai vụ án dưới đây là hai tấm gương tầy liếp cho những thường trú nhân thích mạo hiểm với ma túy.
Trường hợp thứ nhất là vụ án một cựu quân nhân tham chiến ở Việt Nam chưa có quôc tịch Mỹ ở Oklahoma, bị bắt vì buôn cần sa (marijuana). Luật sư của anh đã khuyên anh nhận tội để được giảm khinh và trấn an rằng cho dù nhận tội anh cũng không bị trục xuất vì anh sẽ chỉ bị một khinh tội (misdeamor). Kết quả là mặc dầu đã sống ở Mỹ trên 40 năm, anh vẫn nhận được lệnh trục xuất vì buôn bán ma túy là tội bị trục xuất (deportable crime) vô phương cứu chữa.

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/111868-big_Thuocanthan.jpg

Thuốc an thần Xanax. (Hình:thegooddrugsguide.com)


Vụ án thứ hai là một thường trú nhân gốc Mễ Tây Cơ, Carachuri-Rosendo, sinh tại Mexico, theo bố mẹ tới Texas khi mới 3 tuổi và sống ở Mỹ từ năm 1993. Rsendo hai lần phạm tội về ma túy. Lần thứ nhất anh bị bắt khi trong người có 2 ounces cần sa và bịt kết án 20 ngày tù. Lần thứ hai là mang trong người một viên thuốc an thần Xanax, một loại thuốc bị kiểm soát (controlled substance). Cả hai vụ đều là “misdeamor” nhưng hai misdeamor là bị tính thành trọng tội (felony) và felony là tội bị trục xuất.
Cả hai vụ được kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện. Tối Cao Pháp Viện với số phiếu 7-2 ra lệnh ngưng trục xuất cả hai đương sự vì cho rằng quyền hiến định của họ đã bị vi phạm nên phải được xử lại. Thẩm phán John Paul Steven nói rằng “Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng số phận của bị cáo không thể đặt vào tay của một luật sư thiếu khả năng.” Trong khi đó hai thẩm phán Antonin Scala và Clarence Thomas bất đồng ý kiến với John Steven vì theo họ Hiến pháp không hề buộc một luật sư hình sự phải cố vấn cho thân chủ của mình về các vấn đề di trú.
Hai bị cáo trên sẽ được đưa trở lại tòa án địa phương để xử lại. Nếu tòa án ở các nơi này kết luận rằng tội của họ là felony thì họ sẽ bị trục xuất.
Can tội gì sẽ bị trục xuất? Dĩ nhiên người có quốc tịch thì có can tội tày trời cũng không bị trục xuất vì đã là công dân Hoa Kỳ thì làm sao mà bị trục xuất khỏi đất nước mình được.
Điều khoản 237(a) của luật Di Trú quy định 5 loại tội phạm sau là tội có thể bị trục xuất (deportable crime)

1. TỘI LIÊN QUAN ĐẾN BẠI HOẠI ĐẠO ĐỨC (Crimes involving moral turpitude, viết tắt là CIMT)
Đó là các tội về sử dụng bạo lực tấn công người khác, gian lận, trộm cắp , đồi phong bại tục. Đấy mới chỉ là các khái niệm chung chung còn muốn tìm một định nghĩa chính xác về CIMT thì chỉ còn nước “bắc thang lên hỏi ông trời” hoặc tùy theo tư kiến của mỗi ông tòa di trú. Khi can phạm bị kêu án thì chẳng có ông tòa nào bảo bị can là anh “đã tội phạm CIMT” mà chỉ ghi vào cáo trạng là tội gì, felony hay misdeamor.

2. TỘI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC CHẤT BỊ KIỂM SOÁT (Controlled substances)

Vi phạm luật lệ về các dược liệu bị kiểm soát ban hành bởi tiểu bang, liên bang hay nước ngoài đều có thể bị trục xuất (trừ trường hợp sở hữu 30 gram hoặc ít hơn 30 gram cần sa để sử dụng ) cho dù bị kết án là misdeamor hay felony. Buôn bán hay tàng trữ các dược liệu bị kiểm soát thì bất kể nhiều ít cũng có thể bị trục xuất. Riêng tại Texas dù chỉ bị bắt trong người có dược liệu bị kiểm soát , bất kể nhiều ít, để xài hay buôn bán cũng can tội felony.

3. TỘI LIÊN QUAN ĐẾN SÚNG ĐẠN

Can tội mua bán trao đổi, sử dụng, sở hữu, bất kể vũ khí hay bộ phận rời của vũ khí là có thể bị trục xuất.

4. TỘI BẠO HÀNH TRONG GIA ĐÌNH (domestic violence)

Dùng bạo lực đối với người trong gia đình là tội có thể bị trục xuất.

5.TỘI HÌNH NGHIÊM TRỌNG (Aggravated Felonies)

Can tội hình nghiêm trọng là bị trục xuất. Quan niệm về Aggravated Felonies rất bao quát. Càng ngày danh sách “aggravated felony” càng được kéo dài thêm. Sau khi luật cải tổ di trú ban hành năm 1996 thì can tội aggravated felony bất kể ở thời gian xa xôi nào cũng có thể bị lôi ra tòa di trú và có thể bị trục xuất.
Có người can tội “quan hệ tình dục” với một vị thành niên trước năm 1996, vào lúc đó tội này không bị xếp vào loại “aggravated felony” nên không bị trục xuất. Hai mươi năm sau anh ta bị lôi ra tòa di trú và bị trục xuất vì bây giờ tội này là tội bị trục xuất.
Xin nhớ tòa di trú không có nhiệm vụ tái thẩm các bản án của tòa hình sự mà chỉ phán xét tội đó có thuộc loại bị trục xuất không cho dù bản án của tòa hình sự đúng hay sai.
Đừng bao giờ nghĩ rằng không bị ngồi tù là sẽ không bị trục xuất. Có án (conviction) là có thể bị trục xuất, kể cả DAG (deferred adjudication guilt). Một khi đã bị hầu tòa về tội có thể bị trục xuất thì hy vọng thoát trục xuất rất mong manh. Có hai trường hợp tòa di trú hoãn hoặc tha trục xuất. Trường hợp thứ nhất là nếu bị trục xuất thì đương sự sẽ bị chính quyền bản xứ hành quyết hoặc trả thù. Ngày nay đối người Việt thì đặc ân này rất khó được tòa di trú cứu xét vì Việt Nam và Hoa Kỳ đã “thân thiện” với nhau và nhất là đã có nhiều người có “nợ máu” với CSVN về nước làm ăn vui vẻ với kẻ “cựu thù”
Tốt nhất là đừng vi phạm luật pháp. Nếu tay chót nhúng chàm thì hãy “chạy thầy chạy thuốc” để được trắng án (dismissed)
Nếu bị tòa di trú tống trát hầu tòa thì hãy tìm luật sư chuyên về trục xuất (deportation attorney). Muốn có danh sách các luật sư này thì lên Internet.
Trước đây thường trú nhân gốc Việt không bị trả về Việt Nam vì VN không nhận. Nay Hoa Kỳ và Việt Nam đã có thỏa ước về hồi hương người Việt bị trục xuất nên hàng ngàn người Việt Nam đang đối diện với “thảm kịch hồi hương”. Tuy vậy Việt Nam chỉ nhận những người bị trục xuất nếu định cư tại Mỹ sau ngày 12/7/1995, ngày Việt Nam và Hoa Kỳ tái lập bang giao..
Hiện có rất nhiều người Việt nhận được lệnh trục xuất nhưng không bị trả về VN vì định cư ở Mỹ trước ngày 12/7/1995. Ta chưa có con số chính thức về số người Việt bị trả về Việt Nam.
Xin nhắc nhở mấy điều sau:
- Nếu chưa có quốc tịch Mỹ mà đã có án, bất kể nặng nhẹ, thì chớ ra khỏi nước Mỹ vì khi trở lại Mỹ có thể bị nhân viên của CBP (Customs and Border Protection) giải giao cho Sở Di Trú điều tra để đưa ra tòa di trú.
- Hễ có án, kể cả tội rất nhẹ, cũng phải chờ 5 năm sau mới được nộp đơn vào quốc tịch. Trong trường hợp này nên nhờ một luật sư di trú giúp đỡ.
- Hãy nộp đơn nhập tịch ngay khi đủ điều kiện, trước là an toàn cho bản thân mình, sau là bảo đảm an toàn cho con vì ngay sau khi bố/mẹ tuyên thệ nhập tịch Mỹ là các con dưới 18 tuổi “tự động” thành công dân Hoa Kỳ mặc dù chưa có bằng quốc tịch hay passport Mỹ.

(*) Về tác giả: GS.Hà Ngọc Cư, Giám đốc điều hành cơ quan CIS chuyên về di dân và tị nạn, văn phòng tại Houston, Texas